Chưa kịp mừng thi đậu đã đối diện bao nỗi lo

Cha mẹ nào, dù giàu dù nghèo, chẳng mừng vui khi con thi chuyển cấp đậu vào lớp 10 hay tốt nghiệp THPT, được tuyển vào đại học! Có điều những người nghèo cóthu nhập thấp vừa mừng đã phải lo toát mồ hôi chạy tiền cho con chuẩn bị vào năm học mới, nhất là học phí nhiều đại học năm nay tăng đáng kể. Trong khi nhiều người giàu, con thi đậu dù chỉ vào lớp 10, phần thưởng là những chuyến du lịch, xe mới, điện thoại xịn cho con... Tiếp đólà nỗi lo lắng bất tận với xe mới của cậu quý tử tân sinh viên hay chiếc điện thoại thông minh trong tay những đứa trẻ “chưa lớn nhưng không còn nhỏ”, ăn chưa no lo chưa tới!

Nỗi lo của cha mẹ nghèo...

Không nói đâu xa, thằng cháu con của cô em tôi vừa đậu THPT với điểm khá cao, đủ chuẩn vào ba trường thuộc tốp trên mà nó đăng ký. Nó thấy ba má nó quá khó khăn nên đang phân vân chọn trường nào học phí thấp và khi ra trường là phải có việc làm ngay. Nếu tốt hơn là có thể vừa đi học vừa có thể làm thêm. Ba nó về hưu non do sức khỏe kém, nằm nhà ăn bám vợ. Má nó buôn bán rau trái ngoài chợ tự phát gần KCN Tân Bình với khách hàng là công nhân nghèo, kiếm được bữa đực bữa cái, đủ nuôi mấy miệng ăn và thuốc thang cho chồng.

Vợ chồng em tôi rất mừng khi con học giỏi, đậu điểm cao nhưng lại lo sốt vó. Đầu tiên là lo tiền mua cho nó chiếc xe máy để đầu năm nó đi học tận Thủ Đức, vì từ nhà ở Hương lộ 2, quận Bình Tân phải đi 2-3 chuyến xe buýt mới tới trường thì làm sao kịp học. Rồi chuẩn bị tiền đóng học phí, với lại năm đầu đại học phải sắm cho nóvài bộ quần áo sao cho coi được chứ áo quần học sinh lớp 12 năm rồi làm sao mặc lại. Ôi trăm thứ tiền. Tôi bảo: “May mà cô dượng chỉ còn lo một mình nó chứ bạn anh có người phải lo thằng đầu vào đại học, con gái vô lớp 10, áo dài, sách vở, muốn tắt thở luôn”.

Đằng sau niềm vui của các sĩ tử thi đậu là những lo âu của các bậc phụ huynh.

... Và ni khổ của cha mẹ giàu

Dù sao cả cô em và bạn tôi tuy vất vả lo lắng chuyện tiền bạc nhưng cũng được an ủi vì con ngoan, học giỏi. Chứ như vợ chồng ông hàng xóm tôi rất khổ tâm vì có thằng con học dốt lại hư hỏng, đêm nào cũng nghe họ cãi nhau. Ông chồng đổ thừa tại bà vợ cưng chiều quá nên nó hư, bà thì nói tại ông tối ngày đàn đúm nhậu nhẹt, chẳng quan tâm gì tới chuyện học hành của nó nên nó đổ đốn. Hai vợ chồng tuổi cũng ngoài năm mươi nhưng nghe đâu lấy nhau muộn, có con trễ, chỉ có thằng “con cầu tự” 16 tuổi học đúp liền hai năm lớp 9. Năm kia thằng nhỏ vừa lên lớp 9, bà mẹ đã mua cho nói iPad, iPhone... Suốt ngày nó đắm mình trong thế giới ảo. Có hôm đã khuya nhưng mẹ nó còn nghe nó chat hay chơi game gì đó trong phòng, chị gõ cửa nhưng nó không thèm mở, chị đành chịu chờ sáng mai vì chẳng lẽ khuya khoắt mà lại la rầy lớn tiếng. Ngậm bồ hòn làm ngọt nhưng trong lòng chị đã thấy lo lo.

Nỗi khổ tâm về con cái của vợ chồng ông hàng xóm tôi so với nỗi khổ - phải nói là nỗi đau mới chính xác - của ông tổng giám đốc một công ty mà tôi quen biết chẳng thấm gì. Vợ chồng anh ly hôn, vợ anh đi bước nữa với một người bạn... của anh. Anh đau quá, dồn hết tình thương cho thằng con trai, vì con gái mới 10 tuổi tòa xử ở với mẹ. Chỉ vì chiều con, thương con không đúng cách mà đẩy con vào vòng lao lý, thậm chí suýt mất mạng. Thằng con anh mới thi tốt nghiệp THCS, chuẩn bị chuyển lên lớp 10, anh đăng ký cho con học ở một trường quốc tế, nghe đâu mỗi năm cả chục ngàn đô. Thằng con năn nỉ ỉ ôi đòi mua xe mới, anh mua cho nó cái xe Sport hình như năm, sáu chục triệu. Thằng nhỏ mê xe hơn mê học, đi học nó gửi xe bên kia đường vì trường không cho đi xe khi chưa có bằng lái. Nó thường đàn đúm với đám bạn con nhà giàu. Có khi bị công an chặn bắt giam xe, cha nó lại lo bảo lãnh đóng phạt, nhận xe về. Nó đi hay về cả xóm đều nghe tiếng xe nó gầm rú, ai cũng lắc đầu. Một hôm đã khuya anh nhận được tin thằng nhỏ gây tai nạn tông chết một ông già bán vé số băng ngang đường, thằng nhỏ cũng bị dập mặt, gãy chân. Anh vừa phải lo nuôi con trong bệnh viện, vừa phải lo bồi thường cho gia đình và lo mai táng người xấu số. Xuất viện, thằng con chống nạng ra tòa. Vì nó còn ở tuổi vị thành niên và cha nó đã lo bồi thường, được gia đình nạn nhân bãi nại nên tòa chỉ xử phạt ba năm tù và tịch thu tang vật là chiếc xe.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm