Bayer hỗ trợ 80.000 nông hộ ứng phó COVID-19, hạn mặn

Người nông dân miền Tây và Đông Nam Bộ thời gian qua phải gồng mình chịu đựng những khó khăn đến từ đại dịch COVID-19 và tình hình hạn mặn nghiêm trọng xảy ra trên diện rộng.

Những vườn sầu riêng chi chít trái non rụng đầy ở gốc; những vườn bưởi thối rễ chết trơ cây… là những hình ảnh đau lòng mà chúng tôi đã tận mắt chứng kiến tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Ngoài ra, dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới cũng khiến tình hình sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông sản trở nên khó khăn, tăng thêm áp lực đối với người dân.

Thiệt hại nghiêm trọng

Ông Bùi Văn Re, phụ trách tại hợp tác xã Sơn Đông, TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre, cho biết đợt hạn mặn năm 2020 đã gây thiệt hại nặng nề lên vườn cây ăn trái của bà con nông dân. Đơn cử xã Sơn Đông có trên 70ha trồng cây bưởi, trên 240 ha trồng dừa, v.v. Tất cả đều bị thiệt hại do tình hình hạn mặn lịch sử. Theo ông Re ước tính, nhiều gia đình có đến 70% diện tích đất trồng chịu thiệt hại.

“Thông thường, khi chưa bị hạn mặn tấn công, mỗi ngày hợp tác xã thu mua 4-5 tấn bưởi. Vậy mà những ngày này, hợp tác xã chỉ thu mua được khoảng 300-400 kg.” – ông Re chia sẻ. 

Người nông dân chia sẻ về những khó khăn và giải pháp chống hạn mặn.

Đầu tháng 7-2020, trong buổi làm việc với Đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra là rất lớn. Chỉ riêng nông nghiệp, thủy sản có 27.985 ha cây ăn quả, 1,2 triệu hoa kiểng, 600 ha cây giống tại huyện Chợ Lách, 168 ha hoa màu, 3.097 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại. Ước tính tổng giá trị thiệt hại khoảng 1.660 tỉ đồng.

Hôm 23-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với các địa phương ĐBSCL về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn mùa khô 2020-2021. Với các kết quả khảo sát và nghiên cứu mới nhất, Bộ Tài nguyên và môi trường dự báo trong mùa khô 2020 - 2021 sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, xâm nhập mặn sẽ sớm diễn ra và gay gắt, mặc dù mức độ nghiêm trọng được cho là không bằng năm 2019.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Cần nhận thức hạn hán, xâm nhập mặn là không thể tránh, buộc chúng ta phải sống chung. Đây là nguy cơ nhưng cũng là thời cơ nếu chúng ta biết tận dụng những mặt tích cực để phát triển kinh tế”.

Phục hồi sản xuất, canh tác bền vững

Các hộ nông dân tại Sơn Đông, Bến Tre nhận hỗ trợ từ Bayer.

Là một trong số những đơn vị tham gia hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn vì hạn mặn và dịch COVID-19, Bayer Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Tăng trưởng Châu Á, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TT KNQG) và mạng lưới của TT KNQG tại tỉnh Bến Tre, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức buổi tập huấn, trao tặng gói hỗ trợ canh tác thuận lợi tới 100 nông hộ đầu tiên tại tỉnh Bến Tre vào ngày 16-10. Hoạt động này là môt phần trong  dự án “Canh tác thuận lợi hơn, Cuộc sống tốt đẹp hơn” của Bayer nhằm hỗ trợ 80.000 nông hộ nhỏ tại ĐBSCL duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất bền vững.

Bayer và TT KNQG đã tổ chức các buổi tập huấn dành riêng cho giảng viên khuyến nông tại các tỉnh thuộc dự án. Trong thời gian tới, chương trình hướng đến việc triển khai các lớp tập huấn cho nông dân địa phương những kỹ thuật canh tác trong nông nghiệp, bao gồm các lớp đào tạo trực tiếp cho 20.000 nông hộ và lớp đào tạo trực tuyến cho 60.000 nông hộ khác để nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ hiện đại trong nông nghiệp.

Ông Nguyễn Viết Khoa, Trưởng phòng Đào tạo Huấn luyện, TT KNQG chia sẻ: “Chứng kiến niềm vui của nông dân khi được nhận những gói hỗ trợ, chúng tôi đánh giá cao đóng góp của Bayer vào sự phục hồi và phát triển bền vững tại tỉnh Bến Tre nói riêng, và các tỉnh thuộc ĐBSCL nói chung. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng Bayer để thúc đẩy và chuyển giao những giá trị tích cực của dự án đến với cộng đồng nông dân địa phương.”

Lao động nữ là đối tượng được ưu tiên hỗ trợ tiếp cận với các nguồn lực và kiến thức cần thiết, giúp họ tăng cường năng lực phòng chống dịch COVID-19 và kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho bản thân và cộng đồng xung quanh. Ngoài các gói hỗ trợ kịp thời, Bayer cũng đang hợp tác với các đối tác để đưa ra kế hoạch trung và dài hạn, xây dựng hệ thống nguồn lương thực bền vững và đảm bảo các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ có sự chuẩn bị tốt hơn cho tương lai. Về lâu dài, dự án mong muốn giúp nông hộ sản xuất nhỏ đạt năng suất cao hơn và ruộng vườn của họ sẽ là nguồn thu nhập bền vững, thay vì chỉ là một công cụ để sinh sống. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm