Cạm bẫy muôn thuở “bủa vây” sinh viên làm thêm Tết

Chỉ cần lên Google search : “Tuyển dụng Tết, tìm việc làm Tết”, sinh viên có thể thấy vô vàn kết quả với những dòng tin hấp dẫn như: “Cần tuyển gấp nhân viên phục vụ 1 triệu/ngày”, “Bán hàng tết, 200.000/ca nhận tiền sau khi kết thúc công việc”, “Việc làm thêm dịp tết tại nhà 3 triệu/tháng”….Vì tò mò, vì cần tiền và vì thiếu hiểu biết không ít sinh viên tin vào chiêu trò lừa đảo với hy vọng kiếm được một công việc nhàn hạ, lương cao.

Sinh viên là đối tượng tiềm năng

Không chỉ đăng tin trên mạng, tại các cổng trường đại học, cao đẳng, bến xe bus, bến xe khách,…cũng nhan nhản tờ rơi, quảng cáo với nội dung cần tuyển gấp nhân sự bán hàng trong dịp Tết.

Đánh đúng và trúng tâm lý sinh viên, những nhà tuyển dụng luôn đưa ra chiêu trò “Ưu tiên sinh viên, sinh viên năm nhất, năm hai” và “tuyệt đối không thu tiền đặt cọc”, “trả lương ngay sau mỗi ca làm việc”…. Hầu hết những sinh viên năm cuối đã tỉnh táo hơn trước những mánh khóe lừa đảo ấy, nhưng sinh viên năm nhất còn bỡ ngỡ, khó tránh khỏi những “chiêu trò”.

Nhan nhản tin quảng cáo trên mạng
Nhan nhản tin quảng cáo trên mạng

Dù là những chiêu lừa muôn thuở, nhưng nhiều sinh viên nhẹ dạ cả tin vẫn mắc bẫy như thường, Thu Nguyệt – SV một trường CĐ chia sẻ: “Được nghỉ tết từ sớm, em quyết định ở lại Hà Nội làm, kiếm thêm chút tiền sắm tết cho gia đình.

Theo thông tin trên tờ rơi, em tìm đến ngõ trên đường Thanh Xuân Nam để xin việc, những tưởng là một hiệu sách lớn nhưng đó lại là một ngôi nhà nhỏ trong ngõ sâu với hai người phụ nữ trung tuổi đang ngồi bên máy tính và xấp tài liệu.

Họ yêu cầu nộp 50 nghìn tiền làm hồ sơ, rồi sau đó nộp 200 nghìn tiền môi giới và hứa ngay ngày mai sẽ đi làm. Nhưng đến hôm sau quay lại, Nguyệt nhận được thông tin do có nhiều hồ sơ xin làm chỗ này mà số lượng có hạn, muốn làm ngay phải nộp thêm 200.000 nữa. Đến đây, Nguyệt biết bị lừa nhưng mình yếu thế, có đòi lại cũng không được nên đành ngậm ngùi ra về, bỏ lại 250 nghìn “biếu” trung tâm lừa.

Trường hợp của B. Hương (ĐH Thương Mại) cũng không khác là bao. Theo tờ rơi, Hương cùng ba bạn gái đến xin vào bán hàng tại Siêu thị tầm cỡ đường Trần Duy Hưng, nhưng điểm nhận hồ sơ lại là căn nhà nhỏ trên đường Phạm Hùng, sau khi nộp hồ sơ kèm mỗi người 300.000 đồng tiền phí may đồng phục, nhóm của Hương bắt đầu thử việc ngay sau đó, nhưng sáng hôm sau các bạn mới té ngửa vì điểm bán hàng không phải tại siêu thị mà là chợ Xanh phố Phan Văn Trường.

Không muốn mất tiền cọc, nhóm của Hương đành làm cho hết ngày, nhưng bán hàng từ sáng đến tối muộn, không ít lần bị chủ mắng mỏ, thậm chí còn phải đền tiền quần áo mất do khách hàng mua sắm tết quá đông.

Bảng tin với rất nhiều giấy tuyển việc làm cận Tết
Bảng tin với rất nhiều giấy tuyển việc làm cận Tết

Có việc mà mất công 

May mắn hơn những trường hợp kể trên, nhiều đối tượng có việc làm nhưng công việc lại ngoài sức tưởng tượng, nhiều bạn bị bóc lột sức lao động nặng nề. Bên cạnh đó có không ít sinh viên bị quỵt lương, bị lợi dụng mà vẫn căn răng chịu đựng bởi chiêu trò giữ chứng minh nhân dân hoặc thẻ sinh viên làm cam kết trả lương.

Từ Thái Bình lên Hà Nội tìm việc để có thêm thu nhập, Duy – CĐ Sư phạm Thái Bình cho biết: “Mình được một người cũng quê giới thiệu cho làm việc tại một cơ sở chế biến mứt với mức lương 100.000 nghìn/ngày, chủ nhà chỉ yêu cầu nộp thẻ sinh viên cùng 200.000 đặt cọc.

Nhưng công việc không phải chế biến mứt như đã nói, mà mình phải bốc vác hàng trong kho, nhiều hôm làm đến đêm hoặc sáng sớm đã phải chuyển hàng. Mình có kiến nghị thì chủ nhà dọa không trả tiền và thẻ sinh viên. Sắp Tết mà nghỉ lúc này, chắc gì tìm được việc khác nên mình đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” ở lại làm tiếp.

Trường hợp của T. Hoa (HV Bưu Chính) còn nguy hiểm hơn. Với ngoại hình khá xinh, cộng thêm chiều cao lý tưởng, Hoa nhanh chóng được nhận vào làm phục vụ ở một quán cà phê lớn trên đường Hoàng Quốc Việt với mức lương hời 300.000/ngày .
Bảng tin với rất nhiều giấy tuyển việc làm cận Tết
Các bạn SV cần thận trọng với những đăng tuyển mời mọc kiểu "làm nhàn hạ nhưng lương rất hấp dẫn"

Làm được một thời gian Hoa mới biết đây là quán cà phê trá hình, lợi dụng sinh viên để hút khách. Xin nghỉ việc chủ quán không cho lấy lại chứng minh thư đã đặt trước đó, Hoa đành làm tiếp vì sợ mất lương, chỉ đến khi bị khách hàng ngang nhiên “sàm sỡ”, Hoa mới nghỉ việc và để luôn chứng minh thư tại đó.

Nhắc đến việc làm thêm Tết, Ngân (CĐ mầm non Trung ương) vẫn còn ấm ức kể lại: “Nghe mấy người bạn đi làm giúp việc, lau dọn nhà cửa theo ngày được khá nhiều tiền, mà công việc không mấy vất vả, mình quyết tâm ở lại kiếm thêm ít tiền tiêu.

Sáng thứ năm tuần trước, theo trung tâm giới thiệu mình đến lau dọn cho một nhà ba năm tầng, ngõ 121 đường Phạm Hùng với giá 500 nghìn/ngày. Vì nhà cao tầng lại nhiều phòng nên lau khá mất thời gian. Đến gần tối, sau khi đã xong việc thì mình đợi chủ nhà kiểm tra và lấy tiền ra về.

Nhưng ông chủ nhà giở ý “chọc ghẹo”, ngay lúc đó bà chủ nhà đi chợ về, thấy thế liền hô hoán ầm ĩ và gọi người đến đánh. Không thanh minh nổi trước sự hung tợn bà chủ nhà, mình ôm đầu chạy thoát thân. Sau mới biết đấy là mánh khóe quỵt tiền của vợ chồng họ”.

Nhu cầu tìm việc thời vụ dịp gần Tết trong cộng đồng sinh viên thường rất cao, công việc ít mang lại kinh nghiệm, nhưng vì những món “hời “trước mắt nhiều bạn vẫn “bán sức lao động” của mình cho những kẻ lừa đảo.

Lao động kiếm tiền, có thêm thu nhập giúp gia đình là việc nên làm, nhưng các bạn sinh viên cần tỉnh táo trước những công việc nhàn hạ “hái” ra tiền, mà những kẻ “đục nước béo cò” dệt nên trước mắt.

Theo Bùi Liên (DT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm