Chồng nấu cơm quét nhà là ‘hàng hiếm’?

Đó là những vấn đề được Thạc sĩ- Bác sĩ Nguyễn Lan Hải đặt ra tại buổi nói chuyện về chủ đề “Bình đẳng giới trong nhà để thành công dân toàn cầu” do Hội quán các bà mẹ tổ chức cuối tuần qua.

Bất bình đẳng ngay trong sách giáo khoa

“Tâm lí cho rằng con gái không đảm đang sẽ không thằng nào thèm lấy, con trai lười biếng thì sau này có vợ lo; con gái học cao thì tại “không thằng nào nó rước”, con trai học cao sau này đứa nào lấy nó được phước ba đời; vợ không đảm đang thì bị chê là đàn bà hư, người vợ đảm đang thì người chồng được khen là khéo chọn vợ; nam giới đi làm, nữ giới cũng đi làm nhưng khi về đến nhà nữ giới phải tiếp tục làm, nam giới được nghỉ ngơi… vẫn còn tồn tại trong nhiều gia đình và các mối quan hệ xã hội hiện nay”- Th.s- B.s Nguyễn Lan Hải phân tích.

Thạc sĩ- Bác sĩ Nguyễn Lan Hải. Ảnh: Thanh Tuyền

Bà cũng chia sẻ, việc giáo dục giới tính cần áp dụng với con trẻ ngay từ lúc còn nhỏ bằng những hành động nhỏ ở trong gia đình, thông qua phương tiện báo chí, sách vở… Nhưng hiện nay, sự bất bình đẳng đó lại xuất hiện ngay trong chương trình sách giáo khoa mà trẻ đang học. “Trong sách giáo khoa lớp 1, minh họa hình ảnh cho những nghề như kĩ sư, bác sĩ, cảnh sát hay những nghề quan trọng hơn thì xuất hiện toàn là hình ảnh của các chú, các anh, các bác- những người nam. Còn công việc như buôn bán trái cây, gánh hàng bán rong, gắn với hình ảnh bình dị, với cánh đồng… thì lại xuất hiện hình ảnh người phụ nữ”- Th.s- B.s Nguyễn Lan Hải dẫn chứng.

Bà còn nhấn mạnh đến tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại dai dẳng khi đa số mọi người kĩ lưỡng trong việc dạy con gái phải giữ gìn trinh tiết, thân thể, danh dự nhưng lại không dạy con trai mình phải tôn trọng danh dự, thân thể và sức khỏe người bạn gái. “Họ cũng không dạy con trai mình phải có trách nhiệm với bản thân, với hành vi của mình sau khi đã làm tổn hại thân thể bạn gái mà thậm chí còn dạy cách để con trai “nắm đầu” vợ hay ngược lại”- bà nói.

Tôi có cô bạn thân là kiểu người săn sóc cho chồng con rất chu đáo. Một lần cùng đi chơi, cô ấy nhận được tin chồng sẽ đi công tác xa liền cuống cuồng đòi về. Tôi hỏi vì sao, thì cô bạn bảo rằng phải về để ủi áo quần, xếp sẵn mọi thứ vào vali và chuẩn bị đồ dùng cá nhân cho chồng. Khi tôi hỏi tại sao phải như thế thì cô bạn bảo lâu nay vẫn như vậy và mọi chuyến công tác xa của chồng bạn phải chuẩn bị tất tần tật. Tôi hỏi đùa bạn: “Thế mày nặng bao nhiêu kí? Chồng mày thì sao?”- “Tao 50kg, còn chồng tao 70kg”- bạn trả lời. “Người chồng hơn tận 20kg mà sao bạn phải gánh vác nhiều hơn, phải nặng gánh lo như vậy, sao không để chồng tự làm?”- tôi hỏi thì bạn bảo đó là nghĩa vụ.

Tại sao ngay chính phụ nữ chúng ta lại không tự cởi trói cho mình? Hãy để chồng tự làm những việc mà họ vốn dĩ có thể làm được. Giữa vợ chồng nên có sự san sẻ để cùng hiểu cuộc sống của nhau hơn.

Chuyên gia tâm lí VÕ THỊ MINH HUỆ 

Nam giới cần chủ động nói về sự bình đẳng

Trước những định kiến cho rằng phụ nữ lo việc nhà, đàn ông thì lo việc lớn, bác sĩ Lan Hải phân tích , đừng nghĩ rằng chỉ những người có dân trí cao hay truyền thông cực mạnh mới có thể giáo dục về bình đẳng giới. “Nếu trong mỗi gia đình, người bố, con rể, con dâu, người vợ, người mẹ, người con cùng xây dựng một mối quan hệ bình đẳng thông qua việc điều chỉnh những hành vi nhỏ như vậy thì sự bình đẳng mới bắt đầu xuất hiện”- bà Hải nêu quan điểm.

Cũng theo bà, sự bình đẳng thể hiện ở những điều nhỏ nhặt mà nhiều người lại không thể làm được. Ví như việc phụ nữ được nghỉ ngơi trong những ngày đèn đỏ, được thoải mái cho con bú bằng dòng sữa mẹ mà không phải áp lực khi nghĩ đến công việc bị gián đoạn, hay nguy cơ bị đuổi việc sau khi sinh con… Đặc biệt, sự chia sẻ công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình; bù đắp cho người nữ những khoảng trống khi mang thai, sinh con; xem việc nấu nướng, giặt giũ hay chăm con không chỉ là thiên chức của người phụ nữ mà là việc chung của cả hai vợ chồng, phải cùng nhau san sẻ.

Th.s- B.s Nguyễn Lan Hải nhắn nhủ, để dạy con cái hiểu về sự bình đẳng, người cha, người đàn ông phải hiểu đúng và làm gương cho con về bình đẳng giới trong gia đình vì tâm lí trẻ thường nghe lời bố. Thêm vào đó, cần giáo dục con bằng hành động của bản thân, những bài học trong sách vở, tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình nâng cao nhận thức, hiểu biết và tham gia các hoạt động về bình đẳng giới ngoài xã hội...

“Cách hành xử của cha mẹ có ảnh hưởng đến thái độ sống và tư duy của trẻ nên việc giáo dục con cái về giới tình cần được bắt đầu từ việc xây dựng sự bình đẳng giữa các mối quan hệ trong gia đình”- Th.s- B.s Nguyễn Lan Hải nhấn mạnh.

Đừng tạo nên một thế hệ lười biếng và ăn bám

Tôi thấy có nhiều em đã 18 tuổi rồi mà mỗi tối vẫn để mẹ pha sữa, bưng ly sữa lên để cạnh bên mới chịu uống. Nhiều gia đình từ ông bà đến cha mẹ cùng chăm chút, cưng nựng một đứa con, đứa cháu. Tôi gọi đó là hội chứng 4-2-1 (ông bà nội/ ngoại; bố mẹ; con cái) và điều đó không tốt. Chính thái độ đó đã tạo nên một lớp người nô lệ và ăn bám. Phải làm sao để khi người phụ nữ trong gia đình đau ốm, nằm một chỗ hoặc đi vắng, thì người chồng và người con không bật lên câu hỏi: “Ơ thế hôm nay không có cơm ăn à?”.

Th.s- B.s NGUYỄN LAN HẢI 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm