Chạy dọc miền Trung những ngày giáp Tết

Ăn Tết miền Trung, chúng tôi chọn leo lên xe máy để thực hiện một chuyến đi tự do về xứ Nẫu, thay vì mua vé, đi xe đò như những năm trước.

Chỉ mới 3,4 giờ sáng mà cửa ngõ phía Đông TP nhộn người về quê ăn Tết bằng xe máy. Ảnh: H.KIM

3 giờ sáng 27 Tết, chúng tôi xuất phát từ quận Thủ Đức, chạy dọc Xa lộ Hà Nội, lập tức hòa vào những dòng người xa lạ nhưng cũng đang trên cùng chuyến hành trình với chúng tôi. Người thì Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận; kẻ thì Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi,…
Khác với những gì chúng tôi tưởng tượng, không khí “phượt” về miền Trung rộn ràng hơn hẳn từ khi còn chưa bước ra khỏi cửa ngõ TP. Trong khí trời se lạnh, từng nhóm “phượt” “hú hí”, đợi nhau từng cụm trên dọc đường; rồi từng nhóm nối đuôi nhau chạy nhịp nhàng, phấn khởi, hứa hẹn chuyến về quê đầy thú vị.

Các tay "phượt" bon bon trên tuyến Quốc lộ 1A để về các tỉnh miền Trung. Ảnh: H.KIM

Chúng tôi đi theo tốc độ cho phép trên quốc lộ, tới gần cuối đất Đồng Nai thì trời đã sáng hẳn. Tự chọn cho mình tô bánh canh chả cá gốc Quảng Trị ngay đầu con chợ nhỏ ở huyện Xuân Lộc chỉ với 10.000 đồng, chúng tôi đã có bữa sáng no nê, sẵn sàng cho hành trình tiếp theo.
Dọc đường về, chợ hoa, chợ Tết tại các thị trấn, thị xã cũng rộn ràng không kém TP. Cờ, hoa treo đỏ rực tuyến quốc lộ, càng làm chúng tôi nao nức về tới nhà đón xuân an lành.
Đồng hành với chúng tôi, bạn Thúy (quê Phú Yên) “một mình, một ngựa” nhưng hăng hái không khác gì cánh mày râu: “Đây là lần đầu tiên mình đi phượt về quê ăn Tết thế này. Hồi hộp lắm, lúc chạy ra quốc lộ cứ lóng ngóng, không dám chạy. Nhưng lấy quyết tâm thử sức nên mình cứ hòa vào dòng người mà đi thôi. Tuy là con gái, chạy một mình nhưng không thấy quá mệt, chỉ là… ê mông thôi” – Thúy cười hì.
Còn bạn Kiên (quê Phú Yên) cho biết đây không phải là lần đầu tiên tự chạy xe máy hơn 500 cây số để về quê nhưng mỗi lần đi lại là một cảm giác khác nhau. Kiên gửi thông điệp đến các bạn đồng hành: “Đi đi, đừng sợ, mình còn trẻ mà!”.

Thi thoảng, dừng lại check-in dọc đường về... Ảnh: H.KIM

Cứ thế, chúng tôi mải miết chạy, qua hết Bình Thuận, Ninh Thuận rồi đến Khánh Hòa, mệt lúc nào thì dừng chân uống ngụm nước, ăn cái bánh mang theo, hít nhẹ cái nắng, cái gió của vùng biển, tăng thêm khí thế để hoàn thành nốt chặng đường cuối cùng.
Ngồi sau, tôi mải miết ngắm nhìn những cung đường đẹp ngút ngàn của núi, rừng, ruộng lúa và biển cả. Tôi mê mẩn những cánh đồng lúa xanh mướt lấp lánh dưới ánh nắng vàng, mê màu xanh ngọc bích của con biển miền Trung không gì so sánh được.
Càng chạy gần biển, cái lạnh càng thấm sâu vào trong. Chúng tôi ngửi trong gió được mùi cá, mùi mắm, mùi của biển và mùi vị của quê nhà.
Cứ thế, đến chiều muộn thì chúng tôi đặt chân lên Đèo Cả, con đèo của vùng Trung Trung Bộ, nối liền hai tỉnh Phú – Khánh, không quên check – in ngay dòng chữ “Địa phận Phú Yên”, hoàn thành hơn 500 cây số từ TP.HCM về đất Phú. Và tưởng tượng trong đầu khung cảnh hùng vĩ của con đèo với phía dưới là biển xanh bát ngát, những con tàu cá đang cập bến, sửa soạn cho cái Tết gần kề.
Và cứ thế, chúng tôi chạm đến cái Tết quê xứ Nẫu ấm áp giữa tiết trời mát lạnh, sau một năm xa nhà, bươn chải mưu sinh….

Một số hình ảnh khác:

Nhiều "phượt thủ" sành sỏi trong việc đèo đồ đạc trên xe để việc di chuyển thuận lợi hơn. Ảnh: H.KIM

Những "cánh quạt gió" ở Bình Thuận được nhiều người ngắm nhìn dọc đường về quê ăn Tết. Ảnh: H.KIM

Biển miền Trung xanh ngắt khiến nhiều bạn trẻ thích thú dừng lại hóng gió, chụp hình. Ảnh: H.KIM

Một trong những cung đường đẹp trên chuyến hành trình TP.HCM - Phú Yên trong ngày giáp Tết. Ảnh: H.KIM

Cánh đồng lúa xanh bát ngát ở Khánh Hòa... Ảnh: H.KIM

Đèo Cả là nơi được nhiều "phượt thủ" xứ Nẫu check - in thở phào nhẹ nhõm khi đã đặt chân về tới quê nhà sau hành trình hơn 500 cây số. Ảnh: H.KIM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm