Cháy xe, chưa rõ ai chịu trách nhiệm

Câu chuyện ở Bắc Ninh và Đà Nẵng cũng là câu chuyện thời sự của tất cả những ai sử dụng xe máy (đặc biệt là Honda) thời gian qua khi liên tiếp xảy ra các vụ cháy, nổ gây thiệt hại tài sản và cả tính mạng người sử dụng nhưng mối đe dọa ấy lại không hề được xác minh và ngăn chặn. Nhà sản xuất (Honda VN) thì “buông tay”, cơ quan chức năng (quản lý phương tiện, quản lý ANTT và PCCC) thì thụ động. Đến nay ngoại trừ vụ nổ ở Bắc Ninh được cơ quan giám định chỉ rõ “có dấu hiệu hình sự” (dẫn đến quyết định khởi tố vụ án) thì chưa có dấu hiệu nào cho thấy người tham gia giao thông có thể yên tâm cả!

Theo quy định của pháp luật, nếu như các vụ cháy, nổ xe không có tác nhân khách quan (như va quẹt, người ngoài tác động) thì việc nhà sản xuất (có thể vô ý) cung cấp xe kém chất lượng (gây cháy, nổ) ra thị trường cũng có thể coi là xâm phạm quyền của người tiêu dùng quy định tại Điều 8 Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Điều luật này nói rõ, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản… khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Tại Điều 11 nói thêm, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Đối với vụ nổ xe ở Bắc Ninh, khi xác định “có dấu hiệu hình sự” nghĩa là cơ quan điều tra đã thấy có dấu hiệu hoạt động của tội phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng (thiệt hại về tính mạng và tài sản). Nhưng còn rất nhiều các vụ cháy khác thì vẫn đang bỏ ngỏ việc tìm hiểu và kết luận về nguyên nhân. Vì thế, bên cạnh việc phải điều tra về những “kẻ phá hoại” giấu mặt, dư luận cũng đòi hỏi phải làm rõ trách nhiệm của nhà sản xuất cũng như các bên cung cấp dịch vụ do để xảy ra mối đe doạ nguy hiểm này.

VẠN BẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm