Cảm động thầy cô, bạn bè hợp sức cứu sống cậu học trò bị nạn

Lúc 13h45, ngày 26-4, trên đường đến trường, em Nguyễn Thanh Hải - học sinh lớp 10A5, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) tránh chiếc xe tải đi ngược chiều và tự tông vào chậu kiểng nhà dân bên đường.

Bác sĩ Hồ Ngọc Sơn cùng điều dưỡng bên giường bệnh em Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Phan Dương Thi

Hải đập ngực xuống đường, chấn thương nặng. May mắn lúc đó, thầy giáo Võ Văn Cư dạy môn Giáo dục công dân của trường đi phía sau lập tức dừng xe máy. Một tay điều khiển xe, một tay thầy Cư choàng qua người học trò phía sau, đưa em đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Nam Bình Thuận để cấp cứu.

Sau khi siêu âm, chụp X quang, bác sĩ chuyên khoa 2 Hồ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện, chẩn đoán: "Em Hải bị vỡ gan, phải mổ cấp cứu và cần phải có ngay từ 4 đến 6 đơn vị máu. Nếu chuyển viện, bệnh nhân có thể tử vong trên đường đi".

Để cứu học trò, thầy Cư đã không ngần ngại ký cam đoan chịu trách nhiệm thay cho cha mẹ em Hải đang ở TP.HCM chưa về kịp. Thầy Cư còn cam kết với các bác sĩ: "Bệnh viện cứ mổ. Tôi bảo đảm máu không thiếu". Ngay lúc đó, thầy nhắn thông tin cần cứu giúp cho hiệu trưởng và các giáo viên trong trường.

Tin học trò đang nguy cấp và cần người có nhóm máu O, B được thông báo khẩn cấp đến tất cả thầy cô và học sinh Trường Nguyễn Văn Trỗi. Rất nhanh, những thầy cô và học sinh có nhóm máu O, B theo yêu cầu đã tự nguyện lên xe nhà trường trực chỉ bệnh viện để cứu trò, cứu bạn. Bác sĩ, Hồ Ngọc Sơn và kíp mổ đã hoàn tất ca mổ sau gần 2 giờ. Đến sáng 27-4, em Hải đã hồi tỉnh, sức khỏe ổn định.

Một nữ giáo viên và một học trò vừa hiến máu cho em Hải xong.

Cựu giáo viên Phan Dương Thi, người đưa hình ảnh và thông tin lên Facebook viết: “Gần đây, nhiều thầy cô sợ trách nhiệm mà "chặt chém", nhiều vụ việc trù úm, bạo lực học sinh gây nhiều tai tiếng làm nhức nhối xã hội. Tuy nhiên trong vụ việc này, nghĩa tình thầy trò, bè bạn của trường THPT Nguyễn Văn Trỗi đã làm tôi xúc động. Nghĩa cử thầy thuốc như mẹ hiền làm tôi trân quý và mỗi ngày được sống có thêm nhiều niềm tin yêu...”.

Chiều 27-4, trao đổi với PLO, bác sĩ Hồ Ngọc Sơn cho biết, thông thường các ca vỡ gan nặng thường mất rất nhiều máu, nếu chuyển viện đa phần tử vong dọc đường, trước đây Bệnh viện Đa khoa Nam Bình Thuận đã gặp một số ca tương tự.

“Đối với trường hợp em Nguyễn Thanh Hải, rất may các thầy cô và bạn bè của em đã kịp thời tiếp máu và chúng tôi đã truyền 6 đơn vị máu để cứu sống Hải. Trong vụ việc này, công việc của bác sĩ chỉ là công việc thường quy phải làm, là nhiệm vụ bình thường để cứu sống bệnh nhân. Hành động đáng ca ngợi và cảm động nhất là giáo viên đã kịp thời đưa học trò đến bệnh viện cấp cứu và thầy cô, học sinh trong trường đã kịp thời hiến máu để cứu sống học trò, bạn bè của mình”, bác sĩ Sơn nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm