Bé lớp 4 'diễn thuyết' với bạn về xâm hại tình dục

Hai tuần nay, Thảo Nhi đã tổ chức được hai “buổi sinh hoạt” nói về vấn nạn xâm hại tình dục (XHTD) cùng các bạn vào mỗi giờ ra chơi của ngày thứ Sáu. “Buổi sinh hoạt” chỉ kéo dài khoảng 15 phút nhưng tất cả đều hào hứng tham gia, đặt ra những câu hỏi và tự giải đáp với nhau.

“Con thấy mình phải có trách nhiệm...”

“Lúc ở nơi vắng, ít người ở, phải làm gì khi có kẻ khả nghi đi theo sau lưng mình?”, “Khi bị xâm hại ở nơi không có người ở, phải làm gì?”, “Cần mang theo thứ gì để tự vệ khi gặp những người biến thái?”...

Câu trả lời lần lượt cho những câu hỏi trên là: “Nên tìm đám đông đi cùng hoặc rời khỏi con đường đó càng nhanh càng tốt nhưng phải khéo nhá”, “Về nhà báo với cha mẹ đưa đi bệnh viện khám để lấy bằng chứng”, “Điều cần nhất là những kỹ năng đấy Khánh à”...

Đó là những câu hỏi và câu trả lời dễ thương của các em học sinh tham gia “buổi sinh hoạt” do Thảo Nhi tổ chức. Dù chỉ mới hai buổi nhưng đã có hơn 20 em học sinh đến tham gia sinh hoạt cùng nhau.

Chia sẻ về ý định thực hiện những buổi sinh hoạt này, Thảo Nhi kể em đọc báo nên biết đến nhiều vụ XHTD trong thời gian gần đây: Em thấy buồn rất nhiều khi các bạn còn nhỏ tuổi lại gặp phải chuyện không may. “Con cũng là trẻ con nên hiểu được rằng sẽ rất buồn nếu gặp phải điều đó. Các bạn sẽ cảm thấy xấu hổ nhiều, rồi không dám chơi với các bạn khác chẳng hạn, như vậy thì buồn lắm, nên con nghĩ mình cần làm gì đó để những người bạn xung quanh mình có thể tự bảo vệ được các bạn. Con thấy mình phải có trách nhiệm nói cho các bạn nghe” - Nhi chia sẻ.

Để tự tin đứng nói trước các bạn, Nhi chuẩn bị nội dung trước một tuần và ghi chép cẩn thận nội dung cần nói vào cuốn tập của mình. Mỗi bạn đến buổi sinh hoạt phải mang theo giấy và viết để ghi chép, ghi những câu hỏi, thắc mắc của mình vào đó. Nhi sẽ trả lời từng câu hỏi và mang trả lại cho các bạn. “Đó cũng là cách để con biết được các bạn có nghe và nắm được những nội dung con nói hay không, bạn nào mà hiểu không đúng thì con sẽ giải thích lại cho các bạn” - Nhi nói.

Nhi đang xem lại những câu hỏi của các bạn gửi về để có lời giải đáp.  Ảnh:  THANH TUYỀN

Những câu hỏi các bạn gửi về cho Nhi sau mỗi buổi sinh hoạt.  Ảnh: THANH TUYỀN

Nhiều bạn hào hứng tham gia

Khi tiếng trống trường báo hiệu giờ ra chơi đến, Nhi cùng các bạn gái trong lớp lại kéo nhau xuống nhà ăn của trường để bắt đầu sinh hoạt. Các em ngồi thành vòng tròn, vây xung quanh Nhi để nghe em nói trước.

Nhi kể em chia thành nhiều nội dung khác nhau để luân phiên nói cho các bạn hiểu. Phần thứ nhất, em nói về việc phải phòng thủ như thế nào để tránh gặp nguy hiểm, đối tượng có thể là những ai... Phần thứ hai là khi đã xảy ra vụ việc đó rồi thì nên đối phó như thế nào, cần phải làm gì. Phần thứ ba, em nói với các bạn rằng phải nói với nhiều bạn khác nữa để các bạn tự bảo vệ mình, để các bạn mình cũng được giúp đỡ.

“Con bắt đầu câu chuyện bằng một vụ việc cụ thể có trên báo, sau đó sẽ nói thêm về những thông tin của nhiều vụ tương tự, rồi mới nhấn mạnh với các bạn là làm thế nào để tự bảo vệ mình. Những điều con nói cho các bạn nghe con đều tìm hiểu thật kỹ rồi mới nói” - Nhi say sưa kể.

Giúp Nhi tổ chức “buổi sinh hoạt” là những cô bạn cùng lớp với Nhi. Thấy Nhi đau họng không thể nói to được các bạn sẽ thay Nhi đọc rõ phần nội dung đã chuẩn bị sẵn, cùng Nhi lên kế hoạch cho buổi sắp tới. “Con thấy mấy bạn rất hào hứng, nhiều khi chưa thấy con trả lời kịp là các bạn hỏi con đã xem câu hỏi của mấy bạn chưa, khi nào thì trả lời được. Chắc vì con với bạn đều là trẻ con với nhau, dễ hòa đồng với nhau hơn, không khiến cho các bạn bị căng thẳng nên các bạn mới thấy vui vẻ và thích thú như vậy” - Nhi nói.

Cố gắng nhân rộng toàn trường

Cô chủ nhiệm Đặng Thị Kim Khánh chia sẻ đây là việc làm cần được khuyến khích vì các em có thể trao đổi với nhau về vấn đề mà mình cần được biết. Việc tổ chức những buổi sinh hoạt như vậy giúp các em có thể thoải mái nói ra những suy nghĩ của mình cho các bạn nghe, các em tự bổ sung kiến thức cho nhau để tự bảo vệ mình. “Đó cũng là cách hiệu quả để các em có nhận thức đúng hơn về XHTD. Tôi sẽ cố gắng để đưa mô hình sinh hoạt của các em phổ biến trong toàn trường để các em được trao đổi với nhau” - cô Khánh nói.

_____________________________

Tôi thật sự bất ngờ khi bé tự mình lên kế hoạch sinh hoạt với các bạn như vậy vì trước đó bé không cho cha mẹ biết gì cả. Thấy bé hay cầm điện thoại của tôi để đọc hết tin này đến tin khác về những vụ XHTD rồi ghi chép lại, tôi chỉ nghĩ bé ghi lại để nhớ kỹ hơn. Nhưng sau này bé nói ra mới biết đó là để tổ chức các buổi sinh hoạt trên lớp cho các bạn. Có lẽ do cha mẹ đều làm việc trong ngành luật nên ít nhiều cháu “lây” cách suy nghĩ và phương pháp làm việc của cha mẹ. Từ đó, cháu mới nói chuyện với bạn bè được như vậy.

Chị TƯỜNG VY, mẹ của bé Thảo Nhi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm