Bộ sưu tập gốm đồ sộ của lão nông làng Phước Tích

Căn nhà ông Diễn (70 tuổi, ở làng Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) nằm sâu trong làng, xung quanh rợp bóng tán cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Làng quê mang vẻ đẹp hiền hòa, bình yên, mộc mạc, đậm chất của miền quê Việt Nam với những ngôi nhà cổ và nghề làm gốm có bề dày hơn 500 năm tuổi, từng sản xuất ra nhiều vật phẩm tinh xảo tiến vua.

Bộ sưu tập ngàn sản phẩm gốm quý

Bên trong căn nhà rường cổ với thiết kế theo kiểu kiến trúc ba gian hai chái, những kỷ vật bằng gốm như trách, chậu, om, niêu, ấm, cối tiêu, chum… được trưng bày ngay ngắn trên các kệ gỗ. Vừa gặp chúng tôi, ông Diễn vội giới thiệu: “Căn nhà này là của ông nội tôi để lại, có tuổi đời hơn 150 năm, hiện dùng để trưng bày các sản phẩm bằng đồ gốm của gia đình tự sản xuất với đầy đủ 63 mẫu mã của gốm làng Phước Tích”.

Ông Diễn giới thiệu về các sản phẩm của làng gốm Phước Tích. Ảnh: Nguyễn Do

Ông Diễn giới thiệu về các sản phẩm của làng gốm Phước Tích. Ảnh: NGUYỄN DO

Dù đang ở tuổi 70 nhưng ông vẫn nhớ và đọc vanh vách tên cả ngàn sản phẩm gốm được đặt san sát nhau. Theo ông Diễn, trong những sản phẩm này có một vài cái được tạo ra từ thời ông nội của ông. Vì quý trọng những sản phẩm của ông cha nên vào giai đoạn chiến tranh, những sản phẩm này được gia đình chôn xuống đất để tránh bị hư hỏng và như thế sản phẩm được gìn giữ cho đến ngày hôm nay. Mọi người trong nhà xem chúng như của hồi môn mà cha ông để lại, mặc dù đã có nhiều người hỏi mua nhưng ông không đồng ý bán.

Dẫn chúng tôi đến một kệ được bao cẩn thận bởi lớp kính xung quanh, ông Diễn giới thiệu đây là bộ “om ngự”, là sản phẩm được làng cổ Phước Tích làm để dâng lên nhà vua Nguyễn. Những sản phẩm tiến vua đều phải được sản xuất theo một “dây chuyền” riêng biệt.

Bộ om ngự, sản phẩm làng cổ Phước Tích để dâng lên vua nhà Nguyễn. Ảnh: NGUYỄN DO

“Mỗi sản phẩm để sản xuất tiến vua được làm rất cẩn thận và công phu. Như nồi om tiến vua được sản xuất riêng, đất nung được tìm chọn kỹ càng và công đoạn sản xuất cũng vậy. Những sản phẩm tiến vua đều được nung riêng, nếu nung bị lỗi đập bỏ chứ gia đình không được sử dụng để bán hay tận dụng trong sinh hoạt vì điều đó bị coi là phạm thượng” - ông Diễn kể lại.

Cuộc trò chuyện đang rôm rả bỗng xuất hiện một đoàn du khách đến tham quan. Như một thói quen, ông Diễn bật dậy chào hỏi và giới thiệu nhà trưng bày như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Ông đọc tên các sản phẩm và những tác dụng của nó trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Những lúc thế này chắc có lẽ không ai biết ông đang ở tuổi 70.

“Tôi được nói cho du khách biết đến làng nghề, về sản phẩm và quy trình sản xuất ra các loại gốm của ông cha mình thì còn gì sung sướng bằng. Thậm chí, nhiều du khách muốn tìm hiểu thì tôi sẵn lòng bắt tay chỉ việc” - ông Diễn vui vẻ chia sẻ.

Trong căn nhà gỗ nhỏ chỉ 70 m2 được ông Diễn trang trí hàng ngàn sản phẩm đồ gốm với đầy đủ các kiểu mẫu truyền thống của làng. Những câu chuyện về nghề gốm từ cách làm đất, tạo hình hay nung gốm được ông kể lại một cách dễ hiểu khiến chúng tôi hình dung như có thể bắt tay vào làm ngay được.

Khi được hỏi thêm về những căn nhà còn làm gốm cổ Phước Tích ở trong làng, giọng ông Diễn bỗng trầm hẳn. Ông nói: “Làng Phước Tích xưa kia người người, nhà nhà đều sản xuất gốm để cung cấp cho châu Ô, châu Lý. Đó là một thời hào hùng nhất. Nhưng đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm với nhiều lần phát triển cao điểm rồi “tắt lửa”, cho đến hôm nay còn mỗi tôi là người cuối cùng tiếp tục sản xuất nghề gốm cổ truyền của làng”.

Người cuối cùng thắp lửa lò nung

Vừa sắp xếp lại các sản phẩm cho du khách chiêm ngưỡng, ông Diễn vừa nói: “Nghề gốm trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử, có nhiều lần cả làng không còn được nghe mùi khói nhóm lò nữa. Những lúc như thế ai nấy đều xót xa, thương tiếc cho nghề gốm, nghề đã nuôi lớn những con người nơi đây”.

Ông Diễn bén duyên với nghề gốm từ những năm 15 tuổi. Ông kể: “Lúc đầu, vì tuổi còn nhỏ nên việc nung gốm chủ yếu là phụ giúp ông nội, từ từ như vậy nó trở thành thói quen và tôi có niềm đam mê đặc biệt với nghề gốm”. Chính bởi niềm đam mê đã đưa ông Diễn trở thành một trong bốn người có tài nung gốm giỏi nhất trong vùng. Và ông cũng không ngờ rằng mình sẽ là người chứng kiến những nốt trầm bổng nghề gốm của làng.

Từ khi hình thành, do chiến tranh loạn lạc nên làng gốm bị gián đoạn nhiều lần. Đến sau năm 1975, gốm Phước Tích bắt đầu đỏ lửa trở lại sau thời gian dài ngừng hoạt động. Đến năm 1986 thì gốm Phước Tích lại đóng cửa. Sau đó, nghề gốm hoạt động trở lại đến khoảng năm 1989 thì bắt đầu xuống dốc. Năm 1995, lò gốm cuối cùng trong làng cũng tắt lửa.

Trước nhu cầu của thị trường, ông Diễn bắt đầu tạo ra nhiều sản phẩm dùng để trang trí để du khách có thể sử dụng làm quà tặng. Ảnh: NGUYỄN DO

Trước nhu cầu của thị trường, ông Diễn bắt đầu tạo ra nhiều sản phẩm dùng để trang trí để du khách có thể sử dụng làm quà tặng. Ảnh: NGUYỄN DO

“Sản phẩm làng gốm Phước Tích chủ yếu sản xuất ra các vật dụng phục vụ trong đời sống hằng ngày của người dân. Nhưng thời điểm này có rất nhiều vật dụng ngoại nhập được thay thế nên người dân ít ai còn quan tâm và sử dụng gốm nữa” - ông Diễn nói.

Từ khi tắt lửa làng nghề, không chỉ ông mà cả làng ai nấy đều không đành lòng cho số phận nghề gốm làng Phước Tích. Điều may mắn đến vào năm 2006, người dân vui mừng vì lò gốm đỏ lửa trở lại và là lần đầu tiên tham gia Festival Huế. Từ đó đến nay, mỗi kỳ Festival nghề truyền thống Huế, nghề gốm Phước Tích đều tham gia giới thiệu sản phẩm đến du khách gần xa.

Nhưng theo ông Diễn, để phát triển trở lại nghề gốm Phước Tích thì rất khó khăn vì làng nghề thiếu những người thợ đam mê cũng như thị trường ngành gốm vốn rất khắc nhiệt. Bởi thế, trong ngôi làng vốn nhà nhà, người người làm gốm nay còn mỗi gia đình ông Diễn tiếp tục thắp lửa nung gốm theo cách truyền thống của cha ông. Tuy nhiên, không còn sản xuất để bày bán thịnh hành như ngày xưa, nay ông chủ yếu làm những sản phẩm thu nhỏ với nhu cầu trang trí nhằm bán cho du khách mỗi khi đến tham quan.

Trong những năm qua, ngoài sản xuất, trưng bày gốm, ông Diễn còn nhận dạy nghề và truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên trong làng nhằm cứu nghề gốm vốn nức tiếng trong vùng đang bị mai một theo thời gian. Học trò của ông Diễn hiện đã thông thạo với nghề gốm để tiếp tục kế nghiệp, đưa hình ảnh gốm làng Phước Tích đến với người dân và du khách gần xa.

“Mỗi lần nhóm lò nung hay làm các sản phẩm gốm, tôi đều chỉ bảo cho con cho cháu về công thức và cách làm. Rất vui là đứa nào cũng muốn tìm hiểu và tiếp thu rất nhanh. Tôi cũng luôn mong mỏi làm thế nào để khôi phục phát triển trở lại nghề gốm truyền thống của làng” - ông Diễn ước ao.

Ông Trần Văn Nguyện, Chủ tịch UBND xã Phong Hòa (huyện Phong Điền), cho biết nhà trưng bày đồ gốm của ông Diễn đáng được tuyên dương và đã trở thành một địa điểm tham quan lý tưởng cho du khách khi về làng Phước Tích.

 

Nghề gốm làng Phước Tích đã có bề dày hơn 500 năm tuổi. Thời hoàng kim của nghề gắn chặt với thời điểm vua Gia Long mới lên ngôi vào năm 1802. Khi ấy trong làng có đến 12 cái lò sấp, lò ngửa chẳng bao giờ tắt lửa. Những sản phẩm trên được chở bán từ Nghệ An vào đến Nam bộ. Các sản phẩm gốm không tráng men như lọ hoa... cũng đã được bán sang Nhật Bản và được sử dụng trân trọng trong các buổi tiệc trà của Nhật.

Bộ sưu tập đồ gốm làng Phước Tích do ông Lê Trọng Diễn tự sưu tập và lập nên, các sản phẩm chủ yếu do gia đình tự sản xuất với đầy đủ 63 mẫu của làng gốm Phước Tích. Vì công dụng của gốm làng Phước Tích là sản xuất những vật dụng cho sinh hoạt hằng ngày nên nhiều loại không lưu giữ được đã được ông Diễn tái tạo lại để giới thiệu đến du khách. Ngày nay, đây là nơi lưu giữ khá đầy đủ các sản phẩm gốm Phước Tích, là địa chỉ tham quan của du khách mỗi khi đến làng Phước Tích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm