Chồng lười có phải vì bẩm sinh?

Khi yêu nhau chàng trai nào cũng tỏ ra hào hoa phong nhã, lịch sự, galant, sẵn sàng giúp đỡ người yêu và tất cả những người liên quan đến nàng như bạn bè, gia đình, thậm chí…hàng xóm.

Các chàng cũng rất thích tỏ ra biết đủ thứ, đôi khi không biết cũng sẽ cố gắng học cho biết. Thế nhưng vì sao sau khi cưới nhau rồi, 80% đàn ông bị vợ chê là lười biếng? Thực tế nhiều trường hợp đàn ông lười là do bị ép vào thế phải lười mà thủ phạm ở đây không ai khác hơn là những bà vợ.

Vợ hay khen ngợi người khác

Nhất là khen ngợi đàn ông thì đây là chuyện tối kị với các ông. Dù những ông chồng không ai nói ra, nhưng họ ghét nhất là việc bị đem ra so sánh với người khác.

Nếu chồng bạn là một bác sĩ thì tất nhiên anh ấy không thể xây cái bồn cây nhanh và đẹp như một thợ xây được nhưng mỗi người đều có sở trường riêng.

Vợ đừng sốt ruột khi thấy chồng loay hoay mãi chưa sửa được cái xe đồ chơi cho con, anh ấy vẫn đang cố gắng tìm giải pháp tối ưu đấy. Nếu không ổn, tự anh ấy sẽ tự tìm thợ. Nhưng nếu bạn nói hớ là “ba ku Tin hàng xóm hôm trước sửa được ngay” thì chồng bạn sẽ “mất lửa” trong những trường hợp tương tự.

Thói quen chỉ đạo

 “Sao anh lại làm thế, cái kệ ấy phải kê ở đây chứ”, “Cái kìm ấy không đủ lực đâu, phải dùng cái to hơn”….ti tỉ câu nói theo phong cách chỉ đạo được các bà ban hành ra rả vào tai khiến đàn ông vô cùng khó chịu.

Mỗi khi chồng định làm gì, các bà vợ rất thích đứng bên cạnh chỉ huy bằng giọng mệnh lệnh. Như vậy cũng không sao nếu ý kiến đó hợp lý,  nhưng đáng tiếc đa số đều ngược lại.

Trong một số lĩnh vực đặc trị của đàn ông như xe cộ, điện nước, sửa nhà…thì các bà hãy để các ông tùy nghi định đoạt, vì căn bản là họ nắm rõ vấn đề hơn.

Ý kiến của các chị em chỉ làm rối thêm, chậm chí còn đẻ thêm việc vì làm sai phải sửa lại. Tai hại hơn nữa là những mệnh lệnh này cứ liên tục đổi hướng khiến người nghe muốn sái cả cần cổ.

Nếu các chị em muốn chồng mình phát ngấy đến nỗi không thèm đụng chân, mó tay vào việc gì thì cứ tiếp tục đứng bên cạnh chỉ tay năm ngón.

Sẵn sàng thay chàng bằng một anh thợ

“Anh có làm được không, thôi để em kêu thợ cho nhanh nhé”. Nếu bạn nói câu này khi chồng đang kì cụi lát lại lớp xi măng cho cái sân trước nhà, cầm chắc anh ấy sẽ không muốn chăm chỉ làm gì nữa.

Đàn ông sĩ diện rất cao, vì vậy nếu bạn tỏ ý không tin tưởng, hoặc sẵn sàng một sự lựa chọn khác để thay thế anh ấy thì tất nhiên chồng bạn sẽ tự ái mà dừng tay ngay.

Nếu vợ đề nghị kêu thợ, hay tệ hơn là nhờ anh bạn học làm nghề thợ xây, thợ điện…sửa giúp đồ đạc trong nhà thì ông chồng sẽ để vợ được như ý trong tất cả các lần sau. Vậy là bạn đã vô tình triệt tiêu ý muốn góp sức của chồng rồi.

Thông báo việc anh làm không cần thiết nữa

Chiếc laptop của bạn bị trục trặc, chồng bạn tìm cách cứu chữa cả ngày chưa xong. Chiều đi làm về, bạn buông một câu “thôi anh đừng làm nữa, công ty sắp tới lúc mua máy mới cho em rồi” thì thử hỏi còn ai nhiệt tình tháo gỡ những trục trặc đó cho bạn và vì bạn nữa?

Những món đồ trong nhà nếu còn có thể sửa chữa để dùng nhưng bạn lại nhanh nhảu bảo vứt đi, sắm cái khác cho nhanh, em chán nó rồi, máy từ đời ông ngoại mà còn dùng…sẽ khiến chồng bạn thất vọng và lần sau đừng mong anh ấy cố gắng trừ khi bạn năn nỉ.

Cố làm còn bị chê

Chồng lười có phải vì bẩm sinh? ảnh 3
 

Tất nhiên sau khi mướt mồ hôi lau nhà giúp vợ nhưng lại nhận được cái lắc đầu thất vọng kèm câu phán “góc nhà còn dơ quá, anh lau không kỹ gì hết”, hay đã cố dụng công nấu một bữa tối bất ngờ nhưng nhận lại là khuôn mặt nhăn như khỉ của vợ khi cố nuốt thì có cho vàng các ông cũng không dám liều lần hai.

Đàn ông cũng như trẻ nhỏ, cần được khích lệ và ủng hộ rất nhiều trong những việc như vậy. Lời động viên sẽ giúp họ lần sau làm tốt hơn và thích làm việc giúp vợ hơn vì thấy mình được ghi nhận.

Vì thế, các bà vợ đôi khi chỉ cần khéo léo một tí (không phải giả tạo) là sẽ khiến đức lang quân của mình nhiệt tình, thậm chí hăng hái, góp tay vào việc nhà ngay. Khi đó, đôi bên sẽ cùng có lợi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm