Chấn hưng y đức từ đâu?

Y đức là chuyện đáng lo ngại từ lâu nhưng chưa khi nào nó nóng bỏng như hiện nay. “Phong bì thì ai từ chối được! Ngành nào cũng ăn hết thì nhân viên y tế ngại gì không ăn” - GS y học nhiệt đới Trần Tịnh Hiền của ĐH Oxford Anh quốc (nguyên Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới) đã tâm sự như vậy khi bàn về chuyện y đức.

“Hiện nay khi làm công tác nghiên cứu bệnh cần đi đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa tôi gặp khó khăn khi tìm kiếm bác sĩ trẻ. Các em bây giờ ra trường đâu có chịu về làm BV nhà nước để nhận lương ba cọc ba đồng mà ra các bệnh viện tư để có lương cao hơn, làm như “mì ăn liền”. Kiếm nhiều tiền không có gì xấu nhưng nếu để kiếm tiền là cứu cánh thì không nên. Hệ lụy là gì? Bệnh nhân chỉ cần ít thuốc mà bác sĩ kê nhiều thuốc; bệnh nhân bị nhiễm virus viêm gan B, chưa đến mức phải dùng thuốc đặc trị nhưng vẫn “khuyên” bệnh nhân phải điều trị đến nỗi phải bán cả ruộng vườn… Bác sĩ giỏi là người không chỉ cần có chuyên môn mà phải có tấm lòng. Nói không có người giỏi thì không đúng nhưng thực là rất ít, trong khi người làm chưa tốt, làm bậy thì quá nhiều” - GS Trần Tịnh Hiền than thở.

Nhận phong bì có hệ thống

. Phóng viên:Trong thời gian qua ngành y liên tục gặp những sự cố “hi hữu” như tiêm vaccine chết hàng loạt, cắt nhầm bàng quang, nhân bản xét nghiệm… Giáo sư đánh giá những tai biến này là do đâu?

+ GS Trần Tịnh Hiền: Những sai sót như báo chí phản ánh tôi cho rằng không phải là đột xuất mà là do sai lầm có hệ thống. Nhìn lại quy trình đào tạo trước đến giờ thì mới cảm nhận được giờ đây là lúc hậu quả bộc lộ rõ ràng nhất. “Sản phẩm” hư nhiều thì phải xem lại “máy cái”. Nhìn sinh viên học mà chúng tôi thấy rất tội nghiệp, bởi khi vào các em cũng có học lực giỏi nhưng đầu ra quá kém, như một bác sĩ đã viết trên Pháp Luật TP.HCM là “ngơ ngơ như bò đội nón”. Ngày xưa thầy đi trước, trò lẽo đẽo theo sau, thầy vừa khám vừa giảng, còn trò vừa nhìn vừa nghe, chiều chưa có dịp làm thì tối lặn lội vào bệnh viện... Bây giờ mấy trăm em vào bệnh viện đi lơ ngơ vì không có thầy chỉ dạy, rồi lại lên giảng đường nghe nói “suông”, ít thực tập trên bệnh nhân! Khi qua bộ môn Cơ thể học của một trường, tôi thấy sinh viên học mô hình bằng nhựa! Ngoài chuyện nó không giống thực (khi học trên cơ thể người) sinh viên cũng không có cảm giác là mang ơn của người hiến xác cho mình học - một trong những bài học đầu tiên của đạo đức ngành y!

Ngày xưa chúng tôi vào nhận trực lúc 4 giờ chiều, còn bây giờ nhiều khi đến 8 giờ tối các em mới tới, hỏi lý do thì nói chờ… ăn cơm ở ký túc xá vì sợ hết, rồi đi làm thêm bên ngoài... Mà thầy cũng chưa vào thì ai dạy cho trò!

Chấn hưng y đức từ đâu? ảnh 1

Thực hành tiêm thuốc trên hình người mô hình. Ảnh: DUY TÍNH

Bộ trưởng sao giải quyết được nạn phong bì?

. Bản thân từng là lãnh đạo BV, giáo sư thấy và nghĩ gì về tệ nạn phong bì trong ngành y?

+ Tôi xin nói thí dụ điển hình mà bản thân tôi gặp. Khi tôi còn là phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới, một người dì ở quê vào mổ ở bệnh viện bạn. Tôi và cả giám đốc của mình gửi bệnh. Họ dặn 6 giờ sáng không được ăn uống để mổ; chờ đến 12 giờ trưa, rồi 6 giờ chiều, dì tôi đói lả. Rồi đến 12 giờ đêm… Hỏi thì họ bảo mắc mổ cấp cứu. Nhưng sau khi người nhà đưa phong bì thì chỉ sau 15 phút được mổ. Trường hợp khác cũng là người thân và cũng rơi vào tình trạng phải đưa phong bì mới được mổ.

“Anh thông cảm, tôi nhận lời anh gửi bệnh thì người khác tưởng tôi nhận tiền bệnh nhân riêng rẽ” - đó là trường hợp thứ ba tôi gặp phải khi gửi bệnh cho người bạn. Tôi nói chuyện này với học trò, các em bảo: “Thầy ơi, thầy sống trên mây quen rồi!”. Cho nên tôi thấy việc nhận phong bì đã có hệ thống và hình như có ăn chia.

Bộ trưởng làm sao giải quyết được nạn phong bì bằng một, hai chỉ thị?

. Giáo sư xử lý nhân viên của mình nhận phong bì như thế nào?

+ Kinh nghiệm nhỏ khi làm trưởng khoa, tôi thường xuyên nhắc nhở nhân viên trong khoa về chuyện này. Nếu phát hiện do bệnh nhân hay nhân viên khác báo lại sẽ xử lý dứt khoát: Trừ tiền thưởng ABC hằng tháng. Nhận phong bì hay hiện vật sẽ bị trừ đến 200.000-300.000 đồng hay cắt hẳn tháng đó, tùy mức độ và cuối năm thì chắc chắn không còn danh hiệu thi đua khen thưởng gì cả. Với biện pháp kinh tế đó một phần ngăn sự vi phạm. Một yếu tố nữa là tất cả sự gương mẫu của người lãnh đạo khoa, “thượng bất chánh, hạ tắc loạn” thôi. Nhiều bạn bè bảo anh làm quá chi vậy, xã hội bây giờ ai cũng vậy. Nếu nói như vậy thì chuyện sai nhỏ không ngăn làm sao ngăn chuyện sai lớn! Tôi phải nói trong những năm tháng ở khoa đó chuyện phong bì gần như không có! Khoa không nhận bất cứ thứ gì của bệnh nhân hay người nhà. Một lần giám đốc bệnh viện vì có người nhà nằm trong khoa nên mang một ổ bánh kem lớn tặng, khoa dứt khoát không nhận vì đã thỏa thuận với nhau không nhận quà! Một lần khác, trong mùa dịch cúm, vợ của một cán bộ cao cấp lão thành gửi một phong bì dày tiền USD Mỹ cho khoa vì chăm sóc con cháu của họ ở nước ngoài về, khoa cũng dứt khoát từ chối và gọi điện thoại giải thích cho ông biết!

Hồ sơ bệnh án lúc nào cũng thẳng băng

. Nhiều vụ tai biến xảy ra, bệnh nhân nặng không đến độ phải chết, giáo sư có thể lý giải nguyên nhân?

+ Căn cứ vào hồ sơ bệnh án thì trời cũng không biết được! Thí dụ bệnh nhân phải được theo dõi mỗi 2 giờ/lần nhưng bác sĩ chỉ theo dõi 2 giờ đầu, các giờ sau bận “chạy sô”, đến khi vào bệnh nhân quá nặng không can thiệp kịp; hồ sơ bệnh án vẫn ghi là theo dõi đầy đủ (chỉ có bác sĩ, điều dưỡng ghi hồ sơ). Ai có thể biết được? Luật pháp nào phát hiện ra được? Chỉ có lương tâm của thầy thuốc biết thôi! Phẫu thuật viên đến giờ vào là cầm dao mổ mà chẳng thèm xem bệnh án, không khám kỹ bệnh nhân, không nắm rõ bệnh nhân thì làm sao không sai sót, mổ nhầm được, dù tay nghề cao, phương pháp mổ tốt. Đó là sự sơ sài, lơ đễnh, chủ quan, thiếu y đức... Muốn tránh sai sót xảy ra nhiều chỉ cần có thầy thuốc có lương tâm và tay nghề, tức phải tự trau dồi kỹ năng và đạo đức.

. Vậy trong chuyên môn, phải làm sao bệnh nhân không phải tử vong, thưa giáo sư?

+ Y khoa không thể cứu hết tất cả bệnh nhân nhưng tránh để bệnh nhân chết oan hay chịu hậu quả trầm trọng của những bệnh do thầy thuốc thì theo tôi, rất đơn giản đó là sự quan tâm của thầy thuốc đến bệnh nhân. Có lần tôi đi tập huấn điều trị sốt xuất huyết cho tuyến tỉnh, tôi khuyến cáo các bác sĩ là khi bệnh nhân bị sốc thì diễn biến khó lường nên phải theo dõi thường xuyên mới xử trí kịp. Tôi được hỏi lại: “Vậy phải ngồi canh từng phút, từng giờ hả thầy?”. Ý của tôi là phần lớn những trường hợp tử vong bệnh sốt xuất huyết có phần của theo dõi chưa đúng mức, do vậy cần ưu tiên.

. Theo giáo sư, phải làm gì để chấn chỉnh tình trạng đào tạo hiện nay?

+ Trò phải ra trò. Như nói trên, điều chỉnh lại chiếc máy cái: tiêu chuẩn nhận vào đâu chỉ là học lực; tăng cường thực tập có hướng dẫn; tạo cho cái nếp quan tâm theo dõi bệnh nhân từ khi học... Trên thế giới, sinh viên y khoa thường từ 2% là những sinh viên tinh hoa nhất. Ở ta lại thêm chuyên tu, tại chức (thường thiếu kiến thức về khoa học cơ bản)…

Thầy phải là thầy: Làm thầy trong y khoa không phải ai cũng làm được! Khi tôi đi học, muốn trở thành cán bộ giảng huấn, sinh viên y năm thứ hai đã phải thi vào làm trợ tá phòng xét nghiệm, đến năm thứ năm phải thi vào nội trú bệnh viện để luôn luôn ở bệnh viện. Muốn trở thành cán bộ giảng phải có hai điều kiện: quá trình trau dồi chuyên môn kiến thức và thực hành; thứ hai là phải có đạo đức nghề nghiệp.

Còn bây giờ ai cũng có thể là cán bộ giảng, hôm trước tốt nghiệp hôm sau là thầy! Tôi thấy nhiều trường để danh sách giảng viên thỉnh giảng rất dài nhưng đó là để cho vui chứ đâu có ai dạy. Thầy thường bỏ bệnh nhân thì làm sao bảo trò được!

Trong tình hình mở đại học y khoa ồ ạt như hiện nay thì sinh viên thực tập ở đâu và thầy cô hướng dẫn tìm đâu cho đủ!

Ngoài ra, cần thiết lập chương trình đào tạo y khoa liên tục kèm với giấy phép hành nghề có thời hạn để giúp bác sĩ cập nhật kiến thức chuyên môn và giữ gìn đạo đức nghề nghiệp

. Theo giáo sư, làm sao kéo lại được y đức đang xuống cấp?

+ Phải hình thành nhân cách người thầy thuốc từ trong trường y, phải “gọt giũa” cho ra hình tượng người bác sĩ (chuyên môn lẫn đạo đức) ngay trong trường, phải nhìn vào thầy như là tấm gương tốt!

Bệnh viện phải tiếp tục là môi trường cho bác sĩ hoàn thiện kỹ năng và đạo đức. Phải xây dựng quy chế làm việc để theo và có biện pháp xử lý kiên quyết và rốt ráo khi vi phạm, nhất là đạo đức thì mới mong khôi phục tình trạng thê thảm hiện nay. Sử dụng giấy phép hành nghề như biện pháp răn đe để bác sĩ không dám vi phạm quy chế chuyên môn và đạo đức.

Một vấn đề không thể không nói: Nhà nước phải có chính sách đãi ngộ tương xứng cho bác sĩ. Theo tôi biết, không có nơi nào mà lương bác sĩ thấp như ở Việt Nam!

. Xin cảm ơn giáo sư.

“Đó không phải là con người”

Lợi dụng xét nghiệm, cho bệnh nhân làm nhiều xét nghiệm không hay chưa cần thiết thì đâu cũng có nhưng “nhân bản” xét nghiệm thì tôi không nghĩ ra. Tôi xin lỗi, đó không phải là con người, vì con người không ai làm vậy được. Lần đầu tiên trong lịch sử xảy ra chuyện này và chuyện này xảy ra ở Việt Nam.

GSTRẦN TỊNH HIỀN

DUY TÍNH thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm