Bữa cúng tất niên sau giao thừa

Những năm vừa đổi mới, nhà tôi còn nghèo lắm, đời sống vẫn còn rất khó khăn. Mỗi khi Tết đến xuân về, nhà nào cũng đều mong năm mới sẽ khá hơn năm cũ.

Còn nhớ Tết năm tôi 14 tuổi, đã khuya lắm rồi mà mẹ tôi vẫn chưa về. Trong xóm đã lác đác có tiếng pháo nổ của những nhà có tiền mua pháo về đốt chơi. Trên mảnh ván ép kê làm bàn thờ ở giữa nhà, mấy đứa em cứ ngơ ngẩn khi chẳng thấy nhà mình chuẩn bị gì cả.

Chờ mãi mẹ tôi vẫn chưa về, mấy đứa em cứ níu áo tôi hỏi tại sao mẹ lâu thế? Mẹ có sắm quần áo mới mặc Tết cho tụi nó không? Con em kế tôi sau khi hỏi xong tự trả lời: Chắc không có đâu anh nhỉ! Có lẽ nó đã lờ mờ nhận biết được cái túng thiếu của gia đình khi không còn trụ cột là cha.

Thế rồi mẹ tôi cũng về khi canh ba sắp điểm. Mẹ tôi nhiều bệnh, nhưng vì đàn con bốn đứa nên đến đêm 30 bà vẫn đi giúp việc cho người ta để có thêm chút tiền sắm cho con cái Tết. Tôi nhận thấy dáng mẹ về trong đêm tối lạnh tê tái, trong tiếng pháo râm ran xa xa. Trên vai mẹ là một chiếc bao nhỏ, từ đó mẹ lấy ra hai cái bánh chưng, một gói bánh quy, một xâu bánh tét… Ôi, cả một gói mứt thập cẩm và một khổ thịt heo hơn nửa ký, rồi đường, gạo nếp, đậu xanh… đủ cả.

Mấy đứa em tôi tíu tít reo lên vì vui sướng, vỗ tay lẹt đẹt. Khuôn mặt khắc khổ của mẹ thời khắc ấy chợt giãn ra và nở một nụ cười hiếm hoi. Mẹ bảo chừng ấy đồ cho các con đón Tết là những nhà trên phố đã trả công cho mẹ dọn dẹp suốt một ngày trời từ sáng đến đêm khuya.

Thời ấy ít dùng tiền, vì thế mẹ thường đổi công lấy gạo hay đồ ăn về cho chúng tôi. Mẹ mừng vui vừa kể vừa tiếp tục lấy thêm ra mấy cây đèn bạch lạp nhỏ xíu loại thắp đèn trung thu, vài xấp vàng bạc áo giấy, mấy thẻ hương và một số lễ vật để cúng. Chiếc bao nhỏ mà đựng được quả là nhiều. Căn nhà trống hoác trong đêm đông vốn quen cảnh hắt hiu tự nhiên bừng sáng và rộn rã tiếng cười nói của chúng tôi trước gia tài đêm giao thừa của mẹ.

Pháo đã rộn rã khắp nơi rồi. Lúc ấy ngọn lửa trong cái bếp lạnh lẽo của nhà tôi mới reo vui tí tách. Chúng tôi xúm xít giúp mẹ vo gạo,  nấu xôi. Ánh sáng của góc bếp nghèo hắt lên mấy khuôn mặt mẹ con tôi, nhảy múa trên những khóe miệng tươi những nụ cười.

Khi mâm cúng đã tươm tất trên bàn thờ cũng là lúc giao thừa đã qua, mọi thứ trở lại im ắng. Lễ vật cúng đạm bạc chỉ là những thứ đồ mẹ tôi đổi công lấy được nhưng đầy ý nghĩa. Trong ánh sáng của những ngọn bạch lạp, mấy mẹ con quỳ lạy một cách cung kính trong làn khói hương lan tỏa. Có lẽ bây giờ và mãi về sau nữa, cái tết nghèo và bữa cúng giao thừa lúc gần sáng ấy của mẹ con tôi vẫn là cái tết đáng nhớ nhất. Cái tết nghèo mà vui nhất trong suốt cả cuộc đời.

Nhìn đường hoa này nhớ đường hoa xưa
(PL)- Cho đến sau khi người Pháp lấp kênh đào Charner để làm thành đại lộ Nguyễn Huệ, chợ hoa vẫn tồn tại mỗi dịp Tết đến xuân về và sau này được dời thêm ra Công viên 23-9 chỉ để hình thành đường hoa.
Nhớ tết xưa ngồi nhuộm áo
Nhớ tết xưa ngồi nhuộm áo
Sáng nào ngoại tôi cũng lom khom đi xé lịch trên tường để đếm ngày đếm tháng. Trong những ngày năm cùng tháng tận, ngoại thường nói, “sắp hết năm rồi bây ơi”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm