Chưa bao giờ nghe thấy cụm từ "người lớn hư hỏng"

Tọa đàm do Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM và Trường ĐH KHVH&NV- ĐH Quốc gia TP. HCM tổ chức ngày 30-6.

Tham luận tọa đàm tập trung vào ba chủ đề chính, gồm: giới trẻ, quan điểm tiếp cận, các góc nhìn; Hiện trạng về lối sống, văn hoá ứng xử của giới trẻ hiện nay; Những giải pháp xây dựng văn hoá trẻ trong thời kỳ phát triển và hội nhập. 

Trong báo cáo đề dẫn, PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, cho rằng khi tiếp cận, đánh giá giới trẻ, chúng ta thường dựa trên hệ quy chiếu giá trị thế hệ trước được gọi là những giá trị truyền thống đối với thế hệ trẻ. Từ nhãn quan chính trị của tầng lớp đóng vai trò chủ đạo, đưa ra giá trị, tiêu chí chuẩn mực để đánh giá lớp trẻ. "Liệu cách tiếp cận này, quan điểm này có khách quan? Những giá trị gọi là chuẩn mực mà chúng ta đưa ra theo quan niệm sống của thế hệ đi trước có còn phù hợp với lứa tuổi này không? Tất cả đều phải xem xét lại, bởi xã hội hiện nay là xã hội mở, xã hội công nghệ, với nhiều cơ hội, lựa chọn cá nhân", ông Sen trăn trở.

PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV-ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng mặt trái của mạng xã hội ảnh hưởng đến giới trẻ không ít. Ảnh: V.THÀNH

Về chủ đề hiện trạng về lối sống, văn hóa ứng xử của giới trẻ hiện nay, TS. Sen cho rằng, nhận diện trí thức trẻ hiện nay có một bộ phận không nhỏ không có động lực phấn đấu và thiếu cảm hứng sống, thiếu niềm tin bền vững và thiếu nơi gửi gắm niềm tin, thiếu sự tự tin và tư thế đĩnh đạc, thiếu văn phông văn hóa và kiến thức nền tảng xã hội.

Ông Sen khái quát, trong giai đoạn chuyển tiếp của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xung đột giá trị là điều có tính tất yếu trong tiến trình lịch sử văn hóa, đặc biệt đối với giới trẻ, tính chủ động, sáng tạo, rất nhạy bén với cái mới nên nhiều giá trị truyền thống dễ trở nên lạc hậu và trở thành cản trở đối với sự phát triển của giới trẻ.

“Nếu không có những nhận thức văn hóa cơ bản, giới trẻ dễ cực đoan trong phê phán hoặc phá vỡ các chuẩn mực của xã hội truyền thống, dẫn đến xu hướng hoài nghi, hiện tượng lệch chuẩn.”, ông Sen nói.

Về những giải pháp xây dựng văn hóa giới trẻ thời kỳ phát triển hội nhập, ông Sen cho rằng: Xây dựng văn hóa giới trẻ cần nghiên cứu mối quan hệ trong tương tác hai cực, một bên là sự tương tác giữa gia đình-nhà trường và một bên là sự theo đuổi của tự do cá nhân trong mối quan hệ cộng đồng cùng trang lứa.

Đồng thời khi xây dựng văn hóa giới trẻ, cần chú ý ổn định các giá trị đạo đức và tinh thần. Bởi các giá trị này đóng vai trò quan trọng đối với sự tiến bộ của xã hội.

Ngược lại, thế hệ đi trước cũng cần phải có tư duy thoáng mở hơn, tránh cái nhìn theo chiều hướng cực đoan, bảo thủ đối với giới trẻ để giải phóng cá nhân của thế hệ trẻ được diễn ra chủ động và nhanh chóng hơn.

Chưa bao giờ nghe thấy cụm từ "người lớn hư hỏng" 

Lâu nay chúng ta đã quá quen với đánh giá một chiều, sự giáo dục một chiều từ nhóm người lớn tuổi hướng đến nhóm người nhỏ tuổi. Chỉ có thể gặp cách nói "giới trẻ hư hỏng", giáo dục giới trẻ, giáo dục thanh niên", chứ hầu như không bao giờ nghe thấy các cụm từ "người lớn hư hỏng", "giáo dục người lớn".

Quan hệ một chiều này được xem là mặc nhiên do tồn tại quan niệm mặc định rằng thế hệ đi trước vượt trội hơn thế hệ đi sau về mọi mặt, bởi vậy mà mặc nhiên người lớn tuổi là thế hệ độc quyền chân lý, độc quyền đánh giá, độc quyền giáo dục.

GS.TS TRẦN NGỌC THÊM, Giảng viên Trường ĐH KHXH&NV -ĐH Quốc gia TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm