Căn bệnh“xào nấu”

Không được tiễn ông, thế nhưng tận sâu thẳm trong lòng chúng tôi, thế hệ những thanh niên học sinh, sinh viên ở miền Nam trước 1975, vẫn đọng lại những lời giảng nhẹ nhàng và tinh tế về cách đối nhân xử thế của tủ sách Học Làm Người. Chúng tôi hầu như người nào cũng ít nhất một lần đọc loạt sách Học Làm Người của ông. Ông là tác giả của hàng trăm tác phẩm thuộc nhiều thể loại: Học Làm Người, Tôn giáo, Triết học, Ngôn ngữ học...

Ngày 15-11-2009, tại lễ mừng thọ 80 (tuổi ta), học giả Hoàng Xuân Việt đã công bố cuốn Tổng chỉ dẫn 180 tác phẩm đặc tuyển nhằm “xác lập tác quyền của 180 tác phẩm đa loại của Hoàng Xuân Việt”. Ông cũng công bố ủy quyền cho luật sư Hoàng Cao Sang - Văn phòng Luật sư Hoàng Việt Luật, là người bảo hộ quyền tác giả đối với 180 tác phẩm đã xuất bản của ông. Thế nhưng sau đó, nhiều tác phẩm của ông dù đã được ủy quyền bảo hộ vẫn tiếp tục bị in lậu hoặc “xào nấu”, cắt dán lại thành những tên sách và tên “người biên soạn” khác trước sự bất lực của các cơ quan chức năng. Chuyện ăn cắp bản quyền và vi phạm quyền tác giả lâu nay đã trở thành căn bệnh mạn tính, bất trị. Nhiều tác giả hay công ty văn hóa bị xâm phạm bản quyền phải tự bỏ tiền ra thuê người săn lùng sách lậu rồi báo với cơ quan chức năng xử lý hoặc kiện ra tòa. Thế nhưng hầu hết không đi tới đâu, bởi với mức phạt nhẹ hều không đủ sức răn đe nên nhiều người nản lòng buông xuôi để bọn người làm sách thiếu lương tri tha hồ tự tung tự tác. Trước nay chỉ có Công ty Trí Việt - First News thắng kiện khi đưa ra tòa việc in sách lậu và đã được bồi thường khá cao. Dĩ nhiên First News cũng tốn kém khá nhiều và vất vả “trầy vi tróc vảy” mới thắng kiện. Và bên bị thua kiện là các trường dạy ngoại ngữ in lậu sách học tiếng Anh mà thôi. Dù sao đó cũng là các cơ sở giáo dục, là các bị đơn “có tóc” nên First News mới dễ nắm chứ những kẻ in lậu khác “thoắt ẩn thoắt hiện” thì dễ gì tóm được! Nhất là tác phẩm của các tác giả cao tuổi, không có người quan tâm theo dõi và thông hiểu chuyện zíc zắc của thị trường sách thì họ thoải mái phù phép để in lậu một cách công khai!

Chuyện học giả Hoàng Xuân Việt cho công bố chính thức ủy quyền người bảo hộ quyền tác giả của ông, theo lời ông nói lúc bấy giờ thì đó là chuyện “chẳng đặng đừng”. Ông nói cả đời ông chỉ lo viết, ít chú ý tới chuyện tác quyền, tiền bạc, bởi thời trước các nhà xuất bản họ in hay tái bản sách ông đều xin ý kiến và có sự đồng ý của ông và trả nhuận bút rất đàng hoàng chứ không như sau này khá tùy tiện muốn in thì cứ ngang nhiên in. Đáng lên án nhất là nhiều tác phẩm quan trọng của học giả bị ăn cắp rồi xào nấu, cắt dán thành những bản sao dị dạng để xuất bản dưới những cái tên khác mà chỉ khi có học trò hay người quen phát hiện, mua mang đến cho ông thì ông mới biết!

Thật đáng buồn khi một học giả lừng danh hơn nửa thế kỷ, tác giả của một số lượng đồ sộ tác phẩm giá trị như thế lại có cuộc sống khá thanh bần. Được biết trong thời gian dài tuổi già, ông phải chịu nhiều thiếu thốn, bởi các con ông cũng chẳng khá giả gì. Ở đây, người viết chỉ mong sao có nhà xuất bản hay công ty phát hành nào thương lượng mua bản quyền xuất bản tác phẩm của Hoàng Xuân Việt để giữ gìn được những công trình biên soạn có giá trị trường cửu này không bị ăn cắp hoặc làm biến dạng. Và nếu có thể từ tiền bán bản quyền này nên lập một quỹ mang tên Quỹ Hoàng Xuân Việt, dành cấp học bổng hay tài trợ giải thưởng cho những công trình trước các giá trị về mảng đề tài “Rèn luyện nhân cách”. Kể cả lập một nhà lưu niệm Hoàng Xuân Việt, tại sao không?

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.