'Cần giải quyết kịp thời bức xúc của người lao động'

Sáng 28-4, tại lễ kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế lao động (1-5-1886 và 1-5-2021), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ sự cảm thông với khó khăn, vất vả của người lao động trong bối cảnh dịch COVID-19, như mất việc làm, thu nhập và các chế độ phúc lợi bị giảm…

Trước khó khăn này, Chủ tịch nước khẳng định Đảng và Nhà nước rất quan tâm và đang thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch, hoàn thành “mục tiêu kép” để kinh tế chóng phục hồi. Từ đó giúp thu nhập tăng trở lại và nhiều việc làm mới được tạo ra không chỉ bù đắp cho giai đoạn vừa qua mà còn tạo ra “ sức bật lò xo” cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế lao động, do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: V.LONG

Trong thời kỳ đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc và giải phóng đất nước, Chủ tịch nước cho rằng Ngày Quốc tế lao động là dịp để công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động biểu dương lực lượng, tổ chức mít tinh, biểu tình, đấu tranh, với các khẩu hiệu đòi quyền dân sinh, dân chủ, chống áp bức, bóc lột, đòi độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Từ sau năm 1975, kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động gắn với kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (ngày 30-4), là dịp để giai cấp công nhân ôn lại truyền thống, khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử, quyết tâm đi đầu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc ở nước ta.

Để tiếp tục phát huy vai trò giai cấp công nhân trong thời gian tới, Chủ tịch nước yêu cầu các cấp công đoàn đổi mới cách thức hoạt động, đi sâu, đi sát với đời sống đoàn viên công đoàn, người lao động; vui với niềm vui của người lao động, buồn với nỗi buồn của người lao động. Như Bác Hồ đã dạy “Cán bộ công đoàn phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và bàn bạc với công nhân”.

Các cấp ủy và người đứng đầu chính quyền, doanh nghiệp định kỳ gặp gỡ, lắng nghe và đối thoại với công nhân, giải quyết kịp thời những vấn đề công nhân quan tâm, bức xúc. Trong đó tập trung vào các tồn tại nhiều năm như vấn đề nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà trẻ - trường học, văn hoá giải trí, điều kiện lao động.     

“Ngoài ra cần khơi dậy trong đoàn viên, người lao động cả nước tinh thần đổi mới sáng tạo, khát khao cống hiến, quyết tâm chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu; tự tin, tự giác, tự hào khi được đóng góp trí tuệ, nhiệt huyết của mình cho sự phát triển của đất nước…”- Chủ tịch nước nhấn mạnh.

                              12 vấn đề bức xúc của công nhân

Theo Chủ tịch nước, hiện nay Việt Nam có trên 16 triệu công nhân, hàng năm đang trực tiếp sản xuất tạo ra 60% tổng sản phẩm trong nước và 70% ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận công nhân còn khó khăn.

Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy có 12 vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân lao động hiện nay, trong đó đứng đầu là tiền lương, thu nhập, việc làm, nhà ở, môi trường làm việc…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm