Chị Hồng hết thanh niên vẫn còn xung phong

Trở về cuộc sống đời thường với bao lo toan, vài năm gần đây mọi người lại tìm thấy hình ảnh chị Nguyễn Thị Cẩm Hồng qua các hoạt động xã hội dù thời gian có lùi xa mấy chục năm.

Như cách trả ơn đời

Trong căn nhà nhỏ ở một con hẻm trên đường Lê Thị Bạch Cát (quận 11, TP.HCM), vừa trông cháu nhỏ, chị Hồng vừa miệt mài móc những chiếc áo len, khăn quàng cổ, con thú xinh xinh. Một phần trong số đó chị bán lấy tiền để ủng hộ đồng đội gặp khó khăn, một phần gom lại để tặng cho các bé trong những chuyến đi đến các bệnh viện nhi trong TP và các tỉnh miền núi. Chị Hồng cho biết: “Cùng thực hiện với chị còn có các chị lớn tuổi trong nhóm Tím đậm do tụi chị tự lập ra. Chị và các bạn bỏ công sức ra để làm, còn len, chỉ là do các đồng đội cựu thanh niên xung phong (TNXP) hỗ trợ nên từng sản phẩm mang tặng là tấm lòng của tập thể”.

Ngoài ra, nghe tin chị Lý, một trong hai người còn sống sau vụ 24 TNXP bị Pol Pot thảm sát ngày 22-7-1978 tại Kokixom (Campuchia), hằng tuần nấu cháo tặng cho bệnh nhân ở BV Chợ Rẫy, đi đến đâu, làm gì chị cũng giới thiệu về nồi cháo chị Lý. Nhiều người đến với nồi cháo ban đầu do tò mò về người TNXP may mắn sống sót sau vụ thảm sát giờ ra sao nhưng sau khi chứng kiến hoạt động nghĩa tình của chị đã cùng nhau góp công, góp của. Hoặc cũng có người chỉ biết về nồi cháo chị Lý qua Facebook nhưng tin tưởng chị Hồng đã tự nguyện nhờ chị kết nối gửi chút tấm lòng, trong đó có người định cư tận bên trời Tây. Chị kể: “Cũng nhiều người kêu mình bao đồng nhưng mình thấy vui lắm. Như chị Lý, là thương binh, có một số phận bất hạnh, đáng ra ở tuổi này vui vẻ với con cháu nhưng chị lại chọn giúp ích cho mọi người, việc làm của chị Lý quá tuyệt vời nên mình rất muốn giúp lan tỏa việc làm hay của chị Lý. Trước đây, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, mình đã từng nhận được nhiều sự giúp đỡ và họ đều “thi ân bất cầu báo”. Nay cuộc sống tạm ổn, mình muốn làm những việc nho nhỏ có ích như là cách trả ơn đời”.

Chị Hồng ghi chép lại câu chuyện của một cựu TNXP cùng đơn vị khi đến chơi nhà. Ảnh: H.LAN

Trang viết kết nối nghĩa tình

Khi đang móc len thì chị Hồng đón anh Trần Chí Hiệp từng công tác chung ở Liên đội Xuyên Mộc ghé chơi. Những câu chuyện thời lao động gian khổ ở rừng lại được hai mái đầu muối tiêu ôn lại. Như sợ vụt mất những điều chưa kể, chị vội lấy sổ ghi ghi chép chép, biết đâu lại có thêm một mẩu chuyện hay vì chị hiện là cộng tác viên của bản tin lực lượng TNXP TP.HCM. Trước đó, nhiều câu chuyện về những đồng đội đang gặp khó khăn đầy xúc động đăng trên bản tin của chị đã kết nối những tấm lòng với nhau.

Mấy năm trước, cùng sinh hoạt chung Hội Cựu TNXP quận 11 nên chị Hồng thấy một đồng đội có vấn đề về thần kinh nhớ nhớ quên quên nhưng vẫn cố gắng chạy xe ôm phụ vợ bán thuốc lá ngoài đường. Rồi anh bị gạt lấy mất xe, cuộc sống rơi vào túng quẫn nên chị đã vận động các cựu TNXP góp sức giúp anh mua lại chiếc xe và làm thẻ BHYT cho anh. Cuối năm ngoái, nghe có chính sách trợ cấp hằng tháng cho người tâm thần, đích thân chị đến phường hỏi thủ tục làm hồ sơ để giúp anh hưởng chế độ vài trăm ngàn đồng một tháng và được cấp thẻ BHYT miễn phí.

Một lần tình cờ đi tập thể dục ở trường đua Phú Thọ, chị gặp anh Nguyễn Quang Đắc đang cặm cụi bắc gạch lên xẻng rồi nấu bằng củi vụn. Hỏi thăm, anh cho biết đang nấu thuốc trị ghẻ ngứa cho đồng đội rồi hỏi ngược lại chị sao không mặc đồ TNXP. Trên xe anh chất đầy búp bê gãy tay, dép đứt, xương gà, anh cho đó là chiến lợi phẩm sau đợt đi câu cá để xuống hậu cần cải thiện… Hỏi ra chị được biết anh từng đi chiến trường Campuchia. Hơn 10 năm trước, anh đột nhiên phát bệnh, vợ bỏ đi, anh sống với mấy người em. Sau khi bài đăng trên bản tin, lực lượng TNXP TP.HCM đã phối hợp với Hội Cựu TNXP quận 11 trợ cấp cho anh mỗi tháng 200.000 đồng. Được hai năm thì anh ngủ một đêm tới sáng rồi ra đi.

Chị Hồng chia sẻ: “Khi thâu lượm những hoàn cảnh bi đát để viết bài, mình muốn làm sao với sức nhỏ nhoi của mình kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ được họ. Bài viết có sự phản hồi lan tỏa, giúp ích được ít nhiều cho đồng đội là mình cảm thấy hạnh phúc như là được đón nhận tờ giấy khen vô giá. Nhìn lại bản thân, mình thấy hạnh phúc vì còn sức khỏe, còn ngọn lửa TNXP”.

Năm 2009, khi dự lễ ra mắt Ban liên lạc Hội Cựu TNXP quận 11, cảm xúc về một thời máu và hoa tuôn trào trong chị. Ý muốn viết lại những câu chuyện về đồng đội thôi thúc buộc chị phải viết. Chị Hồng chú ý một anh lăng xăng vác máy chụp ảnh. Lân la làm quen, chị được biết anh là Đoàn Ngọc Hùng, biên tập viên bản tin lực lượng TNXP TP.HCM. Chị liền đề nghị được viết bài kể về đồng đội. Anh Hùng hoan hô và động viên chị bắt tay ngay.

Trong quá trình đi tìm tư liệu viết bài, tình cờ chị nhận được nhiều đề nghị tìm kiếm đồng đội, trong đó có lời nhờ tìm kiếm người xưa của một anh bị tai biến với lời nhắn nhủ: Gặp lại có chết cũng cam lòng. Cuộc hội ngộ của cả hai khiến chị không cầm được nước mắt khi anh bật dậy đi được ba bước chân dù bình thường anh không cử động nổi. Anh nói: “Giờ anh muốn sống rồi!”. Những mẩu chuyện nhỏ như thế được chị góp nhặt đăng trên bản tin lực lượng TNXP. Được đồng đội khuyến khích và góp sức, năm 2015, chị Hồng tự in cuốn sách Những chuyện nhỏ TNXP dưới dạng lưu hành nội bộ. Năm ngoái, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập lực lượng TNXP TP.HCM, chị đã ra mắt cuốn sách Giấc ngủ mình có đồng đội ầu... ơ! cùng viết chung với anh Dương Thế Quang, Phùng Ngọc Quới và Nguyễn Việt Cường.

___________________________________

Chị Hồng rất nhiệt tình, năng nổ, vui vẻ hòa đồng với mọi người dù lớn hay nhỏ. Chị thường tham gia móc len, tặng quà học sinh miền núi, BV Nhi đồng... Gặp mặt cựu TNXP, khi nào chị cũng kêu gọi cho các hoạt động từ thiện như nồi cháo chị Lý. Tôi có cảm giác như chị không có tuổi già.

Chị CAO THỊ THU NGA, cựu TNXP chung đơn vị với chị Hồng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm