BÁO ĐỘNG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC NHÓM TỘI PHẠM MỚI - BÀI CUỐI:

Cảnh báo tội phạm nước ngoài

Mới đây, cơ quan điều tra đã kết luận điều tra vụ Hà Thị Ngô và Nguyễn Thị Phước, hai mắt xích trong đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia do một số tội phạm gốc Phi tổ chức.

Hiện nay có hàng trăm ngàn người Hàn Quốc làm ăn và sinh sống ở TP.HCM. Cộng đồng người Hàn Quốc tập trung nhiều nhất ở khu K300 quận Tân Bình và khu Phú Mỹ Hưng quận 7. Trong đó, khu liên hợp nhà hàng, quán bar, karaoke Sài Gòn Super Bowl (đường Trường Sơn, quận Tân Bình) nổi lên đầu tiên trong ngành vui chơi giải trí do người Hàn Quốc đầu tư ở TP.HCM. Đây cũng trở thành nơi của các nhóm tội phạm Hàn Quốc thiết lập lãnh địa.

Xã hội đen”ngoại nhập

Tháng 11-2007, Công an TP.HCM triệt phá đường dây gái gọi, mại dâm cao cấp tại Super Bowl. Theo xác định của cơ quan điều tra, cầm đầu đường dây này là ông Kim Ki Soon, chủ vũ trường, karaoke Vivace nằm trong Super Bowl và quản lý Kim Seok Joo.

Tháng 3-2008, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Bộ Công an đã bắt giữ Lee Peum (trú tại một khách sạn ở quận 1) để bàn giao cho cảnh sát Hàn Quốc dẫn độ về nước điều tra. (Lee Peum có liên quan đến tổ chức xã hội đen Yangeunyipa khét tiếng của Hàn Quốc do Gang-In-Chang cầm đầu.)

Ngoài những hành vi phạm pháp ở Hàn Quốc, công an Việt Nam đã nhận được rất nhiều đơn của những người Hàn Quốc và cả người Việt Nam tố cáo Lee tổ chức sòng bạc, mại dâm, cho vay nặng lãi. Tuy không có đủ tài liệu chứng minh các hành vi phạm tội của Lee ở Việt Nam nhưng mối quan hệ của Lee với băng nhóm Yangeunyipa cho thấy tổ chức “xã hội đen” lớn ở các nước đã nhắm vào Việt Nam để mở rộng địa bàn hoạt động. Nhiều nguồn tin cho thấy ngoài nhóm Yangeunyipa, hiện nay tại TP.HCM cũng xuất hiện nhiều doanh nghiệp khác của Hàn Quốc lấy danh nghĩa đầu tư xây dựng, làm ăn lớn nhưng thực chất là để rửa tiền thu được từ các hoạt động phi pháp bên phía Hàn.

Cảnh báo tội phạm nước ngoài ảnh 1

Đối tượng người Indonesia đang diễn tả cảnh đâm thủng bánh xe ôtô để cướp tiền. Chuyên án do cảnh sát hình sự đặc nhiệm TP.HCM triệt phá ngày 14-7-2009.

Khống chế doanh nghiệp, giành quyền bảo kê

B., người Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam nhiều năm nay, cầm đầu khoảng chục đàn em, sống gần khu chung cư K300 phường 12, quận Tân Bình. Nhóm đàn em thân tín của B. suốt ngày đi lê la, cò kéo, bảo kê chủ các doanh nghiệp Hàn Quốc ở Việt Nam.

Doanh nghiệp của B. cũng mở rộng làm ăn ngầm trong lĩnh vực bảo vệ, vệ sĩ. Để xâm nhập vào thị trường này, B. liên hệ với công ty vệ sĩ của Việt Nam. Sau đó, B. đến gặp các doanh nghiệp Hàn Quốc đàm phán. Nếu doanh nghiệp muốn yên ổn làm ăn thì phải chấp nhận cho B. đứng ra làm trung gian thuê bảo vệ doanh nghiệp. Dàn xếp được một phi vụ, B. vừa được hưởng tiền của doanh nghiệp, vừa được tiền hoa hồng của công ty bảo vệ Việt Nam. Theo đó, B. lấy hoa hồng 25% trên giá trị mỗi hợp đồng. B. cũng đã ra đến Đà Nẵng để dàn xếp hợp đồng thuê mướn bảo vệ cho một doanh nghiệp Hàn Quốc với phương thức như trên.

Thực lực băng nhóm của B. hay các băng nhóm Hàn Quốc khác ở Việt Nam không mạnh nhưng doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn phải răm rắp nghe theo họ vì sự đe dọa khống chế của thế giới ngầm, của nhóm “xã hội đen” xứ Hàn. Nếu không đóng tiền hằng tháng cho băng nhóm của B. thì phía doanh nghiệp Hàn Quốc rất “mệt mỏi” vì “xã hội đen” khống chế vợ con, gia đình, nhà cửa. Đó cũng là chiêu thức nhằm trói buộc các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn ở Việt Nam rất phổ biến hiện nay của các băng nhóm “xã hội đen” ngoại mà các nạn nhân không bao giờ dám tố cáo.

Muốn đòi nợ hộ, cứ tìm đến B.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với doanh nghiệp Hàn Quốc bị thiếu nợ dai dẳng hay quỵt nợ thường tìm đến băng của B. nhờ thu hồi nợ. Công ty N. có quan hệ làm ăn với công ty chuyên dệt, thêu vi tính đóng ở Khu công nghiệp Tân Bình (do ông K. người Hàn Quốc làm giám đốc) và bị công ty này nợ 40 triệu đồng, nhiều lần đòi mà công ty cứ khất lần. Một bữa, anh Hoàng (bảo vệ tại khu công nghiệp) chứng kiến B. chạy chiếc xe hơi trị giá hơn hai tỉ đồng đến công ty dệt gặp ông K. B. chỉ nói chuyện vài câu mà ông K. quỳ lạy B. rối rít. Ngay hôm đó, Công ty N. nhận được khoản tiền nợ của ông K. từ tay B.

Trúc Liên bang trở lại?

Khoảng năm 2000, A Lý, một mafia Đài Loan được các ông chủ giàu có của băng Trúc Liên bang cử sang TP.HCM mở vũ trường hoạt động kiêm bảo kê, buôn bán ma túy.

Thời điểm đó, khi Năm Cam còn tồn tại đã xuất hiện mâu thuẫn với lực lượng này. Trong một lần đụng độ bằng súng, mã tấu với băng nhóm của Hồ Việt Sử, Châu Phát Lai Em (các tay chân của Năm Cam) ở vũ trường Metropolis, A Lý phải bỏ trốn về nước vì vi phạm pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều dấu hiệu cho thấy Trúc Liên bang đã lén lút quay trở lại thông qua việc bảo kê các tụ điểm nhà hàng, quán bar, vũ trường do người Đài Loan làm chủ. Thỉnh thoảng vẫn xảy ra những cuộc đụng độ giữa các nhóm hoạt động tội phạm ngầm Việt Nam và băng nhóm nước ngoài, trong đó có Đài Loan để tranh giành thị phần bảo kê.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm