Bố, chiếc xe đạp, vết sẹo và khoảng trời thơ ấu

Tôi không nhớ mình bắt đầu biết đi xe đạp từ lúc nào nữa. Nhưng tôi nhớ là để có thể điều khiến nó một cách ngon lành như hiện tại, tôi đã phải mất một khoảng thời gian tập đi khá dài.
Tôi là cháu nội đầu tiên nên cũng khá được chiều. Hồi bé lại sinh thiếu tận gần 2 tháng, nên từ hồi mẫu giáo đến lớp 1 tôi đã thường xuyên được bố mẹ đưa đón. Nhà tôi ngày đó mới có 2 chị em. Em thứ hai thì béo mũm mĩm, nên có dạo tôi từng nghĩ tôi mà đèo nó đi học chắc xe sẽ bị chổng mông lên trời mất. Giống như ngồi bấp bênh, một đứa béo phì với một đứa gầy thì chắc chắn đứa gầy sẽ được tung lên trời. Vòng vo một chút để nói là thực ra việc biết đi xe đạp hay không với tôi cũng không quan trọng lắm và bố mẹ tôi cũng không bắt buộc.

  Họ giống y hệt bố và tôi ngày xưa. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.

Rồi lên lớp 2, một vài đứa bạn bắt đầu đạp xe đi học, tôi cũng về rủ rỉ xin bố tập xe với suy nghĩ “mình lớn rồi, cứ ngồi sau xe bố trông thật trẻ con”.

Vì tôi bé, nên phải tập từ những việc nhỏ nhất: tập dắt xe cho vững, sau đó mới được ngồi lên xe. Để đảm bảo cho con gái rượu (con gái bé bằng chai rượu của bố), mỗi lần tập đi phải có bố ở nhà trông coi để không bị ngã.
Ngày ấy, cứ chiều tối đi chăn bò về, tôi lại xách mông ngồi ở cổng đợi bố. Bố đi cày bừa ngoài ruộng, hôm nào rảnh lại đi câu cá nên có những ngày tối mịt mới về. Bố về, bố xách xe đạp ra sân, hoặc con đường nhỏ trước nhà, ngồi phía sau yên xe và chống chân xuống. con gái chỉ việc cong mông đạp cho xe lăn bánh. Cái khoảng sân bé tẹo với tôi là cả một khoảng trời thơ ấu.
Có bố chống chân, tôi yên tâm đạp. Lúc đó tôi đạp xe khá ngon lành nhưng không hiểu sao, cứ mỗi lần bố bỏ chân ra là tôi lại run như cầy sấy, quên luôn cả đạp. Vì sợ tôi ngã nên mỗi khi thấy tôi có dấu hiệu “cạp đất”, bố lại chống chân xuống ngay. Người ta tập một tuần là biết đi xe, đằng này tôi tập mãi mà vẫn không đi được, tôi bắt đầu chán.
Nghỉ hè, bố lại dạy tôi tập xe tiếp. Lần này bố lấy cái dây thừng vắt qua xà nhà để treo cái xe lên. Tôi hí hửng lắm vì nhìn oai oai, có thể tập xe mà không cần nhờ bố nữa, lại không sợ bị ngã. Lần đó tôi hào hứng lắm, cứ rảnh là leo lên xe tập. Nhưng không hiểu sao lúc đưa xe xuống và dắt ra đường, không có bố, không có cái dây thừng tôi cảm thấy chênh chao, đi được một đoạn rồi chiếc xe chao đảo… Tôi lại thất bại. Nhưng tất nhiên là không bị ngã, bố vẫn đảm bảo cho tôi an toàn.
Rồi lớn lên chút nữa, tất cả bọn bạn đều đi học bằng xe đạp, tôi lại quyết tâm tập. Đứa bạn cùng xóm tôi mách nhỏ “cứ ngã vài lần là biết đi ngay”. Nó vén quần chỉ cho tôi cái sẹo to lù lù trên đầu gối, nhìn rất kinh dị.
Vậy là lần đó tôi nghe lời nó, chưa đợi bố mẹ về, tôi đưa cái xe đạp lên dốc cao bắt đầu lao xuống, chân đạp tíu tít dù đang xuống dốc và… bóp phanh. Lần đầu ổn. Lần thứ 2 tạm được, cứ lặp đi lặp lại như thế. Lần thứ n… vì quá vui tôi lao thẳng vào cái cột mốc bên đường méo hết cả giỏ xe, tay chân xước xát, trên đầu gối bị một vết xước sâu dài. Bù lại, mấy ngày sau tôi tự đạp xe đi học được.
Hầu như những dấu sẹo nhỏ nhỏ thì đều biến mất chỉ có vết sẹo trên đầu gối vẫn hằn rõ, dấu vết tập xe đạp ngày xưa.
Thỉnh thoảng, tôi lại đưa vết sẹo ra ngắm. Tôi không nghĩ một cô gái nào lại có thể thích vết sẹo trên người mình, nhưng tôi chấp nhận và yêu thương nó giống như một phần của cuộc sống. Hình như cứ có người thân bên cạnh, người ta thường trở nên bé nhỏ, muốn dựa dẫm. Dựa nhiều sẽ thành quen đến lúc chẳng muốn tự bước đi nữa.
Thi thoảng, tôi cần một ai đó chìa vết sẹo của mình ra cho tôi xem rồi cười nguy hiểm: "Ngã vài lần sẽ quen thôi". Nhưng nếu không có họ, tôi sẽ tự kéo vết sẹo trên đầu gối mình ra rồi thủ thỉ: “Lớn rồi cô gái ạ! Tự bước đi thôi!”

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm