Cần Giờ: Bỗng nhiên ‘phải’ thoát nghèo

Nhiều hộ nghèo ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM đang “ấm ức” vì bị thoát nghèo bất đắc dĩ và bị cắt các chế độ hộ nghèo.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi nhận tiền Vedan bồi thường, hơn 200 hộ trong xã bỗng thành hộ khá.

Nghèo thiệt thành khá ảo

Trong vụ Vedan gây ô nhiễm, hàng trăm hộ dân ở xã đảo Thạnh An được Vedan bồi thường thiệt hại, có hộ được bồi thường hơn 40 triệu đồng.

Đa phần các hộ được bồi thường thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Thế nhưng sau đợt bồi thường này họ thoát nghèo, thành hộ khá bất đắc dĩ vì chính quyền xã đảo Thạnh An đã gộp tiền bồi thường đó với thu nhập hằng ngày của dân để quy ra thu nhập bình quân đầu người mỗi năm (thu nhập bình quân đầu người vượt 12 triệu đồng/người/năm).

Ông Nguyễn Văn Bé (ấp Thạnh Hòa) nói: “Tiền họ bồi thường thiệt hại do ô nhiễm từ năm 1995 đến thời điểm đó lại gộp vô một cục, tính vào thu nhập trong năm rồi cắt các chế độ của hộ nghèo là quá vô lý”.

Một hộ nghèo ở xã Thạnh An, huyện Cần Giờ (TP.HCM) bị đưa khỏi danh sách hộ nghèo vì nhận tiền bồi thường của Vedan. Ảnh: L.THOA

“Ô nhiễm do Vedan gây ra biết bao nhiêu tổn hại cho dân, đền bù hơn 40 triệu đồng thì có đáng gì. Nhận tiền bồi thường xong, tôi chỉ nâng được cái nền nhà cho khỏi ngập nước, tường nhà hiện giờ vẫn còn đóng ván nhưng họ cho tôi từ hộ nghèo thành hộ khá” - ông Lê Phương Vũ (ấp Thạnh Hòa) nói.

Nhiều người dân nhận bồi thường xong là trả nợ tiền mua ngư cụ “và đến nay gia đình vẫn phải rau cháo qua ngày” - ông Nguyễn Văn Lích (ấp Thạnh Bình) cho hay.

“Hơn ba năm qua, gia đình tôi bị cắt chế độ hộ nghèo dù cuộc sống vẫn khó khăn. Con gái tôi phải nghỉ học để phụ giúp gia đình kiếm sống qua ngày. Ngày trước còn thuộc diện hộ nghèo, con bé còn được hỗ trợ học phí, gia đình còn có cái giấy bảo hiểm để đi viện khi ốm đau. Giờ bị cắt hết các chế độ này, gia đình lâm vào cảnh khó…” - bà Trần Thị Ngọc Hai (ấp Thạnh Bình) nói.

Cào bằng thu nhập

Gặp chúng tôi, ông Phạm Văn Đặng (ấp Thạnh Bình) than: “Hôm nay, tôi đi lưới được hơn 40.000 đồng. Mấy hôm nay kiếm được cũng chừng ấy mà chưa kể tiền mua dầu, xem như lỗ”. Gia đình ông Đặng cũng thuộc diện thoát nghèo bất đắc dĩ “nhờ” tiền bồi thường ô nhiễm Vedan vào năm 2011.

Ngoài số tiền bồi thường bị tính vào thu nhập một cục của năm, người dân xã đảo cũng cho rằng cách tính thu nhập cào bằng của chính quyền cũng vô lý. Theo đó, nhà nào có ghe lưới (ghẹ, cua, cá khoai,…) thì chủ ghe đương nhiên thu nhập là 200.000 đồng/ngày; thu nhập của người cất cá cơm là 50.000 đồng/ngày, thu nhập của người ở nhà nội trợ (không việc làm) là 30.000 đồng/ ngày…

Thực tế ở Thạnh An, những gia đình có ghe lớn thì mức thu nhập trên là tương đối đúng nhưng với những gia đình có chiếc ghe nhỏ mà chỉ sử dụng duy nhất một trong các loại ngư cụ là lưới cua, lưới ghẹ, cá khoai, cá chẽm… thì thu nhập không thể đến 200.000 đồng/ngày. “Kỳ họp năm đó tôi cãi dữ lắm nhưng người ta vẫn áp mức thu nhập đó nên nhiều hộ bị thoát nghèo bất đắc dĩ” - ông Nguyễn Văn Lích kể.

Còn ông Mềm thì nói: “Thực tế không được mức đó đâu, người hành nghề lưới ghẹ thì có thể thu nhập được mức ấy nhưng chỉ trong hai tháng mùa. Còn lại chỉ năm, ba chục, có khi lại không có đồng nào, chưa kể tiền dầu khoảng 40.000 đồng, chứ chẳng lẽ đổ nước vào chạy?”.

Nhiều hộ dân bị thoát nghèo cũng phân vân với cách ấn thu nhập của những người nội trợ không có việc làm với mức 30.000 đồng/ngày…

Tính như thế là đúng?

Về việc gộp tiền bồi thường tính vào thu nhập trong năm của các hộ dân, ông Lê Thanh Vân, Phó Chủ tịch xã Thạnh An, nói: Năm 2011, các hộ dân được bồi thường, trong đó nhiều gia đình trong diện xóa đói giảm nghèo. Theo hướng dẫn điều tra thu nhập thì số tiền bồi thường của Vedan cũng thuộc diện thu nhập trong năm nên phải đưa vào. Với cách tính này, nhiều hộ dân thoát nghèo, thành hộ khá.

Còn mức thu nhập cào bằng, ông Vân thông tin: Bảng liệt kê định mức thu nhập này đã lấy ý kiến trong dân và có sự đồng tình của đại đa số người dân trên địa bàn chứ không phải tự xã đặt ra.

LÊ THOA

Sẽ xem lại cách tính

Ông Trương Văn Lương, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo giảm hộ nghèo tăng hộ khá TP.HCM, cho biết: Qua thông tin của báo, ban đã yêu cầu huyện Cần Giờ báo cáo cách tính thu nhập bình quân của người dân để xem xét có nằm trong diện hộ nghèo hay không.

Theo ông Lương, qua trao đổi ban đầu cho thấy địa phương đã gộp số tiền bồi thường của Vedan vào một cục để tính thu nhập trong năm 2012. Trong hướng dẫn thực hiện tính thu nhập bình quân có mục “các khoản thu nhập khác” nên địa phương đã đưa phần tiền bồi thường thiệt hại vào. Với cách tính như vậy, các hộ này vượt mức thu nhập 12 triệu đồng/hộ/năm mà lẽ ra phải chia bình quân số tiền bồi thường theo từng năm bị thiệt hại. Sau khi huyện có báo cáo, ban sẽ thẩm định, đánh giá và sẽ giải thích cho dân hiểu bằng văn bản hoặc đối thoại, tùy vào số lượng hộ dân phản ánh. Riêng những hộ dân đã áp mức thu nhập từ vụ Vedan mà nằm ngoài diện nghèo tại thời điểm hiện tại cũng cần thẩm định, xem xét lại.

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm