Chủ nhiệm VPQH: 'Tôi buồn vì báo chí nói QH nghỉ sớm'

Ngày 12-6, bên hành lang quốc hội, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (VPQH) Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi chung quanh việc các cơ quan né tránh báo chí, nhà báo bị hành hung...

. Nhiều đại biểu vẫn còn ngần ngại, sợ khi tiếp xúc với báo chí?

+ Nói là sợ thì không phải. Có thể là các ĐBQH còn ngần ngại chưa quen thôi. Để ĐBQH với báo chí là người đồng hành, báo chí nên phản ánh các ý kiến của ĐBQH một cách trung thực, khách quan đúng với ý kiến người ta. Tránh việc giật tít này nọ không hay.


Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí. Ảnh: LÊ PHI

. Thời gian qua rất nhiều nhà báo, phóng viên bị đánh, ông nghĩ như thế nào về việc cần có một hành lang pháp lý để bảo vệ nhà báo?
+ Tôi phản đối với các hành vi cản trở và đánh nhà báo. Đó là hành vi thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng các nhà báo. Chắc chắn là trong thời gian tới khi sửa Luật báo chí phải quan tâm tới vấn đề đó để có chế tài xử lý các hành động đó. Tôi cho rằng cần phải có chế tài để bảo vệ các phóng viên.
. Ông nghĩ như thế nào về đề xuất coi việc tác nghiệp của nhà báo là những người thi hành công vụ?
+ Trong luật báo chí tới đây, tôi tin rằng trong quá trình nghiên cứu, sửa luật các ĐB có thể sẽ được đưa vào.
. Thực tế là thời gian qua, hành lang pháp lý bảo vệ báo chí gần như không có, nên các nhà báo cũng ngần ngại hơn với việc điều tra các tiêu cực trong xã hội vì sợ bị trả thù?
+ Chúng ta đang thực hiện phòng chống tham nhũng và tôi đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc này. Nếu chúng ta không có thông tin tuyên truyền thì chắc chắn sẽ không hiệu quả. Như bạn nói, vừa qua có những nhà báo bị hành hung vì phản ánh các thông tin tiêu cực thì đây là hành vi đang gây bất bình.
. Thường thì các cơ quan chức năng không vào cuộc mạnh mẽ khi các PV bị đánh, thậm chí có dấu hiệu bao che, chỉ đến khi báo chí đồng loạt đưa tin thì mới vào cuộc?
+ Cái này thì tôi nghĩ đúng thôi, khi sự việc xảy ra báo chí phải phản ánh thì cơ quan chức năng mới biết được. Tuy nhiên, khi đưa lên công luận thì lập tức các cơ quan chức năng cần phải mạnh mẽ hơn nữa trong vấn đề xử lý những hành vi xâm phạm đến thân thể nhà báo.
. Báo chí có được xem là một kênh để các ĐBQH thực hiện giám sát không thưa ông?

+ Trong quá trình hoạt động giám sát thì có rất nhiều kênh, trách nhiệm của văn phòng là cung cấp các tài liệu cho ĐB liên quan đến những vấn đề ĐB cần giám sát. ĐBQH cũng đọc, tìm kiếm thông tin từ báo báo để từ đó cho các ĐB các tài liệu, số liệu để giúp cho việc giám sát khu vực, địa bàn nào đó là rất quan trọng. Như vừa qua, chọn 4 bộ trưởng để trả lời chất vấn thì rất nhiều kênh, ví dụ kênh tiếp thu ý kiến các cử tri phản ánh qua MTTQVN, thứ hai là những vấn đề bức xúc khi ĐB đến họp rồi kênh báo chí với các lĩnh vực bức xúc trong xã hội để chọn đưa vấn đề lên nghị trường. Báo chí giúp cho các ĐBQH lựa chọn các vấn đề nóng những nhóm vấn đề để đưa lên nghị trường. Cho nên vừa qua chọn 4 bộ trưởng trả lời chất vấn là rất đúng và trúng, nội dung chất vấn rất là sát với thực tiễn được cử tri rất hoan nghênh.\

. Ông có lần nào thất vọng vì báo chí chưa?

+ Tôi cho rằng báo chí phải khách quan, trung thực. Vừa qua tôi buồn là báo chí nói trong ngày 19-6 Quốc hội nghỉ sớm. Nghỉ sớm là do Quốc hội qua công tác chuẩn bị hết sức kỹ càng đưa ra hai chuyên đề để cho các ĐB lựa chọn hai chuyên đề này trúng chưa. Trúng rồi thì tới đây sẽ gửi phiếu xin ý kiến ĐB về hai chuyên đề để trở thành nội dung giám sát vào năm 2016. Nhưng báo chí nói rằng đại biểu lười… là hoàn toàn không đúng. ĐB không phát biểu thì lại đánh giá nọ, đánh giá kia là không đúng, tôi thất vọng chuyện ấy.

Tôi rất mong các nhà báo đồng hành với Quốc hội. Sắp tới, QH sẽ phối hợp với Hội nhà báo Việt Nam thành lập Câu lạc bộ Phóng viên Nghị trường.

Xin cảm ơn ông!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm