Bí thư Nguyễn Thiện Nhân góp ý sâu về Luật Giáo dục đại học

Mở đầu, ông Nguyễn Thiện Nhân cám ơn Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã cho ông, "một thầy giáo già, quá tuổi hưu", được phát biểu. Ông Nhân thể hiện sự đồng tình với rất nhiều nội dung trong sửa đổi lần này, tạo tiền đề tốt để có một nền giáo dục hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu của đất nước và nhân dân. Tuy nhiên, ông cho rằng có một số nội dung cần viết rõ hơn, bởi sẽ liên quan trong quá trình vận hành sau này.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.

Theo Bí thư Nhân, Điều 7 xác định cơ sở giáo dục đại học công lập do nhà nước đầu tư, đảm bảo điều kiện hoạt động. “Tôi thấy nên viết rõ cơ sở giáo dục đại học công lập do Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư, đảm bảo hiệu quả lao động” - ông Nhân nói và cho rằng chữ "chủ sở hữu" rất quan trọng vì chủ sở hữu là người đề xuất và được chấp nhận lập đại học, là người đầu tư cho đại học phát triển nhưng phải là người có quyền quyết định nhân sự.

“Chủ sở hữu mà không quyết định nhân sự thì nhân sự đó sẽ vận hành đại học theo hướng khác nên theo tôi nên có khái niệm "chủ sở hữu"" - ông Nhân nhấn mạnh.

Tương tự, đại học tư thục do cá nhân, tổ chức trong hoặc ngoài nước là chủ sở hữu đầu tư và đảm bảo điều kiện.

Ông Nhân cho rằng trong văn bản có đề cập đến yếu tố chủ sở hữu nhưng không có định nghĩa nên đề nghị lưu tâm vấn đề này. Theo ông, chủ sở hữu là người có bốn quyền, bao gồm quyền thành lập, quyền đầu tư, quyền quyết định nhân sự và quyền xử lý, chế tài đơn vị này khi vi phạm pháp luật.

“Nếu không làm rõ điều này thì đại học như không có chủ, rất nguy hiểm. Không thể có đại học vô chủ, đại học phải có chủ và người chủ phải làm đúng quyền của mình” - ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Một vấn đề quan trọng khác là quy định về hội đồng trường đại học công lập. Dự thảo nêu rõ hội đồng trường đại học công lập là tổ chức đại diện cho quyền chủ sở hữu nhà nước. “Rất chính xác. Nhưng bây giờ chủ sở hữu nhà nước là ai, trong này chưa xác định. Phải xác định ai là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước để quản lý, giám sát các trường, trong này chưa định nghĩa. Chúng tôi đề nghị có bổ sung” - ông Nhân đề xuất.

Ông Nhân cũng cho rằng chủ sở hữu phải có một số quyền liên quan đến hội đồng trường. Ví dụ, hội đồng trường họp sẽ bầu ra chủ tịch hội đồng trường, các thành viên nhưng tất cả người này về nguyên tắc phải đảm bảo yêu cầu của chủ sở hữu. Dự thảo quy định sau khi hội đồng trường trình xong rồi mới gửi cho bộ hoặc UBND để duyệt là quy trình hơi ngược.

“Tôi nghĩ phải ngược lại” - ông Nhân nói. Theo ông, trường đề xuất một danh sách dài, mỗi vị trí có thể hai, ba người nhưng người được phân công phải được chủ sở hữu đồng ý về nguyên tắc. Hội đồng trường phải bầu trong những người mà chủ sở hữu thấy đảm bảo quyền đại diện cho mình.

“Hội đồng trường tuy có thể là người ngoài nhà nước nhưng phải đại diện chủ sở hữu trong nhà nước. Quy trình và danh sách dự kiến hội đồng trường phải được chủ sở hữu duyệt trước. Sau đó hội đồng trường sẽ bầu, bầu xong, chủ sở hữu ra quyết định công nhận thủ tục. Chúng tôi đề nghị xác định những thẩm quyền của chủ sở hữu” - Bí thư TP.HCM nhấn mạnh.

Một nội dung khác ông Nhân góp ý liên quan tới quy định về chủ tịch hội đồng trường. Dự thảo quy định chủ tịch hội đồng trường do hội đồng trường bầu trong số thành viên theo nguyên tắc đa số. Cho rằng quy định này cũng hơi ngược, ông Nhân đề nghị chủ tịch hội đồng trường có thể dự kiến hai, ba người nhưng những người này phải được chủ sở hữu đồng ý.

“Hội đồng trường bầu trong số này, chứ không phải hội đồng trường bầu xong đưa chủ sở hữu công nhận, chủ sở hữu bảo tôi thấy người này không xứng đáng. Vừa rồi xảy ra trường hợp rất đáng tiếc, một giáo sư người Việt sống ở nước ngoài, ông làm hiệu phó xong trường bầu hiệu trưởng. Bầu xong sang cơ quan quản lý bị bác bỏ. Đấy chính là quy trình ngược” - ông Nhân nói.

“Lẽ ra danh sách ứng cử viên đó phải được chủ sở hữu đồng ý, còn trường có bầu hay không là chuyện của trường. Chúng tôi xin đề nghị lưu ý, chủ sở hữu phải làm đúng quyền của mình” - vẫn lời ông Nhân.

Về tự chủ, dự thảo quy định: Cơ sở giáo dục thực hiện quyền tự chủ, chịu trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật. Ông Nhân cho rằng quy định này rất đúng nhưng chưa đủ, cần quy định rõ trách nhiệm giải trình trước ai, như vậy mới có cơ chế xem xét từ trong ra ngoài. Cụ thể là chịu trách nhiệm giải trình trước chủ sở hữu, trước người học, trước xã hội và các cơ quan, tổ chức liên quan...

“Tôi là người cũ, nếu nói có gì không hợp lý cũng xin thông cảm” - ông Nhân nói trước khi kết thúc ý kiến phát biểu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm