Chủ tịch Quốc hội dự khai mạc Lễ hội dừa tại Bến Tre

Tối 16-11, Lễ hội dừa lần V năm 2019 tại Bến Tre chính thức khai mạc. Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng thường trực chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, địa phương và đông đảo người dân, du khách gần xa tham dự lễ khai mạc.

Phát biểu khai mạc tại lễ khai mạc Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình rất hoan nghênh Bến Tre tổ chức Lễ hội Dừa lần V phong phú với nhiều hoạt động mang tính cộng đồng cao, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Bến Tre và tôn vinh những người nông dân, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, nhà quản lý đã có nhiều đóng góp để cây dừa Việt Nam phát triển.

Chương trình văn nghệ khai mạc Lễ hội dừa

Theo Phó Thủ tướng, Lễ hội dừa tỉnh Bến Tre lần V là nhằm tiếp tục quảng bá, tạo cơ hội giao lưu, gặp gỡ của những tỉnh trồng dừa trong nước và quốc tế; là cơ hội để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dừa giữa các nông dân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, thúc đẩy liên kết, từng bước nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm dừa Bến Tre nói riêng, cả nước nói chung. Qua đó khẳng định vị thế của cây dừa trong sự phát triển chung của đất nước và quan tâm đến lợi ích của những người trồng dừa, doanh nghiệp chế biến và buôn bán dừa.

“Tôi hy vọng rằng, với sự nỗ lực của các cấp các, ngành có liên quan, các tỉnh trồng dừa, ngành dừa Việt Nam, đặc biệt là người dân Bến Tre sẽ phát triển bền vững, thu nhập của người nông dân trồng dừa sẽ tăng lên; doanh nghiệp sản xuất sản phẩm dừa nhất định sẽ phát triển mạnh mẽ và làm giàu từ cây dừa” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Các đại biểu lãnh đạo Trung ương dự lễ khai mạc

Phó Thủ tướng kỳ vọng, trong tương lai không chỉ hợp tác sâu rộng, chặt chẽ giữa các tỉnh trồng dừa trong nước mà chúng ta cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước có ngành dừa phát triển, để sản phẩm dừa của chúng ta có nhiều sản phẩm mới, đa dạng về chủng loại, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và thế giới. Đồng thời, để cây dừa và các sản phẩm từ dừa ngày càng đóng góp quan trọng hơn cho nền kinh tế quốc dân và gia tăng thêm các chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu ra các thị trường rộng hơn và khắc nghiệt hơn của thế giới.

Ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, Lễ hội dừa tỉnh Bến Tre lần thứ V năm 2019, với chủ đề “Cây dừa trên đường hội nhập và phát triển bền vững” đã kế thừa và tiếp nối thành công qua 4 kỳ tổ chức Lễ hội dừa; đồng thời, xác định vị thế của ngành dừa và sản phẩm dừa Bến Tre nói riêng và sản phẩm dừa của Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới; thúc đẩy ngành dừa hội nhập và phát triển một cách bền vững.

Hình ảnh dừa được trưng bày tại Lễ hội

“Lễ hội dừa lần này xoáy sâu và đồng bộ các chuỗi hoạt động phong phú từ nghiên cứu khoa học cho đến thực hành các hoạt động đời sống như giao thương, ẩm thực, vui chơi, trình diễn, thưởng lãm, trải nghiệm...” -  Ông Trọng nhấn mạnh.

Theo đó Lễ hội dừa sẽ diễn ra các hoạt động chính như: Hội chợ thương mại, triển lãm sản phẩm từ Dừa, Liên hoan ẩm thực dừa Nam bộ, Liên hoan chế biến các món ăn từ nguyên liệu dừa, đấu xảo sản phẩm dừa, tuyển chọn vườn dừa kiểu mẫu... là nhóm hoạt động mang tính quảng bá, giao thương, kết nối các giá trị kinh tế của dừa.

Hình ảnh dừa được trưng bày ở phố đi bộ tại Lễ hội dừa

Lễ hội còn có các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thiết kế mỹ thuật được được thể hiện qua các không gian thiết kế “Phố đi bộ”, “Không gian dừa” và các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phong phú, đa dạng xuyên suốt các ngày diễn ra lễ hội. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa thể thao tiêu biểu như “Ngày hội áo bà ba”, cuộc thi “Người đẹp xứ dừa”; Giải thể thao “Nông dân đua xuồng”; cuộc đi bộ “vì Bến Tre tôi yêu”... được tổ chức với tính cộng đồng cao, có gần 10 ngàn lượt người trực tiếp tham gia.

Trong khuôn khổ của lễ hội có 4 Hội thảo cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh với các nội dung về phát triển nông nghiệp, xây dựng sản phẩm đặc thù, xây dựng thương hiệu và phát triển nhãn hiệu, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển du lịch, xây dựng chuỗi giá trị... đều xuất phát từ đối tượng chủ yếu là cây dừa. Đây vừa là hoạt động nghiên cứu khoa học, vừa có tính định hướng, kết nối các vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn để giúp cho ngành dừa Bến Tre phát triển.

Bến Tre là tỉnh có tiềm năng và sản lượng dừa lớn nhất cả nước với hơn 72.000 ha  dừa, với gần 200.000 hộ trồng dừa, là nơi chế biến xuất khẩu dừa lớn nhất cả nước và thế giới. Sản lượng dừa hàng năm đạt gần 800 triệu trái, kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD, giá trị các sản phẩm chế biến từ dừa chiếm 20% giá trị sản xuất công nghiệp, 25% giá trị xuất khẩu của tỉnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm