Buổi sinh hoạt chống xâm hại cực "chất" của bé lớp 4

Trần Lê Thảo Nhi chính là nhân vật trong bài viết “Bé lớp 4 “diễn thuyết” với bạn xâm hại tình dục” đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 20-4. Sáng 5-5, được sự cho phép của nhà trường, Thảo Nhi đã tổ chức buổi sinh hoạt lần thứ ba cùng với các bạn của mình.

Ví dụ sinh động từ bộ đồ bơi

“Bạn nào có thể cho mình biết tại sao bộ đồ bơi không che hết các bộ phận của cơ thể mà chỉ che những phần này? Tại sao người ta nghĩ ra bộ đồ bơi mà không để cho chúng ta khỏa thân bơi?” - tay cầm bộ đồ bơi để minh họa, Thảo Nhi bắt đầu nội dung buổi sinh hoạt.

Rồi chỉ vào từng điểm trên bộ đồ bơi để các bạn hình dung rõ hơn, Thảo Nhi giải thích tiếp: “Người ta không che hết mà che những vùng này, đó gọi là vùng kín. Các bạn hãy nhớ rằng vùng đồ bơi hay còn gọi là vùng kín của chúng ta không ai được chạm vào và làm đau cả”.

Sau đó, Nhi đưa ra cảnh báo về vùng đồ bơi cho các bạn được rõ thông qua bàn tay của mình. “Cảnh báo thứ nhất là cảnh báo nhìn, khi có ai đó nhìn vào vùng kín của các bạn hoặc yêu cầu các bạn nhìn vào vùng kín của họ. Cảnh báo thứ hai là cảnh báo nghe, có ai đó nói về vùng kín của bạn hay của họ là điều không nên. Cảnh báo thứ ba là cảnh báo chạm, ai đó chạm vào vùng đồ bơi hoặc yêu cầu bạn chạm vào vùng kín của họ đều không được. Cảnh báo thứ tư là ôm, họ ôm bạn và sờ soạng vào những vùng quan trọng. Cảnh báo thứ năm là bắt cóc, họ bắt cóc bạn đến một nơi kín và xâm hại bạn” - Nhi nói rõ.

Thảo Nhi sinh hoạt cùng các bạn trong nhóm về vấn đề xâm hại tình dục vào sáng 5-5 tại khu vườn đọc sách của trường mình. Ảnh: THANH TUYỀN

Nêu ví dụ điển hình từ những vụ xâm hại mà người thân chính là thủ phạm như vụ bé gái lớp 5 bị cha và ông nội xâm hại ở Vĩnh Long, Thảo Nhi cũng gửi gắm tới các bạn rằng dù cha mẹ chúng ta có công ơn sinh thành chúng ta nhưng điều đó không có nghĩa rằng cha mẹ có quyền quyết định với cơ thể của mình. “Hãy nhớ kỹ cơ thể của chúng ta là của chúng ta” - Nhi nói rồi yêu cầu các bạn lặp lại lời mình để ghi nhớ.

Mỗi một nội dung mà Nhi nói với các bạn, Nhi đều yêu cầu các bạn lặp đi lặp lại và hỏi rõ có ai thắc mắc thì đặt câu hỏi để Nhi giải thích thêm.

Học sinh hào hứng, nhà trường ủng hộ

Bên cạnh việc đưa ra những kiến thức, kỹ năng liên quan đến xâm hại tình dục, Thảo Nhi còn đưa ra những tình huống cụ thể để các bạn trong nhóm cùng thảo luận và trả lời.

“Khi bạn A đi trên xe buýt bị một người đàn ông lớn tuổi áp sát vào người và sờ vào các vùng kín của bạn thì bạn nên làm gì?”, “Khi bạn C đi toa-lét công cộng trong lúc vắng người thì bị một người đàn ông kéo vào định làm việc xấu thì lúc đó nên làm như thế nào?”, “Khi có bạn của ba mẹ bạn đến nhà chơi, thể hiện sự thân thiết với bạn như muốn hôn má, ôm vào lòng... thì bạn sẽ làm gì để đề phòng việc xâm hại nhưng vẫn giữ được phép lịch sự?...”.

Các bạn học sinh cùng tham gia giơ tay và lần lượt trả lời các câu hỏi tình huống trên: “Thì phải hét thật to: “Anh/chú làm gì thế? Đừng có động vào người cháu””, “Không la là “Cứu con với” mà hãy la lên “Chú ơi cháy nhà, cháy nhà” để đánh lạc hướng đối phương rồi tìm cách bỏ chạy. Nếu không được thì lấy chân húc vào háng, cắn tay, móc mắt...”, “Giằng tay ra và viện lý do gì đó (ví dụ như con quên làm bài rồi, giờ con phải đi làm nếu không ngày mai cô giáo sẽ phạt...) sau đó bỏ đi thật nhanh, đợi khi họ về rồi thì hãy nói với ba mẹ rằng mình không thích điều đó...”.

Nguyễn Nhật Tú An, học sinh lớp 4/3, chia sẻ đây là lần thứ hai em tham gia sinh hoạt cùng các bạn. “Tham gia buổi sinh hoạt với các bạn, em biết thêm những kỹ năng về phòng, chống xâm hại tình dục. Bạn chia sẻ dễ hiểu hơn ba mẹ em vì ba em giảng theo cách người lớn, khó hiểu hơn một tí”.

Còn em Vũ Thiên Hương, học sinh lớp 4/3, thì rất hào hứng tham gia trao đổi cùng các bạn, liên tục giơ tay để được trả lời các câu hỏi tình huống mà Thảo Nhi đưa ra. “Em thấy rất thích vì cái này giúp em có thêm kỹ năng để tự bảo vệ mình. Ở nhà ba mẹ có nói với em về xâm hại tình dục nhưng tham gia cùng các bạn, nhiều chuyện có thể chia sẻ được với nhau. Giờ em có thể tự tin xử lý những tình huống không may xảy ra” - Hương nói say sưa.

Cô Đặng Thị Kim Khánh, cô giáo chủ nhiệm của Thảo Nhi, chia sẻ cô thực sự rất vui vì thấy các bạn trong và ngoài lớp học háo hức đến với buổi sinh hoạt. Cô cho biết sẽ luôn ủng hộ, tạo điều kiện để các em có thời gian sinh hoạt với nhau nhiều hơn vì đã tạo được hiệu ứng tốt với các em.

“Đây là cách làm mới, trở nên gần gũi hơn, bước đầu mang lại hiệu quả. Chúng tôi sẽ cố gắng làm hết mình để nhân rộng mô hình này và duy trì qua các năm học chứ không phải chỉ ở thời điểm này” - một đại diện ban giám hiệu nhà trường cho biết.

SaiGonbook muốn Thảo Nhi tham gia viết sách

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, chị Tường Vy, mẹ của Thảo Nhi, chia sẻ đại diện của công ty SaiGonbook muốn Thảo Nhi cùng tham gia viết một tập sách liên quan đến vấn đề chống xâm hại tình dục cùng với TS xã hội học Phạm Thị Thúy và gia đình đã đồng ý. Theo đó, Thảo Nhi sẽ viết về 10 tình huống liên quan đến xâm hại tình dục mà em đã từng thấy, từng nghe các bạn của mình chia sẻ lại. Phần nội dung còn lại của cuốn sách do TS xã hội học Phạm Thị Thúy phụ trách.

“Bé đã hoàn thành xong bản thảo và chúng tôi cũng đã chuyển phần nội dung mà bé viết cho phía Nhà xuất bản SaiGonbook. Trong 10 tình huống đó thì có bốn tình huống bé đã từng chứng kiến và sáu tình huống còn lại là do các bạn chia sẻ với bé” - chị Tường Vy cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm