Bộ LĐ-TB&XH chấn chỉnh tình trạng loạn phí sang Nhật làm việc

Sáng 28-10, Bộ LĐ-TB&XH chủ trì buổi làm việc với khoảng 185 DN trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) của Việt Nam đủ điều kiện tham gia chương trình hợp tác, đưa thực tập sinh sang Nhật Bản nhằm chấn chỉnh hoạt động này.

Qua trung gian không kiểm soát việc thu tiền

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết tại cuộc làm việc này, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng dự thảo và biện pháp chấn chỉnh hoạt động đưa thực tập sinh sang Nhật làm việc, lấy ý kiến góp ý của các DN XKLĐ  để phát triển thị trường ổn định bền vững.

Sau cuộc làm việc này Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) sẽ cập nhật thông tin chi tiết về chi phí, thời gian làm việc, hợp đồng làm việc, tiến độ thực hiện các giai đoạn để đưa thực tập sinh sang Nhật để đưa lên website của Bộ LĐ-TB&XH và cục.

Bộ LĐ-TB&XH chấn chỉnh tình trạng loạn phí sang Nhật làm việc ảnh 1
 Không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phát triển Việt Nhật Vinh Ron vẫn ngang nhiên thu từ 1.500-3.500 USD của cả trăm người. Ảnh: P.ĐIỀN

Bộ LĐ-TB&XH đánh giá Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm, đang tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam. Những năm gần đây, các cơ quan chức năng hai nước thúc đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác, số lượng thực tập sinh sang Nhật Bản tăng mạnh, dự kiến năm 2015 sẽ đưa sang Nhật Bản 23.000 người lao động. Phần lớn các DN đã tuyển chọn lao động có chất lượng tốt, đầu tư đào tạo bài bản, được cơ quan chức năng và các DN tiếp nhận lao động tại Nhật đánh giá cao.

Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện một số hiện tượng gây ảnh hưởng xấu đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Cụ thể nhiều thực tập sinh Việt Nam phải chịu mức phí cao so với quy định; người lao động phải chịu các khoản chi phí chuẩn bị nhưng không đi được; nhiều thực tập sinh vi phạm pháp luật tại Nhật Bản, tỉ lệ thực tập sinh bỏ hợp đồng… nhiều hơn so với các năm trước.

Nguyên nhân được xác định là một số DN không có đội ngũ cán bộ đủ trình độ, không nắm vững quy định pháp luật VN và nước bạn. Cộng thêm DN không đầu tư hoặc đầu tư không đầy đủ cơ sở vật chất cho công tác đào tạo lao động trước khi đi theo yêu cầu thị trường. Chất lượng thực tập sinh một số DN kém.

Đáng lưu ý, một số DN tuyển chọn thực tập sinh thông qua trung gian, không kiểm soát được chất lượng lao động và không quản lý khâu thu tiền của người lao động. Cá biệt, một số doanh nghiệp lập chi nhánh nhưng lại không quản lý các cơ sở này.

Ngoài ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN XKLĐ đưa thực tập sinh sang Nhật, giảm các quyền lợi của DN và của người lao động để có hợp đồng. Thậm chí có thông tin DN cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài lợi dụng pháp nhân để đưa thực tập sinh sang Nhật.

Phí dịch vụ không quá 3.600 USD

Để khắc phục những vướng mắc trên, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các DN XKLĐ đáp ứng các yêu cầu: Không bị xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực XKLĐ trong vòng một năm; không có vụ việc phát sinh liên quan đến người lao động mà không giải quyết dứt điểm, để khiếu kiện kéo dài gây ảnh hưởng dư luận.

Đồng thời bộ máy và cơ sở vật chất cần đáp ứng các tiêu chí: Có cán bộ chuyên trách thị trường Nhật Bản, cán bộ chuyên trách bồi dưỡng kiến thức cần thiết và giáo viên dạy tiếng Nhật…

DN chỉ được thu các khoản phí: Phí dịch vụ không quá 3.600 USD/người/hợp đồng ba năm và không quá 1.200 USD/người/hợp đồng một năm. DN được thu từ người lao động không quá 5.900.000 đồng/khóa tiếng Nhật với thời lượng 520 tiết/khóa học; không được thu tiền môi giới, chỉ được thu phí dịch vụ sau khi thực tập sinh đã được phía Nhật Bản cấp tư cách lưu trú và DN đã ký hợp đồng đưa thực tập sinh sang thực tập tại Nhật.

Bộ LĐ-TB&XH chấn chỉnh tình trạng loạn phí sang Nhật làm việc ảnh 2

Về hợp đồng, các tổ chức phía Nhật Bản tiếp nhận dưới 200 thực tập sinh Việt Nam/năm chỉ được ký hợp đồng tối đa với ba DN Việt Nam. Điều kiện đi kèm có thời gian làm việc không quá 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần.

Mức trợ cấp đào tạo và thực tập kỹ thuật: Trong thời gian đào tạo (tối đa hai tháng) tại Nhật, mức trợ cấp đào tạo tối thiểu là 30.000 yen/tháng. Đối với trường hợp không cung cấp miễn phí các bữa ăn là 50.000 yen/tháng.

Điều kiện nhà ở: cơ quan tiếp nhận thực tập sinh bố trí nhà ở kèm theo trang thiết bị phục vụ sinh hoạt bảo đảm các điều kiện vệ sinh, an toàn. Mức khấu trừ chi phí nhà ở từ tiền lương tháng của thực tập sinh không quá 25.000 yen/tháng.

Chi phí đi lại: Vé máy bay khứ hồi cho thực tập sinh tới Nhật Bản và trở về Việt Nam sau khi hoàn thành hợp đồng do phía đối tác Nhật chi trả.

Phí quản lý: Nghiệp đoàn tiếp nhận chi trả cho các DN chi phí quản lý phái cử với mức tối thiểu 5.000 yen/người/tháng theo hình thức chuyển khoản.

Chi phí và thời gian đào tạo tại Việt Nam: Nghiệp đoàn tiếp nhận chi trả vào tài khoản của DN phái cử chi phí đào tạo tại Việt Nam với mức tối thiểu tương đương 100 USD/người cho thời gian đào tạo tiếng Nhật 160 tiết và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi xuất cảnh.

 

 90 ngày không chấn chỉnh sẽ không được đưa thực tập sinh sang Nhật

Về tuyển chọn lao động và thu phí: Ngoài trụ sở chính, DN chỉ được giao nhiệm vụ cho không quá ba cơ sở (chi nhánh, trung tâm) có trụ sở không trên cùng một địa phương mà DN có trụ sở chính. DN chỉ được tuyển chọn và đào tạo thực tập sinh sau khi đã ký thực hiện hợp đồng và được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận cho phép thực hiện.

Đối với các DN có tỉ lệ thực tập sinh tại Nhật Bản bỏ hợp đồng cao hơn 8% sẽ bị tạm đình chỉ trong 90 ngày để thực hiện các biện pháp chấn chỉnh. Nếu tình trạng không cải thiện, DN sẽ không được tiếp tục hoạt động này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm