Cần nhanh chóng tiêm vaccine cho nhân viên ngành bán lẻ, sản xuất

Việc chậm trễ tiêm vaccine cho nhóm này sẽ càng làm gia tăng thêm áp lực cho hệ thống bán lẻ vốn đang “căng mình” phục vụ cộng đồng kể từ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Trong công văn kiến nghị vừa gửi đến Bộ Y tế và Bộ Công thương, Tập đoàn Masan đề xuất: “Masan khẩn thiết đề nghị Bộ Y tế và Bộ Công thương phối hợp tạo điều kiện cho 40.000 cán bộ nhân viên của Tập đoàn được nhanh chóng tiêm vaccine phòng COVID-19. Ngoài mục đích bảo vệ sức khỏe cho tuyến đầu của các doanh nghiệp sản xuất - bán lẻ song song tạo một môi trường mua sắm an toàn cho người tiêu dùng”.

Áp lực mua sắm vẫn đè nặng lên hệ thống bán lẻ hiện đại

Lúc 6 giờ 30, ngày 3-8, hàng dài người xếp hàng trước siêu thị VinMart (đường 3/2, quận 10, TP.HCM) mặc dù đến 7 giờ siêu thị mới mở cửa. Cầm phiếu đi chợ do chính quyền cấp trên tay, cô Mỹ Hương chia sẻ: “Một tuần nhà tôi được đi chợ 2 lần nhưng chỉ có hôm nay là được đi vào buổi sáng nên tranh thủ mua nhiều đồ hơn để dự trữ cho cả tuần, đặc biệt là hàng tươi sống như thịt cá, rau củ quả. Mặc dù xếp hàng khá đông nhưng siêu thị vẫn đảm bảo giãn cách, đo thân nhiệt đầy đủ nên tôi cũng rất yên tâm mua sắm.

Mặc dù đã có dấu hiệu “hạ nhiệt” so với những ngày đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, lượng khách đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại TP.HCM vẫn rất đông, đặc biệt là trong khung giờ buổi sáng. Hệ thống bán lẻ hiện đại trước đây vốn chỉ chiếm 30% nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng nhưng hiện đang “căng sức” phục vụ trong khi nhiều chợ truyền thống vẫn còn đóng cửa.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị

Tại các nhà máy sản xuất hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là tại các doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ”, tình hình cũng rất khó khăn. Nhà máy Masan Bình Dương (MSI), trực thuộc Tập đoàn Masan, là một trong những đơn vị tuân thủ nghiêm túc “3 tại chỗ” ngay từ khi có yêu cầu từ chính quyền địa phương. “Chúng tôi đã đầu tư nhiều tỷ đồng để phục vụ công tác “3 tại chỗ” như bố trí khu vực ăn ở, tắm giặt, vệ sinh cá nhân; mua sắm trang thiết bị lưu trú như mền, nệm, gối, vật tư y tế…; triển khai các biện pháp an ninh, phun xịt khử khuẩn thường xuyên; thực hiện xét nghiệm nhanh COVID-19 với tần suất 3 ngày/lần. Vấn đề lớn nhất hiện nay là thiếu hụt nhân sự. Test nhanh cũng là một thách thức lớn cho doanh nghiệp khi các nơi cung cấp dịch vụ đều quá tải, chi phí lại cao”, đại diện nhà máy cho biết.

Mới đây, CDC đã công bố trường hợp một công ty cung cấp thực phẩm cho nhiều bệnh viên, trường học, siêu thị tại Hà Nội xuất hiện hàng chục ca nhiễm. Kết quả là các siêu thị và cửa hàng tiện lợi có liên quan phải tạm dừng hoạt động, thực hiện các biện pháp phòng dịch cần thiết.

Khử khuẩn xe trước khi vào nhà máy

Thực tế cho thấy trong thời gian qua, dù các doanh nghiệp đã áp dụng kỹ lưỡng các biện pháp chống dịch khi duy trì “3 tại chỗ” song vẫn phát sinh ca nhiễm, cụ thể như ở Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) đã có hàng chục F0. Hơn nữa, nếu áp dụng “3 tại chỗ” trong thời gian dài có thể dẫn đến nhiều bất tiện cho người lao động. Đơn cử, nhiều lao động nữ không thể thực hiện “3 tại chỗ” vì cần chăm sóc gia đình, con nhỏ, dẫn đến thiếu hụt công nhân tại nhà máy.

“Mong muốn được tiêm vaccine để yên tâm phục vụ hơn”

Chị Lan Anh, nhân viên bán hàng tại cửa hàng VinMart+ (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Hiện mỗi ngày tôi và đồng nghiệp tiếp xúc từ 4.000 – 5.000 khách hàng/ngày. Đi làm lúc dịch bệnh phức tạp, bản thân và gia đình luôn thường trực nỗi lo lắng về nguy cơ lây nhiễm bệnh. Nhưng để đáp ứng nhu cầu hàng hóa rất cấp thiết cho người dân trong giai đoạn hiện nay, tôi và các đồng nghiệp đã gạt những nỗi lo sang một bên để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất”.

Nhân viên cửa hàng VinMart+ làm việc trong môi trường bị áp lực lớn

Là doanh nghiệp bán lẻ có quy mô lớn nhất với gần 2.500 siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ trải dài khắp cả nước, bà Nguyễn Thị Phương – Phó Tổng Giám đốc VinCommerce (thành viên của Tập đoàn Masan, đơn vị chủ quản của VinMart/VinMart+) cho biết: mỗi ngày hệ thống bán lẻ này phục vụ hàng triệu lượt khách hàng. Có thời điểm, siêu thị chỉ còn 10-12 nhân viên bán hàng trên tổng số 100 nhân viên do phải thực hiện cách ly tại khu vực phong tỏa. Nhà bán lẻ này đã phải điều động nhân viên từ vùng khác về hỗ trợ cho vùng có dịch, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn khi dịch lây lan nhanh. “Chúng tôi bị ảnh hưởng lớn đến nguồn lực lao động khi tỷ lệ nghỉ việc của Tập đoàn trong năm nay dự kiến lên đến 100% (nghỉ quay vòng, chủ yếu tập trung ở khối bán lẻ), cao nhất từ trước tới nay”, bà Phương chia sẻ.

Được biết, ngoài chuỗi bán lẻ, Tập đoàn Masan hiện có khoảng 30 nhà máy và hàng chục trang trại chăn nuôi, trồng trọt quy mô lớn tại hầu hết các khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước. Masan cung cấp các loại thực phẩm thiết yếu cho đời sống hàng ngày của người dân, như: gạo, mì, nước tương, nước mắm, nước uống, thịt heo, thịt gà, trứng gà, rau xanh các loại... Để đảm bảo vận hành cho một hệ thống sản xuất – bán lẻ quy mô như thế, doanh nghiệp này đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào công tác phòng, chống dịch bệnh với mục tiêu duy nhất là đảm bảo hệ thống sản xuất, phân phối và bán lẻ hàng hóa thiết yếu của Masan không bị đổ vỡ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân và người tiêu dùng trong cả nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm