Bia ôm có từ bao giờ?

Đó là loại bia ngày hôm nay chúng ta gọi là bia ôm thì ngày xưa cũng gọi là… bia ôm. Đừng tưởng hai chữ bia ôm chỉ có trong thời đại chúng ta đang sống mà lầm chết.

Từ cuối năm 1973, Tòa Đô Chánh Sài Gòn có cấp giấy phép mở nhiều quán ăn đủ loại sau khi được chủ nhân cam kết hành nghề đúng theo giấy phép, không biến cải thành quán giải khát và không thu dụng chiêu đãi viên. Tuy nhiên, sau khi mở quán đúng theo giấy phép chừng vài hôm, có khi chỉ vài giờ thì chủ quán biến thành quán nhậu thắp đèn mờ, có chiêu đãi viên lả lơi lôi kéo khách khiến cho dư luận mỉa mai là “quán bia ôm”.

Ai phản đối tệ nạn này nhiều nhất? Cũng giống hôm nay thôi, chính là các bà vợ. Hãy đọc một đoạn tâm sự trong một bài báo đăng vào tháng 3-1974 trên báo Đại Dân Tộc: “Dù thời buổi đang khó khăn, đồng tiền kiếm ra thật vất vả nhưng một số chư vị đàn ông vẫn phải là khách biên đình, chiều chiều ghé lại một quán “la ve ôm” mua tiếng cười của nàng kỹ nữ. Việc đó thường đưa đến bao nhiêu lục đục cho các gia đình. Đức ông chồng lờ mờ sáng đã ra đi, cho mãi đến khuya lơ mới về và người đầy mùi rượu say túy lúy càn khôn. Đối với gia đình, hình bóng người đàn ông ngày càng mờ nhạt. Trừ ngày đầu tháng ông ta trở về với một cái bao thư xẹp lép đưa cho bà xã”.

Dư luận lên án. Thế là Tòa Đô Chánh vào cuộc với hăm dọa “… kêu gọi quý vị chủ nhơn hãy gấp rút chấn chỉnh lại nghề nghiệp của giới mình, chấm dứt việc khai thác các tệ đoan xã hội hầu giải tỏa cho Sài Gòn nếp sống xa hoa, thác loạn. Và kể từ nay (15-1-1974) các quán ăn phải bán theo ngành đã ghi trong giấy phép, phải thắp đèn trắng và sáng, không được để đèn màu và không được thâu dụng nữ chiêu đãi viên. Nếu không chấp hành, cơ quan hữu trách sẽ xử phạt nặng nề như thu hồi giấy phép hành nghề, đóng cửa vĩnh viễn và có thể bị truy tố ra tòa”.

Thế là giữa chủ nhơn quán bia ôm và cơ quan công lực có một cuộc “chiến đấu được tuyên bố”. Khổ thân nhất là những… cô gái bán bia ôm qua bản tin thuộc loại “xe cán chó-chó cán xe” sau đây: “La ve ôm bị đại bố. Khoảng 10 giờ đêm 4-3, Cảnh sát quận 10 mở cuộc hành quân bố ráp các cô gái bán bar lậu tại khu đường Lý Thái Tổ. Lối chục chiếc xe cây cùng với đám đông cảnh sát bao vây cả ngõ hẻm. Bị động ổ bất ngờ, hàng chục cô gái bán bar ở trong ngõ hẻm nói trên phóng chạy như đàn ong vỡ ổ. Các cô phá chạy lung tung, luồn sang các mái nhà, chuyển từ lầu nhà này sang lầu nhà nọ, phá vỡ mạng lưới vây chặt của các nhân viên cảnh sát. Tuy nhiên, sau cuộc bố ráp có khoảng 20 cô bị bắt lùa lên xe cây chở về bót”.

Báo Trắng Đen đã chỉ trích thái độ bắt bớ của Tòa Đô Chánh bằng cách viện dẫn thân phận của những cô gái bán la ve ôm: “Những cô gái ấy hầu hết là vợ lính, quả phụ hay vợ cảnh sát, vì hoàn cảnh gia đình, vì đồng tiền khó kiếm đành phải làm nghề bán quán, ngồi bên cạnh những người mà mình không yêu, không thương, phải lả lơi, kề vai sát cánh với khách uống la ve, uống rượu, hầu kiếm chút tiền về nuôi gia đình. Kinh tế càng khó khăn, gái la ve ôm càng đông, quán rượu mở ra càng nhiều nhưng những cô gái này làm ăn không suôn sẻ như người ta tưởng…”.

Những tưởng những quán bia ôm chỉ còn là hình ảnh của một quá khứ không đẹp nhưng bây giờ các quán bia ôm còn hoạt động một cách phát đạt hơn với đủ mọi hình thức, chiêu trò mới lạ du nhập theo kiểu Hong Kong, Ma Cao hay tự sáng chế càng hấp dẫn với mày râu, có tiền thì càng tốt. Các nàng bia ôm ngày nay, dưới sự chỉ huy của các chủ nhân, má mì, sẽ có những màn mà mấy cô gái bia ôm ngày xưa chạy theo không kịp như tắm bia, biểu diễn sexy, múa lửa đủ mọi kiểu. Và bây giờ uống bia gác tay kiểu này (gọi là tăng hai) không chừa các vị nào, từ cán bộ, đại gia kinh tế đến những vị mô phạm. “Ngoài quán ai cũng như thần, vào quán ai cũng tần mần vú em”. Ai không biết uống bia ôm thì bị những người dạng kể trên chê là người tiền sử. Thời thế đổi thay rồi, cái gì cũng “tấn bộ” hết kể cả la ve ôm. Cảm khái làm sao trong một buổi chiều không bia bọt! (tất nhiên là không ôm rồi).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm