Chị 72 tuổi chăm em gái liệt 69 tuổi

Quá nửa đêm, người chị mới tranh thủ chợp mắt nhưng chốc chốc lại tỉnh giấc vì tiếng ú ớ của em mình.

Đó là hình ảnh quen thuộc của hai chị em bà Nguyễn Thị Hương tại tổ 2, ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

Cha mẹ mất sớm, gia cảnh nghèo khó không một miếng đất cắm dùi. 11 người em, sáu người mất do đau bệnh, ốm đói. Đó là tất cả những gì mà bà Nguyễn Thị Hương kể lại về quá khứ của mình. Là chị cả trong nhà, bà Hương từng làm đủ thứ nghề: từ vớt đồ nhựa trên sông, bán lá dừa, trái cây cho đến chạy chợ, mót lúa, chẻ củi...để gồng gánh lo cho đàn em. Rồi lần lượt các em bà khôn lớn, bỏ đi làm ăn tứ xứ. Giữa năm 2003, người em trai út lấy vợ. Căn nhà lá ọp ẹp, tài sản duy nhất cha mẹ để lại, đã chật lại càng chật hơn. Thương em, bà Hương ra ngoài mua tạm ngôi nhà tranh mục nát trả dần trong một năm.

Ba năm sau, tai ương lại giáng xuống. Người em gái của bà Hương là bà Nguyễn Thị Sen, hoàn cảnh cũng neo đơn, bỗng quỵ xuống. Đi khám, được chẩn đoán tai biến kèm theo kết luận bị liệt suốt đời. Người chị nuốt nước mắt đưa em về nhà, tiếp tục chạy chữa.

Người em bệnh tình càng nặng. Nước miếng nhểu ra, vệ sinh không kiểm soát được. Tay chân run rẩy, ngồi đâu ngã đó. Cả ngày bà Hương đi giặt thuê, chẻ củi cho người quanh xóm được hai ba chục ngàn. Bà không dám đi xa, chỉ cần nghe tiếng em la lên là bà phải chạy về ôm lấy dỗ dành. “Nó không nói được, nhưng tôi bảo gì nó biết hết. Có bữa đi làm về mệt quá, đau hai khớp chân, cố lết vô được đến nhà. Nó thấy vẫy vẫy tay ú ớ, nước mắt chảy ra. Hai chị em lại ôm nhau khóc” - bà Hương kể.

Nghe đâu có thuốc hay, thầy giỏi, bà Hương lại lặn lội không quản đường xa tìm đến để nhờ chữa trị cho em. Có khi khám tận Cần Thơ, An Giang thì hai chị em xin ngủ nhờ. Thấy cảnh khổ, không ai nỡ lấy tiền còn lo cho chỗ ăn, cấp gạo, chỗ ngủ, cấp thuốc... miễn phí. Người dân thương tình cho bát cơm khúc cá bà đều dành hết cho em.

“Bà Sen yếu lắm, kéo bên này lên thì bên kia sụp xuống. Vậy mà bà Hương một mình bồng ẵm đi khám bệnh hết chỗ này đến chỗ khác. Tôi cảm động, mấy năm nay toàn lấy xe máy chở ra ghe. Bà ngồi sau ôm chặt lấy em, gặp mấy chỗ đất đá lấy tay ghì xuống để người em khỏi bị xóc” - ông Đặng Văn Tưởng (Hai Chữ), một người dân địa phương, kể.

Theo PHAN PHAN (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm