Bốn bất ổn của nghị định “nghi thức, nghi lễ”

Phải đến ngày 16-12 thì Nghị định (NĐ) 145/2013 của Chính phủ (quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài) mới có hiệu lực thi hành nhưng hiện dư luận đang có nhiều lời chê trách, chủ yếu dành cho phần đối nội. Nhiều người ngỡ quy định mới toanh nhưng thực ra NĐ 145 là tổng hợp của hai NĐ 82/2001 về nghi lễ đón tiếp khách nước ngoài và NĐ 154/2004 về nghi thức nhà nước trong các buổi lễ, đón nhận danh hiệu vinh dự nhà nước.

Thử so sánh giữa cái mới và cũ sẽ thấy NĐ 145 có bốn điểm bất ổn lớn.

1. Ôm đồm nhiều đối tượng

Giống như NĐ 154/2004, NĐ 145 quy định các đối tượng điều chỉnh rất rộng. Gồm có: các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân. Tuy nhiên, như băn khoăn của nhiều người, với các cơ quan nhà nước hoặc những đơn vị sử dụng ngân sách, Chính phủ có quyền bắt buộc họ phải làm điều này, điều nọ để “tiết kiệm, không phô trương”. Ngược lại, với cáctổ chức kinh tế không xài tiền ngân sách, khi việc tặng quà, logo, gắn nơ hay cài hoa cho khách mời là những tính toán riêng của họ và chính họ biết rõ hơn ai hết là nên hay không nên, có hiệu quả hay không, làm sao Chính phủ cấm cản và liệu có cấm được không?

Bốn bất ổn của nghị định “nghi thức, nghi lễ” ảnh 1

Việc cấm tặng quà, logo, gắn nơ… cho khách mời tham dự của các tổ chức kinh tế không sử dụng ngân sách liệu có khả thi? Ảnh: HTD

Theo Điều 61 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khi soạn thảo dự thảo NĐ, ban soạn thảo phải “tổng kết tình hình thi hành pháp luật, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan”. Vậy Bộ VH-TT&DL đã tổng kết việc thực hiện NĐ 154/2004 thế nào, đã có đánh giá ai làm, ai không, làm hết tất cả hay chỉ làm một phần nhỏ, thậm chí không làm. Không thể không hỏi như vậy vì nếu khảo sát kỹ lưỡng và đã tự nhận thấy trên thực tế chỉ có thể bắt buộc thực hiện đối với một số đối tượng chính như cán bộ, đảng viên… (như phát biểu của ông Phan Đình Tân, người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL trên Pháp Luật TP.HCM ngày 4-11), tại sao NĐ 145 không có sự điều chỉnh về đối tượng áp dụng cho hợp lý hơn?

2. Năn nỉ thay vì yêu cầu

Là văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành theo thủ tục, trình tự luật định nên NĐ phải có các quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội. Khi là phương tiện thực hiện quyền lực nhà nước thì ngôn ngữ trong NĐ buộc phải có tính nghiêm túc, thể hiện sự uy quyền, tạo tâm lý tôn trọng pháp luật của đối tượng chịu tác động. Rất tiếc là điều này chưa được NĐ 145 tuân thủ chặt chẽ. Thay vì nêu rõ “phải làm” cho mạnh mẽ thì NĐ lại “khuyến khích”. Nó đồng nghĩa với việc làm càng tốt nhưng nếu không làm cũng chẳng sao!

Đơn cử, về phần trang phục, Điều 23 “khuyến khích khách mời, đại biểu và quần chúng dự lễ mặc trang phục dân tộc, lễ phục tôn giáo…” (khoản 2). Khoan bàn đến chuyện loại quần áo nào là trang phục dân tộc thì với từ “khuyến khích” không nên dùng trong ngữ cảnh này lại có cảm nhận giữ lại quy định cũ sẽ dễ thực hiện hơn. Cụ thể, quy định cũ yêu cầu “người chủ trì buổi lễ; đại biểu, khách mời; người trao tặng và người đón nhận danh hiệu vinh dự nhà nước mặc com-lê có thắt cà vạt hoặc áo sơ mi dài tay có thắt cà vạt (nam); áo dài truyền thống (trời lạnh có thể có áo khoác ngoài) hoặc com-lê nữ (nữ).

3. Dở hơn cái cũ

Nói dở hơn vì có nhiều thứ NĐ 145 nêu gọn quá khiến không biết đường lần hoặc cá biệt là còn lê thê hơn. Ở Điều 27 về trình tự tiến hành lễ kỷ niệm, NĐ 145 chỉ nêu việc giới thiệu đại biểu “ngắn gọn, trang trọng”, phần trình bày diễn văn hoặc báo cáo chỉ “kính thưa họ tên và chức danh” lãnh đạo có chức vụ cao nhất ở trung ương và ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị.

Trước hết, hiểu sao là giới thiệu ngắn gọn mà vẫn trang trọng khi lâu nay các buổi lễ có cái lệ giới thiệu dài ngoằng từ chức cao đến chức thấp như thể thà dư còn hơn bỏ sót khiến ai nấy ngán ngẩm? Kế tiếp, khi đã giới thiệu đủ đầy rồi, cần gì bài diễn văn phải tiếp tục “kính thưa” một loạt mấy vị lãnh đạo từ trung ương và ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị?

Đáng nói là NĐ cũ quy định việc này như sau: Trưởng ban tổ chức tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu ngắn gọn, trang trọng. Chỉ giới thiệu tên và chức vụ đồng chí đại biểu có chức vụ cao nhất về Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc của trung ương và địa phương; các đồng chí khác giới thiệu chung. Mở đầu diễn văn, báo cáo hoặc phát biểu chỉ “kính thưa” một đồng chí có chức vụ cao nhất của trung ương hoặc địa phương dự buổi lễ, còn lại “kính thưa” chung các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu.

4. Tiếp tục không khả thi

Đồng ý là NĐ 145 chỉ nêu các nội dung thực hiện còn việc chế tài sẽ được điều chỉnh bằng một NĐ xử phạt vi phạm hành chính khác. Song từ trước đến giờ vẫn chưa có quy định nào xử phạt việc này. Nếu vậy, ban hành để làm gì mà cơ chế giám sát, đảm bảo thực hiện không có và khi nội dung vẫn còn nhiều điểm chưa chuẩn như đã phân tích ở trên, đố ai cam đoan cái mới sẽ không tiếp tục không khả thi như cái cũ.

Để tránh tình trạng ban hành văn bản nhưng nhiều quy định không có tính khả thi, chủ thể ban hành văn bản cần yêu cầu Bộ VH-TT&DL rà soát lại toàn bộ những điều khoản trong NĐ 145 mà không áp dụng với các tổ chức kinh tế (tư nhân), sau đó ban hành văn bản khẳng định những điều khoản nào không áp dụng cho các tổ chức này. Việc làm này nhằm đảm bảo tính thống nhất, tính khả thi của một văn bản, cũng như tránh tình trạng các cơ quan quản lý cũng như các đơn vị thực hiện sẽ lúng túng khi triển khai áp dụng trong thực tiễn.

ThS THÁI THỊ TUYẾT DUNG,giảng viên khoa Hành chính
ĐH Luật TP.HCM

Bộ Tư pháp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thẩm định nội dung dự thảo NĐ trước khi trình Chính phủ. Đó là thẩm định sự cần thiết ban hành văn bản, đối tượng, phạm vi điều chỉnh; tính hợp pháp, tính thống nhất và tính khả thi của dự thảo văn bản (bao gồm sự phù hợp giữa quy định của dự thảo văn bản với yêu cầu thực tế, trình độ phát triển của xã hội và điều kiện bảo đảm để thực hiện). Nhưng trong trường hợp này, việc thẩm định đối tượng, phạm vi điều chỉnh của NĐ 145 có vẻ chưa được phù hợp lắm.

ThS THÁI THỊ TUYẾT DUNG, giảng viên khoa Hành chính ĐH Luật TP.HCM

NGUYÊN THI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm