Chủ rẫy có chó cắn chết người nói gì?

Chủ rẫy có chó cắn chết người nói gì? ảnh 1

Hai con chó trong đàn chó của ông Thành. Ảnh: Thái Bá Dũng

Ông Thành: Ai muốn chúng cắn người đâu

Ông Phạm Ngọc Thành cho biết: “Sự việc xảy ra, cả tôi và vợ không có mặt trong rẫy nên không hay biết thực hư sự việc. Đàn chó nhà tôi nuôi trong rẫy là đàn chó lai bẹcgiê, thường thả rông trong khuôn viên rẫy và chúng không hề được huấn luyện hay có ai quản lý cả. Chúng tôi cũng rất sốc khi án mạng xảy ra trong khu rẫy gia đình. Dù sao cũng là con người, hàng xóm láng giềng với nhau nên tôi thấy rất đau lòng. Việc đúng sai thì đã có công an, chúng tôi không can thiệp. Về phần mình, chúng tôi có điều kiện hơn nên đã giúp đỡ gia đình nạn nhân một số tiền chứ bên gia đình cũng không đòi hỏi gì”.

Ông Thành còn cho hay: “Xung quanh khuôn viên rẫy của gia đình tôi đã có rào thép B40 và hào sâu bao bọc nhưng nhiều năm nay người dân xung quanh vẫn cứ phá rào vào rẫy để mót cà phê. Tại cổng chính của khu rẫy tôi cũng đã có bảng thông báo có chó dữ, xây tường cao 3m nhưng ít ai quan tâm. Hằng năm chúng tôi mất phân tro, ống tưới và nhiều tài sản khác bên trong rẫy. Nuôi chó chính là để bảo vệ những tài sản này thôi chứ ai muốn chúng cắn người”.

Nguyễn Đình Sơn đã xuống làm ở Đồng Nai

Về người làm thuê cho gia đình ông Thành là Nguyễn Đình Sơn, ông Thành cung cấp thông tin: “Sau khi sự việc xảy ra, tôi đã nói Sơn đến trình diện với công an. Sơn cũng không còn làm việc trong rẫy của tôi nữa. Chuyện Sơn có thả chó hoặc thấy chó cắn người mà không cứu hay không thì do công an điều tra. Sau khi cơ quan công an cho Nguyễn Đình Sơn về, anh này đã ra Nghệ An ăn tết. Theo tôi biết bây giờ Sơn đang làm cơ khí ở Đồng Nai và tôi vẫn bảo khi nào công an triệu tập thì cháu phải lên”.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, Nguyễn Đình Sơn kể: “Ngày hôm đó tôi đang chuẩn bị đi thăm anh em trong trại. Trước đó tôi đã dẫn ba mẹ con chị Huê ra ngoài và bảo đừng vào trong này nữa, nếu không chó nó cắn, vì trước đó tôi thấy mấy con chó gần đó.

Sau đó tôi về đi tắm để đi cùng chị Tịnh (người nấu cơm trong rẫy - PV) vào trại thăm mấy người trong trại nhưng chị ấy không có CMND nên tôi định rủ anh Mật cùng đi. Sau đó tôi đi ra bãi đá và có ngồi nói chuyện với mấy anh em trong trang trại. Khi điện có lại, tôi mượn xe máy của một người cùng làm trong rẫy để đi bật điện. Cùng lúc đó, tôi nghe thấy tiếng kêu cứu hốt hoảng của chị Trâm gọi. Rồi tiếp đó, người con của ông Thu (chị Giang Thị Bích Điệp - PV) gọi cứu giúp. Đến nơi thì tôi đã thấy bà Ngắn chết úp mặt dưới đất, còn chị Điệp đang ở trên cây sầu riêng. Lúc tôi đứng ở gốc dừa còn có 5-6 người khác nữa. Khi nghe tiếng kêu cứu của chị Trâm, tôi đi xe máy nên đến gần nơi xảy ra án mạng đầu tiên, sau đó mọi người mới đến sau”.

Nguyễn Đình Sơn nói tiếp: “Làm cho ông Thành gần một năm tôi chưa thấy đàn chó này cắn ai bao giờ, thường chỉ thả rông trong vườn, mấy con chó to thì được nhốt lại rồi”.

Sao 5-6 người kia không đuổi chó cứu người?

Dư luận cứ nói về việc anh Sơn và các người làm của tôi không cứu giúp nạn nhân nhưng sao 5-6 người đi vào rẫy khi thấy chó cắn bà Ngắn, mỗi người lại trốn một nơi mà không xua đuổi đàn chó cứu người? Chính tội không cứu giúp người phải là ở họ chứ”.

Ông PHẠM NGỌC THÀNH (chủ rẫy)

Nhân chứng có quyền khiếu nại

Căn cứ thông báo kết quả điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Buôn Ma Thuột, việc cơ quan này ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự là phù hợp với kết quả điều tra (bao gồm kết quả các lần lấy lời khai của những người làm chứng và những lần thực nghiệm hiện trường). Tuy nhiên, quyết định không khởi tố như vậy có đúng với những gì đã diễn ra hay không tùy thuộc quá trình điều tra, bao gồm việc lấy lời khai của nhân chứng và thực nghiệm điều tra đã chính xác hay chưa.

Theo quy định tại khoản 3 điều 55 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS), người làm chứng cũng có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Do vậy, trong trường hợp những người làm chứng trong vụ việc của bà Ngắn cho rằng kết quả thực nghiệm điều tra không đúng với những gì họ đã khai nhận, đã chứng kiến và dẫn đến việc không khởi tố vụ án hình sự thì những người này có quyền khiếu nại. Và đối tượng bị khiếu nại trong trường hợp này không phải là quyết định không khởi tố vụ án, mà là khiếu nại đối với các biên bản, kết luận được lập trong quá trình điều tra.

Cơ quan có trách nhiệm giải quyết là Viện Kiểm sát nhân dân TP Buôn Ma Thuột. Thời hiệu khiếu nại là 15 ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận hoặc biết được quyết định không khởi tố vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng (điều 328 BLTTHS). Trường hợp khiếu nại không được giải quyết trong thời hạn 7 ngày (điều 329 BLTTHS) hoặc những người khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của Viện Kiểm sát nhân dân TP Buôn Ma Thuột thì có thể khiếu nại đến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Giải quyết của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk là giải quyết cuối cùng.

Trong vụ việc này, theo tôi, người có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự lớn nhất là anh Sơn, tùy thuộc vào việc anh này có hay không có hành vi “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” (điều 102 Bộ luật hình sự). Để xác định được điều này thì chỉ có thể căn cứ vào kết quả thực nghiệm của cơ quan điều tra.

Trong trường hợp anh Sơn quả thật không biết được tình trạng nguy hiểm của bà Ngắn đúng như kết quả thực nghiệm điều tra thì việc không khởi tố vụ án hình sự là phù hợp vì không có dấu hiệu tội phạm.

Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG

Theo Đ.Đối - Tr.Tân (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm