Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai: Tôi không biết chuyện của giám định!

“Kết luận giám định y khoa mang tính chuyên môn, tòa không có cơ sở phản bác. Giám định viên phải chịu trách nhiệm về kết luận của họ…”. Ngày 17-8, ông Huỳnh Văn Lưu, Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai, nói với Pháp Luật TP.HCM chung quanh quyết định hoãn thi hành án, đề nghị xét đặc xá cho ông Nguyễn Hoàng Huynh, Thái Văn Nghĩa, nguyên chủ tịch huyện và nguyên trưởng phòng TN&MT huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai).

Tòa không có cơ sở phản bác kết luận giám định?

. Thưa, căn cứ nào để ông ra quyết định hoãn thi hành án phạt tù đối với ông Huynh, ông Nghĩa?

+ Sau khi án có hiệu lực pháp luật, cả hai người đều có đơn đề nghị hoãn thi hành án để trị bệnh, kèm đơn là chứng từ khám, chữa bệnh của họ. Trên cơ sở này, tòa đã trưng cầu giám định pháp y, đề nghị cơ quan giám định xác định tỉ lệ thương tật, xác định họ có mắc bệnh hiểm nghèo hay không...

Sau đó, Trung tâm Pháp y tỉnh Đồng Nai kết luận tỉ lệ thương tật của ông Huynh là 85%, của ông Nghĩa là 81% và cả hai đều mắc bệnh hiểm nghèo. Căn cứ kết luận này, chúng tôi hoãn thi hành án có thời hạn cho hai người để điều trị bệnh.
Về mặt pháp lý, các giám định viên được nhà nước bổ nhiệm và họ phải chịu trách nhiệm về kết luận giám định của mình chứ không ai chịu thay cho họ cả! Khi họ gửi kết luận giám định sang tòa án, chúng tôi không có cơ sở phản bác vì kết luận mang tính chuyên môn trong lĩnh vực y khoa.

. Bản kết luận giám định có điểm bất thường ở tỉ lệ thương tật, bệnh hiểm nghèo vì kết luận giám định dựa trên căn cứ của Thông tư 12-TTLT nhưng thông tư không hề đề cập đến bệnh hiểm nghèo… Chánh án không thấy điểm bất thường này sao?

+ Tôi đã nói rồi, không nói lại nữa!

.Theo Nghị định 76/NĐ-CP và Hướng dẫn 211 của Hội đồng tư vấn đặc xá, không thấy các loại bệnh của ông Huynh và ông Nghĩa là bệnh hiểm nghèo. Chánh án có thể chỉ họ mắc bệnh nào là bệnh hiểm nghèo không?

+ (Ông Lưu yên lặng và bà Bùi Kim Rết - Phó Chánh văn phòng TAND tỉnh nói thay: “Chánh án đã trả lời rồi. Nếu nhà báo quan tâm thì qua bên pháp y mà hỏi vì đó là vấn đề chuyên môn, tòa chỉ dựa vào kết luận giám định mà thôi”).

Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai: Tôi không biết chuyện của giám định! ảnh 1

Bị cáo Huynh tại tòa. Ảnh: TD

. Có thông tin là Trung tâm Giám định pháp y vừa có văn bản sang TAND tỉnh, Ban Pháp chế, Sở Y tế và Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai về bản kết luận giám định của họ “có vấn đề” về chuyên môn. Ý kiến ông về việc này?

+ Ngay từ đầu tôi đã xác định kết luận giám định là thẩm quyền và trách nhiệm của họ. Nếu nhà báo cần trao đổi, tốt nhất sang trung tâm pháp y gặp Giám đốc Lê Ngọc Hùng trao đổi. Tôi không có ý kiến về chuyên môn và kể cả các văn bản của họ gửi cho các sở, ban ngành liên quan.

Không thuộc thẩm quyền!

. Ông Huynh và ông Nghĩa có thuộc diện được xét đặc xá không, thưa ông?

+ Căn cứ Văn bản số 01 TAND Tối cao ngày 7-7-2010 về hướng dẫn đặc xá thì cả hai ông Huynh và Nghĩa đủ điều kiện đề nghị xét đặc xá. TAND tỉnh có trách nhiệm lập hồ sơ, chuyển hồ sơ đề nghị xét đặc xá của hai người này lên TAND Tối cao.

. Tại Hướng dẫn 211 của Hội đồng tư vấn đặc xá, thời hiệu của kết luận giám định đối với các phạm nhân ở trong trại giam là sáu tháng. Văn bản hướng dẫn 01 TAND Tối cao hướng dẫn Văn bản 211 đối với các trường hợp hoãn thi hành án lại không nêu thời hạn giám định. Đến thời điểm xét đề nghị đặc xá thì bản giám định của hai người này đã 11 tháng. Các chuyên gia có quan điểm khác nhau về thời hạn này, chánh án có quan điểm như thế nào?

+ Vấn đề này thuộc thẩm quyền của TAND Tối cao chứ không phải của chúng tôi.

. Có ba văn bản liên quan đến đặc xá là Quyết định 697/2010 của Chủ tịch nước; Hướng dẫn 211/HĐTVĐX và Văn bản 01 của TAND Tối cao. Khi đề nghị xét đặc xá cho ông Huynh và ông Nghĩa, có phải ông chỉ áp dụng Văn bản 01 của TAND Tối cao?

+ Trách nhiệm của tôi là xem và áp dụng văn bản nào. Đây cũng thuộc thẩm quyền của TAND Tối cao, tôi xin không trả lời câu hỏi này.

. Ông Nghĩa liên quan đến vụ sai phạm ở huyện Vĩnh Cửu và mới đây, lãnh đạo tỉnh có cuộc họp với đại diện các cơ quan tư pháp, chỉ đạo các cơ quan này làm rõ các sai phạm của ông Nghĩa. Thế nhưng ông lại đề nghị xét đặc xá cho họ. Liệu việc này có phù hợp với quy định xét đặc xá, thưa ông?

+ Riêng sai phạm của ông Nghĩa, đến lúc này chúng tôi không nhận thông tin nào của cơ quan tố tụng và tôi cũng không biết ý kiến chỉ đạo của tỉnh về việc này.

. Trước đây, trên cơ sở giám định, ông cho hai người hoãn thi hành án và đề nghị xét đặc xá cho họ. Nay giám đốc trung tâm giám định thừa nhận bản giám định có vấn đề về chuyên môn. Nhiều chuyên gia pháp y ở trung ương cũng cho rằng kết luận pháp y về tỉ lệ thương tật lẫn mắc bệnh hiểm nghèo là bất thường. Vậy ông có còn giữ quan điểm là hai đương sự đủ điều kiện đề nghị xét đặc xá, thưa ông?

+ Tôi đã trả lời rồi mà! Giờ tôi có việc phải họp.

(Ngay lập tức, ông Lưu mở cửa và bước ra khỏi phòng khi chúng tôi chưa kịp ghi hình và nói lời cảm ơn.)

- Năm 2007, ông Nguyễn Hoàng Huynh, Thái Văn Nghĩa bị bắt giam và hơn ba tháng sau, hai người được tại ngoại.

- Tháng 6-2009, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM giữ nguyên mức án của TAND tỉnh Đồng Nai, phạt bị cáo Nghĩa năm năm sáu tháng tù, giảm án cho bị cáo Huynh xuống còn ba năm tù. Hơn hai tháng sau, chánh án TAND tỉnh Đồng Nai ra quyết định hoãn thi hành án cho hai người.

- Tháng 7-2010, Tòa án tỉnh Đồng Nai chuyển hồ sơ đề nghị xét đặc xá của hai phạm nhân Huynh và Nghĩa lên TAND Tối cao xem xét.

Người mắc bệnh hiểm nghèo là người mắc một trong các bệnh sau: ung thư, bại liệt, lao nặng kháng thuốc, xơ gan cổ trướng; suy tim độ III hoặc suy thận độ IV trở lên; nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS…

Các tài liệu chứng minh phạm nhân bị bệnh hiểm nghèo hoặc ốm đau thường xuyên chỉ có giá trị trong thời gian sáu tháng tính đến ngày Hội đồng xét đề nghị đặc xá của trại giam, trại tạm giam họp xem xét, lập hồ sơ đề nghị đặc xá.

Hướng dẫn 211/HĐTVĐX ngày 4-6-2010 của Hội đồng tư vấn đặc xá

TRUNG DUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm