Bút ký "Nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya…"

Dẫu có những ký ức đã lùi xa, vẫn là một hoài vọng thầm thì trong dòng chảy tâm thức, dòng chảy văn hóa, trong những trái tim giàu cảm xúc, trong tình yêu miên man Hà Nội. Tàu điện và tiếng chuông leng keng khuya sớm là một trong những niềm tâm cảm còn lay động trong tâm trí nhiều thế hệ người Hà Nội như vậy.

Tôi còn nao nao tiếng rao đêm khuya khoắt của Hà Nội, nhớ tiếng lá xào xạc khua giòn trên hè phố mỗi khuya từ đâu đó trở về, nhớ một sớm heo may rịn thổi trong sương giăng lãng đãng Tây Hồ…Và nhớ tiếng bánh tàu ruỳnh ruỵch miết trên ray sắt đi ngang phố, leng keng leng keng hút dần phía ngã tư đèn vàng, trông lui cui mà thương thế Hà Nội.

Đôi lúc một mình phiêu du trên phố, bỗng đâu đó lại lại ngân lên da diết ca khúc “Nhớ về Hà Nội” của Hoàng Hiệp: “Nhớ những con đê dài lối xe, bước chân năm tháng đi về. Và nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya, hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy…”. Một lời ca đẹp, tự thân nó như một thi ảnh man mác gợi một nỗi buồn xa lắc, mà dâng dâng xúc cảm, mà lay thức hồn cốt người ta.

Có lẽ vì vậy, khi đi tìm lại những hồi ức của tháng năm về tàu điện, tôi phải kìm bớt những miên man chợt hiện, và quyết định đi tìm những người lao động bình dị nhất, họ có thể là người lái tàu, người bán vé, người kiểm soát, chị công nhân sửa đường ray…đã gắn liền, gần như cả cuộc đời họ trong tiếng leng keng tàu điện.

Và giờ đây, nhắc về quá vãng nghề nghiệp của mình, nó vẫn còn thổn thức, còn ánh lên trong xa xăm của cái nhìn. Như trong họ lại xuất hiện những cô hàng bún Thanh Trì, cô hàng hoa tươi tắn Ngọc Hà, cô hàng cốm làng Vòng mùa thu thơm lúa mới, cô hàng xôi chè bánh trôi bánh chay Phú Thượng, cô hàng cá Thủ Lệ… những tinh mơ gồng gánh, thúng mủng lên tàu.

Cả một người lao động nghèo nào đó ngồi co ro góc kín cuối tàu vào những khuya gió lạnh ngược lên Bưởi, hay vào Hà Đông. Tiếng ho lụ khụ trong đêm đông thưa vắng của phố phường Hà Nội cứ khía vào lòng thương cảm về lớp người cần lao, về những cậu học trò nghèo, chỉ đủ tiền đi về bằng tàu điện.

Vị trưởng lão làng tàu điện và mối tình với cô hàng cá Thủ Lệ

Trong số những người cả cuộc đời gắn bó với tàu điện, cụ là bậc cao niên nhất còn sống cùng con cháu. Cụ là cựu nhân viên bán vé, cựu kiểm soát viên tàu điện từ thời công ty này thuộc người Tây, cụ Nguyễn Bá Nhân, sinh năm 1920. Tính tuổi ta, cụ đã 91, thực là một trưởng lão mà anh em cán bộ hưu ngành xe điện kính trọng.

Gia đình cụ lại còn đủ cả cụ ông cụ bà, còn khoẻ khoắn và minh mẫn, vẫn leo nhà tầng, vẫn đi ăn cỗ được mới thích.

câu chuyện tình yêu của hai cụ cũng thật thú vị, đúng là một “chuyện tình tàu điện”, giữa một chàng trai bán vé tàu khá bảnh giai làng Giảng Võ ngày nào với một cô hàng cá rất duyên của làng Thủ Lệ.

Cụ Nhân ở Giảng Võ dễ đến mấy trăm năm rồi, trên đất đai hương hoả ông bà để lại tới giờ. Ngày đó, tức khu vực đường Ngọc Khánh và Triển lãm Giảng Võ bây giờ, từ năm 1960 về trước còn là cánh đồng lúa. Nửa thế kỷ đi qua, người Hà Nội trở nên chen chúc trong những mảnh đất co thắt và ngày càng teo tóp của mình. Thật khó tưởng tượng trước nhà cụ là cánh đồng ngợp gió, bộn lên hương vị mùa màng.

Đặc biệt, Giảng Võ lại là làng có khá nhiều người làm nghề tàu điện, cái nghề mà người ta thường thấy chủ yếu là người ở ngoại thành như Phùng Khoang, Mễ Trì…Cũng như nghề bán cá, cụ bảo, theo trí nhớ của cụ, đa số chị em bán cá ở các chợ Đồng Xuân, Hàng Bè, Hàng Da, Cửa Nam xưa, là người làng Thủ Lệ.

Cụ Nhân bắt đầu đi bán vé tàu ở Công ty Xe điện thời Pháp từ năm 1949. Cụ là con thứ bảy trong một gia đình có những mười anh chị em, sáu gái bốn trai. Có lẽ vì vậy mà cụ chỉ học đến lớp bảy thời Tây là bắt đầu lo kiếm kế sinh nhai.

Khi vào làm công ty xe điện, mỗi nhân viên phải kí quỹ 20 đồng Đông Dương. Lương của nhân viên tàu điện 3 hào 9 một ngày, khoảng 12 đồng một tháng. Nhưng hồi đó phương tiện đi lại khó khăn lắm, không phải ai cũng có xe đạp mà đi. Vì vậy, từ nhiệm sở Công ty xe điện ở Thụy Khuê về Giảng Võ cũng trở nên quá xa với người đi bộ, lại vào tầm rời nhiệm sở chín mười giờ đêm, sau một ngày ròng rã ngồi tàu, và mỗi ca làm được bố trí từ trưa hôm trước tới trưa hôm sau, nên phần lớn người bán vé, kiểm soát, lái tàu mới đi làm ở sở Tây như cụ những năm đầu thường phải ăn cơm hàng, ngủ nhà trọ.
 
Cơm hàng khoảng 5 xu là no nê, tiền ngủ trọ cũng chỉ một, hai xu một đêm. Nếu không ngủ trọ, tiết kiệm nữa thì vào ngủ tập thể như lán trại công trường trong công ty. Cụ Nhân phải ngủ trọ khoảng bốn năm, chỉ chấm dứt đời trọ đêm khi chắt chiu tậu được chiếc xe đạp cũ cọc cạch.

Cụ Nhân kể, nghề bán vé tàu điện thời Tây nó thế, phải rất liêm khiết và chịu khó. Bán vé lậu, lười biếng, bỏ sót khách là bị đuổi việc liền. Ai hay tí toáy, “mê” tiền quá cũng dễ lâm hãm vào cảnh đứng đường đứng chợ.

Bởi vậy, khi hỏi cái gì làm cho cụ ghi nhớ nhất về nghề thời đó, cụ Nhân vẻ tâm đắc trí lự lắm, nét mặt tươi và sáng hẳn ra dù đã ở tuổi cửu thập. Là cụ tự cho mình vượt qua được thử thách trước đồng tiền, giữ lòng liêm chính. Liêm chính cho hết cả đời làm nghề vận tải tàu điện dưới chính quyền ta sau này. Không biết có phải vì thế mà hai cụ thượng thọ, sum vầy với con cháu không nhỉ?

Cụ Nhân làm ở công ty xe điện người Tây đến năm 1956 thì họ chuyển giao cho ta. Giải phóng Thủ đô năm 1954, nhưng công ty xe điện Pháp còn ở lại hơn một năm sau, chờ xem cơ hội làm ăn có còn tiếp tục hay không, cho tới 1956 họ mới rút hẳn. Cụ cũng chuyển sang làm kiểm soát tàu từ đó.

Tuyến đường mà cụ gắn bó dài nhất sau này là tuyến đi Hà Đông. Một tuyến đường dài, gồm 5 tàu, 15 toa xe và lượng khách thường đông, thường gồng gánh bịn rịn lắm. Cụ làm công việc ấy cho đến lúc nghỉ hưu, năm 1980.

Đó là một cuộc đời thuần tuý làm nhân viên nhà tàu, tình yêu cũng nảy nở từ những chuyến tàu vào ra, xuôi ngược thành phố. Và cuộc hôn nhân với cô hàng cá Thủ Lệ cũng đã ra đời đến 8 người con. Các con cụ không ông to bà lớn, không có ai theo nghề của cụ nữa, nhưng theo cụ, cũng thành đạt cả và cụ bằng lòng với những gì mình có.

Tôi bảo thế là cụ khôn, sống thế là nhàn tâm, là sướng. Cụ cười, ừ thì, mình một đời thanh sạch, không ham hố, tranh giành gì. Ít tiền nhưng lại thấy vui. Khối người ôm tiền mà chả sang, thực ra chả sướng, cả cuộc đời toan tính, lo ngay ngáy. Thôi thì, giời cho thế nào thì được thế ấy. Giờ thì vui tuổi già, con cháu ríu rít thế này là mãn nguyện rồi.

Cụ không kể nhiều về quá vãng. Nhưng một con người sống gần cả thế kỷ, biết bao thăng trầm ẩn chứa trong mái tóc và chòm râu bạc trắng kia, làm sao ta thấu biết. Những mùa đêm giá lạnh, những mưa gió não nề, những trái gió trở trời, những buồn vui nếm trải; những chuyến tàu giáp Tết ăm ắp người ngược xuôi buôn bán, về phép, chia tay bịn rịn; những bó hoa tươi muôn sắc và những cành đào xuân đỏ thắm lên tàu trong chộn rộn niềm hân hoan Tết… Tàu vẫn phải khởi hành cho đúng giờ, vẫn phải theo ca, theo tuyến.

Cái tiếng leng keng của chuông tàu điện dường như còn cựa quậy trong từng thẻo cơ bắp đã héo dần tuổi tác kia. Tôi đùa cụ: “Có bao giờ bác lấy lòng bác gái bằng cách miễn phí tàu không?”. Cụ Nhân không trả lời, chòm râu bạc rung rung trong nụ cười sảng khoái, hồn nhiên lạ lùng.

Lúc lâu sau cụ “tự thú” rằng, bà ấy quý vì mỗi khi lên tàu lại có cụ, tức cái anh bán vé tàu thời Tây giúp bưng bê quang gánh, giúp thu xếp chỗ ngồi trên tàu cho nhanh nhảu, kịp chuyến. Và từ khi hai cụ đầu mày cuối mắt tình ý cho đến lúc cưới là hai năm.

Tình yêu tàu điện của cụ như vậy là chung thuỷ, bền đẹp, chứ đâu phải “tình yêu tàu xe” mà người ta hay giễu cho những người chỉ thấp thoáng đi ngang một chuyến xe, một cung đường.

Cụ Nhân bảo, lòng vẫn nhớ và tiếc tàu điện lắm, nhưng khôi phục thì thật khó, trừ khi nó được quy hoạch ở những khu đô thị mới, hoặc những phố đi bộ, chỉ tàu điện du lịch hoạt động. Thế giới vẫn còn nhiều thành phố cổ kính, thành phố du lịch, có tiếng tàu điện leng keng đưa du khách thăm thú, thưởng ngoạn và mua sắm ở những trung tâm du lịch, thương mại. Bởi tàu điện là phương tiện vận tải công cộng, chở được nhiều khách, giá rẻ, các đối tượng có thu nhập thấp có thể coi là phương tiện chủ đạo.

Thời Tây cũng vậy, tàu điện dành cho bà con tiểu thương, buôn gánh, cho người lao động nghèo, cho học sinh. Những năm gian khó thời bao cấp của ta, tàu điện là xe của lớp người bình dân.

Ấy là những ý nghĩ, niềm mong thầm kín của cụ. Một nỗi nhớ tàu điện cứ thầm thì hiện lên trong kí ức, như nhớ một thời mối tình trai trẻ và lãng mạn với cô hàng cá, tức bà lão, vừa trở về từ đám ăn giỗ bên quê ngoại, làng Thủ Lệ, lúc tôi chuẩn bị ra về kia.

Bút ký "Nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya…" ảnh 1

Bóc đường tàu điện cuối cùng tại phố Hàng Đào cuối năm 1990. Ảnh: Hoàng Luật (1945-2007).

Còn một chiếc đe

Tôi điện hẹn gặp mấy lần với người cựu lái tàu ấy, ông Cao Văn Tác, nhưng phải lần thứ ba mới có thể có lịch gặp. Đơn giản là vì người cựu lái tàu điện này, dù đã nghỉ hưu từ 1990 nhưng ông vẫn đi “làm vớ làm vẩn ấy mà” ở đâu đó, như đi sửa và lắp điện cho bạn bè chẳng hạn, cho đỡ buồn, lại cũng cần có thêm thu nhập để cải thiện đời sống. Con cái dựng vợ gả chồng ăn ở riêng cả, cái lương hưu ít ỏi của nghề lái tàu điện buộc phải sống tằn tiện.

Nhà ông Tác phải đi qua gầm cầu Thanh Trì, tút hút ngoài bãi đê, tại số 226 đường Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai. Chỉ dấn một tí ga nữa là tới phà Khuyến Lương. Đây là đất và ngôi nhà cấp bốn khá “hoàn cảnh” mà ông Tác mua đất từ năm 1994, mới làm nhà và chuyển về ở từ năm 2007. Ông ở đây với người vợ mới “tục huyền”, độ tuổi bốn mươi, khi tôi đến bà vắng nhà vì công việc hàng ngày của bà là trông trẻ thuê.

Người vợ này ông lấy sau khi người vợ đầu chẳng may gặp tai nạn khá oái oăm, bi thương. Xe ô tô chở hai chị em bà bị chết máy nằm giữa quốc lộ giao cắt với đường sắt ở Tam Điệp, đúng lúc tàu hỏa đang lao tới, vào năm 2002 mà báo chí đã rộ tin. Đó là một nỗi đau mà số phận dường như còn để lại trong dáng vẻ khắc khổ, hằn trên gương mặt lam lũ mà người đàn ông tuổi Canh Thìn này chịu đựng.

Ông còn có một nỗi mất mát thương đau nữa, ấy là người em trai sinh năm 1943, tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn đặc công, hy sinh trong trận đánh phá hủy kho xăng Long Bình của Mỹ năm 1970, để lại người vợ trẻ mới cưới mà chưa kịp có đứa con nào. Các cụ thân sinh của ông lại chỉ có hai anh em trai ông thôi!

Trong căn nhà không giường, chỉ kê một cái đệm trên nền gạch, ông đã tiếp tôi bằng câu chuyện tàu điện khá hào hứng, như cố lấp những trống trải của xa vắng tàu điện lâu ngày, nỗi trống trải và đoạn trường của cuộc đời lắm nỗi niềm thương cảm, bi ai.

Thực ra, trong căn nhà cấp bốn ấy còn có vợ chồng của cô con gái út, ông cho ở riêng gian giữa, ông bà ngăn ra và ở gian trong cùng. Đó là góc của riêng ông.

Ông cũng có cậu con trai cả, đi lao động ở Đức, nay đã có vợ con và nhập tịch thành người Tây nhưng, ông bảo, chả thấy nó gửi hỗ trợ gì cho ông. Giá có tiền gửi, cái mảnh đất 100 mét vuông này có thể cất lên một căn nhà bề thế, khang trang.

Là nói khơi khơi vậy thôi, không thấy ông thở dài hay nghĩ ngợi gì. Có thể con người ấy đã quá quen nỗi chịu đựng, xô đẩy của số phận, đến nỗi để nó mặc nhiên chung sống hòa bình, chả việc gì phải so đọ, trông xuống trông lên làm gì.

Nào ai biết ông là người Hà Nội “chính cống”. Nào ai biết gia đình ông đã ở phố Bảo Khánh, ngay sát hồ Gươm từ năm 1945. Ký ức tuổi thơ và Hà Nội thân thương của ông được nuôi dưỡng và lớn lên từ cái phố nhỏ bên hồ Gươm linh thiêng, thăm thẳm huyền tích, âm vang sử thi, lung linh cội nguồn văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Cũng từ căn nhà ấy, cha ông, cụ Cao Văn Tích hàng ngày đi lái tàu điện. Cụ lái tàu điện từ năm 18 tuổi. Mãi tới năm 1983 cụ Tích mới nghỉ hưu. Với ông Tác, thế là nghề cha truyền con nối hẳn hoi rồi. Bởi ông Tác cũng lái tàu từ năm 1960, sau một thời gian đi bán vé tàu.

Như vậy, từ năm 1960, gia đình ông luôn có hai lái Tàu, một cha một con, một già một trẻ cùng hòa tấu leng keng trên những toa tàu khua dọc đường Bờ Hồ - Mơ, Bờ Hồ - Hà Đông, Bờ Hồ - Bưởi.

Ông Tác cũng có một số năm gián đoạn nghề lái tàu điện, vì năm 1965, ông vào quân ngũ. Năm 1970 ông Tác ra quân và trở lại Công ty xe điện, tiếp tục lái tàu. Lái tàu cho đến khi ngưng và chính thức dỡ bỏ tàu điện.

Một đời sống giao thông, một ký ức văn hóa đã ăn sâu vào tâm trí người Hà Nội, kể từ khi nó được khởi công, năm 1900. Nếu còn, sang năm, năm 2010, năm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tàu điện Việt Nam kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật.

Ôi tàu điện, phương tiện giao thông chở hành khách chủ lực nội đô thời Tây và thời ta lúc còn bao cấp. Lúc ấy phố phường Hà Nội thưa vắng hơn bây giờ nhiều nên tàu điện rẻ và tiện lợi cho nhiều đối tượng. Chị công nhân quét rác tan ca trở về. Anh bộ đội tranh thủ ngày chủ nhật ghé qua nhà. Những cô hàng gà vịt, buôn gánh từ Hà Đông ra, từ Bưởi vào. Cô sinh viên đáp tàu từ khu Thượng Đình, Mễ Trì vào chơi Bờ Hồ hoặc ghé thăm bè bạn ở trường này trường nọ. Có nhiều lúc người lái tàu phải làm tăng ca, làm cả ngày chủ nhật để “phục vụ nhân dân hết mình”.

Vậy trong ông còn đọng những gì? Ông Tác cười cười, nhát gừng bày tỏ, chẳng văn hoa cầu kì. Ấy là nhớ khoảnh khắc 4 giờ sáng và 10 giờ đêm. Đó là những khoảnh khắc khởi hành và kết thúc ở ga cuối, cũng là trụ sở Công ty ở Thụy Khuê.

Nhớ những đêm mưa gió, rét mướt. Nhớ những buổi giao ca hàng trăm con người của 2 ca, 4 tuyến đường tại ga Bờ Hồ, tức khu nhà “hàm cá mập” hiện nay. Bao nhiêu điều nhớ, cả điều đã quên cùng muốn tái hiện trong khả năng nhớ ngày càng nhợt nhạt của quy luật tuổi tác, quy luật của thời gian trong vỏ não con người. Nhưng sự tận tụy nghề nghiệp và tính cách của riêng mình thì không thể nguôi quên.

Tất nhiên, người hậu sinh nơi ông có cái giống nhưng cũng có cái khác so với bậc trưởng lão, cụ Nguyễn Bá Nhân. Cái giống nhau ở đặc tính nghề, ở năm tháng rong ruổi với con tàu, với đều đặn gió mưa chạy chuyến và giao ca, nhưng ông Tác không có cơ duyên “phải lòng” một cô nàng đi chợ nào như cụ Nhân. Người vợ đầu của ông Tác là người của mậu dịch quốc doanh. Bà đã làm đến phó giám đốc công ty thu mua, gia công hàng ăn uống.

Theo ông Tác, thời mậu dịch quốc doanh ấy đời sống gia đình ông không nỗi nào, nếu không nói là khá. Nhưng rồi gia đình ông cũng chỉ dừng ở mức tầm tầm vậy thôi, bởi vợ ông cũng là người thật thà, không vụ lợi. Có lần được phân nhà bà từ chối không nhận, ông hỏi vì sao, bà bảo vì “còn bao nhiêu người không có nhà, mình đã có chỗ ở rồi, nhận làm gì”.

Và để không quên những năm tháng cùng trải với nghề tàu điện, ông Tác cho hay, từ năm 2001, Câu lạc bộ tổ hưu trí Đoàn vận chuyển Công ty xe điện của ông ra đời và mỗi năm tụ họp, sinh hoạt vào 20 tháng Giêng. Câu lạc bộ có bậc cao niên nhất, cụ Nhân cũng hăng hái chia vui việc hỉ, chia buồn việc hiếu…cùng những đàn em.

Từ năm 2008, dưới thời anh Hồng, theo ông, là một giám đốc mới, năng động và quan tâm đến những người tiền nhiệm, đến công việc xã hội hơn, nên đã hỗ trợ kinh phí và mời các cụ tụ họp, thăm hỏi, liên hoan văn nghệ tại trụ sở công ty. Nếu việc này từ nay được duy trì, cũng là một việc vì lòng nhân, tình đồng nghiệp bớt đi phần nào nỗi trống vắng của “tâm trạng tàu điện”.

Khi tôi chuẩn bị ra về, tôi có nói về sự tiếc nuối của mình, sao những người làm xe điện thập niên 80 ấy không để lại bất kỳ một kỷ vật nào về tàu điện. Giá bây giờ có một cái đầu tàu của Tây từ thế kỷ 19, một đoạn ray, một quả chuông, một cái đèn… chẳng hạn, làm kỷ niệm, làm bảo tàng tàu điện Việt Nam, trong hệ thống giao thông đường bộ nước nhà thì quý biết mấy. Rất tiếc, người ta đã cho vào lò nung, vào cơ sở tái chế sắt vụn để biến chúng thành thép xây dựng cả rồi.

Ông Tác chợt reo lên, rằng ông còn có một cái đe. Ông bảo: “Cuộc đời lái tàu điện của tôi còn lại mỗi cái đe”.  Thế mà khối người đòi mua, chả biết mua để làm đồ cổ hay làm gì nhưng ông không bán. Thỉnh thoảng ông lại mang ra để kê chặt sắt, gò đập, uốn, gõ lại nắp xoong… Tôi dẫn bác đi xem nhé, ông hào hứng như đứa trẻ còn nhớ mình bỏ sót một viên kẹo trong túi áo.

Từ sau cái chuồng gà, ông lôi ra một cái đe nho nhỏ. Thực ra, nó là một đoạn ray được cắt ra để làm đe chứ không phải một cái đe được đúc hẳn hoi. Tuy vậy, nó vẫn có thể coi như đồ hiếm, vì tất thảy sắt thép của những con tàu, của đường ray nay đã hoàn toàn biến mất trên mọi ngả đường, kể cả một nơi yên tĩnh nào đó của Hà Nội. Nó chỉ còn lại trong tranh ảnh, trong trí nhớ của những lớp người Hà Nội từ thập niên 80 về trước. Một vẻ đẹp buồn của quá vãng, tàu điện ơi!


Theo Trần Quang Quý (Lao động)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm