Bên đòi tăng lương 450 ngàn đồng, bên không muốn tăng

Đúng 8 giờ 30 ngày 28-7, Hội đồng tiền lương Quốc gia bắt đầu phiên họp thứ 2 bàn về tăng lương tối thiểu vùng 2018.

Phiên họp do ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia chủ trì và các đại diện Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Cuộc họp diễn ra khá căng thẳng vì các bên đưa ra các mức tăng lương tối thiểu vùng 2018 khá chênh lệch nhau. Ảnh: VIẾT LONG

Đây là phiên họp thứ hai của Hội đồng tiền lương Quốc gia, nhưng khoảng cách giữa các bên đang cách xa nhau nên báo chí không được tham dự. Tuy nhiên trao đổi trước phiên họp, ông Mai Đức Chính, phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết kết quả khảo sát của đơn vị tại 17 tỉnh, thành phố cho thấy chỉ 51,3% người lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; 20,6% cho biết phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12,0% thu nhập không thể đủ sống và chỉ có 16,1% người lao động là có thể có tích lũy từ thu nhập.

"Bên cạnh đó, tất cả con số về kinh tế - xã hội của 6 tháng đầu năm đều sáng sủa hơn năm 2016. Vì vậy chúng tôi đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 từ 370.000 - 450.000 đồng, tương ứng với 13,3% so với mức lương tối thiểu năm 2017. Nếu mức thấp nhất thì ở mức là 10%”, ông Mai Đức Chính nói.

Ông Mai Đức Chính khẳng định sẽ bảo vệ quan điểm tăng lương tối thiểu vùng 2018. Ảnh: VIẾT LONG

Ông Mai Đức Chính cũng khẳng định: "Nếu đề xuất về mức tăng của đơn vị không được chấp nhận, chúng tôi sẽ sử dụng quyền dừng tham gia phiên họp này để chờ phiên họp thứ 3”.

Trong khi đó, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI vẫn giữ kín mức đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng: “Khả năng sẽ không cao như thông tin báo chí đưa ra trước đây”, ông Phòng nói.

Các phóng viên không được tham dự cuộc họp. Ảnh: VIẾT LONG

Tuy nhiên, phiên họp trước đó, VCCI đã đưa ra 2 quan điểm: Không tăng lương tối thiểu hoặc nếu tăng sẽ ở mức dưới 5 %. Lập tức, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng mức tăng này không thể chấp nhận được: "Bởi thực ra, nếu tăng ở mức 5% thì coi như không tăng, mà mới chỉ bù trượt giá”,ông Chính nói.

"Nhà nước mong muốn thị trường lao động vận hành lành mạnh, người lao động có thu nhập và doanh nghiệp phát triển. Người lao động kỳ vọng cải thiện lợi ích tiền lương cao nhất. Doanh nghiệp mong muốn giảm chi phí, tăng lợi nhuận và tích lũy phục vụ sản xuất, tạo giá trị thặng dư.
Chính vì sự khác biệt đó, các phương án đưa ra chênh nhau là bình thường và việc thương lượng để tìm đến điểm cân bằng. Tất nhiên, Luật Lao động khẳng định lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu. 
Trong quy chế của Hội đồng tiền lương Quốc gia nếu các bên không tìm được điểm chung thì bỏ phiếu. Mỗi thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia phải chịu trách nhiệm với tập thể mà mình đại diện
Việc áp dụng cơ chế quản lý hành chính vào việc thương lượng là không hợp lý, tất cả phải dựa vào nguyên tắc đồng thuận của các bên".

Ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm