Bi kịch của những cô gái lấy chồng ngoại

Mỗi năm, tại các tỉnh, thành ĐBSCL có đến cả ngàn phụ nữ kết hôn với người nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc).

Nhiều cô gái mong muốn đổi đời, thoát khỏi cảnh nghèo khó chấp nhận may rủi với số phận lấy chồng ngoại qua môi giới. Tuy nhiên, ước mơ đó dường như xa vời với một bộ phận khi bị chồng và gia đình chồng đối xử tệ bạc. Nhiều trường hợp bị lạm dụng thể xác, tình dục gây tổn thương nặng nề về tâm lý, dẫn đến điên dại.

Tủi nhục đến hóa điên

Nhà đông anh em, lại nghèo khó nên thông qua mai mối, chị Nguyễn Thị Thúy L. (24 tuổi, ngụ huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) quen và lấy một người chồng Đài Loan. Sau đó, chị L. vượt biên từ cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) sang Trung Quốc, rồi đi tàu sang Đài Loan. Từ đây, những chuỗi ngày đau khổ với chị L. mới bắt đầu.

Suốt 1 năm trời, chị L. phải vừa đi làm việc ở một xưởng may, về còn hầu hạ gia đình chồng. Kể lại chuyện này L. khóc nức nở: “Tiền tôi làm ra đều bị gia đình chồng giữ hết. Từ sáng đến khuya phải hầu hạ chồng rồi cha mẹ chồng. Nếu tôi không làm sẽ bị bỏ đói".

bi kịch, lấy chồng, Đài Loan, Hàn Quốc,

Một vụ môi giới lấy chồng Trung Quốc trái phép bị lực lượng Công an phát hiện, ngăn chặn.

Tàn nhẫn hơn là sau khi chị L. sinh con trai được 15 ngày, thân thể còn đau đớn mà chị còn phải phục vụ người chồng liên tục đòi quan hệ, tra tấn thể xác lúc nửa đêm.

Tủi nhục dồn nén, chị L. bị khủng hoảng tinh thần và thường xuyên đau đầu. Đến tháng 5/2014, gia đình chồng đưa chị L. đến biên giới để chị tự tìm đường về Việt Nam, còn đứa con thì bị họ giữ lại. Từ khi về quê, chị L. khóc liên tục và phải vào bệnh viện tâm thần điều trị.

Theo bác sĩ Ngô Thị Tuyết Mai, Bệnh viện tâm thần TP Cần Thơ, thời điểm sau khi sinh phụ nữ thường hay bị áp lực về tâm lý. Thời gian qua, bệnh nhân đến điều trị chủ yếu là những trường hợp vừa sinh con xong ở nước ngoài bị bệnh, cũng có trường hợp bị ngược đãi trong hôn nhân.

Chị Phạm Thị Kim P. (27 tuổi, ngụ huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang), lấy chồng Hàn Quốc và sang xứ người được 7 năm. Sống với chồng chị đã sinh được 1 đứa con gái, 1 con trai kháu khỉnh dễ thương.

Tuy nhiên, do không biết nấu món ăn Hàn nên nhiều lúc chị bị chồng đánh đập, hất tung mâm cơm trên bàn ăn.

Sống trong khoảng thời gian dài, lại bị đánh đập nên chị P. sinh ra quẫn trí. Gia đình chồng gửi chị P. vào bệnh viện tâm thần điều trị. Một thời gian, họ trả chị P. về Việt Nam. Sau đó, chị P. được đưa đi điều trị bệnh tâm thần với hy vọng khi khỏi bệnh chị sẽ sang lại Hàn Quốc đoàn tụ cùng gia đình.

“Gia đình tôi vừa nhận được điện thoại bên gia đình chồng con P., họ bảo sẽ không nhận nó là con dâu và cũng không cho 2 đứa con của P. về Việt Nam. Chúng tôi không dám nói sự thật cho P. biết vì sợ bệnh nó tái phát”, bà Trần Thị T. (mẹ ruột P.) tủi thân nói.

Bị phân biệt vì không sinh được con trai

Trường hợp của chị Lê Thị N. (30 tuổi, ngụ TX Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) còn thương hơn.

Gia đình làm vườn bị thất mùa rồi lâm vào cảnh trắng tay. Cuối năm 2004, chị N. gặp một người môi giới hôn nhân và hứa cho N. 20 triệu đồng trả nợ nếu N. chịu lấy một người chồng Đài Loan là một kỹ sư xây dựng giàu có.

Khi về nhà chồng được 1 tháng thì chị N. có thai. Nhưng chị N. sinh ra một bé gái khiến chồng không vui. 3 tháng sau, chồng N. có vợ bé và cô vợ bé này sinh ra một đứa con trai.

Sự phân biệt đối xử của chồng làm chị N. ngày càng stress nặng. Sau đó, họ không đưa chị vào bệnh viện điều trị mà cho chị N. uống một thứ thuốc gì đó khiến chị ngày càng bệnh nặng hơn. Đến cuối năm 2014, phía gia đình chồng đưa N. cùng đứa con gái của chị về Việt Nam.

Khi về với vòng tay gia đình, nỗi ám ảnh về người chồng tàn nhẫn vẫn luôn đeo bám N. Mỗi khi lên cơn, chị N. la hét chửi bới bằng tiếng nước ngoài, đập phá hết đồ đạc trong nhà.

Thậm chí có lần N. còn bỏ thuốc chuột đầu độc chính cha mẹ ruột của mình. Gia đình N. đành phải đưa N. vào trại tâm thần cho nhà nước nuôi dưỡng.

Đáng thương là đứa con gái của chị N., mẹ thì đang bệnh tâm thần mà người cha thì ở xa. Giấy khai sinh không có, đứa bé không được đến trường đến lớp cùng bạn bè đồng trang lứa mà phải đi bán vé số dạo phụ giúp ông bà.

Còn chị Lê Thị Tr. (33 tuổi, ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) phải thường xuyên đến bệnh viện tâm thần TP Cần Thơ chữa trị định kỳ vì bị gia đình chồng đánh đập do không sinh được con trai. Nghĩ lấy chồng ngoại sẽ có tiền lo cho gia đình, nào ngờ khi sang Hàn Quốc, chị Tr. bị chồng bạo hành tình dục, bắt ép sinh con trai. Nhưng chị Tr. chỉ sinh được 2 con gái nên thường xuyên xảy ra mâu thuẫn với chồng.

Chị Tr. bùi ngùi: “Tôi đòi ly hôn nhưng chồng kiên quyết không chịu và thường xuyên thượng cẳng chân hạ cẳng tay với tôi. Đến khi bị gia đình chồng trả về quê nhà, đang lúc phải mang bệnh tâm thần cùng 2 đứa con gái, trong người không còn tài sản gì gọi là quý giá, gia đình tôi đành phải bán đi căn nhà đang ở để lo chữa chạy bệnh cho tôi và nuôi dưỡng 2 đứa cháu”.

Ông Dương Văn Khương, Quyền giám đốc trung tâm bảo trợ bệnh nhân tâm thần và người vô gia cư (Sở LĐ-TB-XH TP Cần Thơ) cho biết, trước đây có trường hợp cả hai mẹ con cùng vào trung tâm vì sau khi bị trả về nước không có 1 thứ giấy tờ gì. Trong khi, người mẹ thì bị bệnh tâm thần, đứa con thì không nơi nương tựa.

Theo Văn Vĩnh (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm