Bác sĩ nước ngoài về trầm cảm kiếm tiền như mưa ở Việt Nam

Bác sĩ (BS) Vũ Quốc Bình, nguyên Cục trưởng Cục Quân y, nói tại buổi chia sẻ "Hiểu trầm cảm từ người trong cuộc” ngày 30-11.

Buổi chia sẻ diễn ra nhân dịp ra mắt cuốn sách Có một cơn đau mang tên trầm cảm của PGS-TS Nguyễn Thị Phương Hoa.

Tại đây, BS Bình nêu thực trạng hiện nay người bệnh ở nước ta đang bị thiệt thòi vì BS tâm lý đã bị lãng quên. Do đó, theo BS Bình, ở Hà Nội, TP.HCM cũng như nhiều nơi khác tìm được BS thực hành về tâm lý học rất khó khăn.

 BS Vũ Quốc Bình, nguyên Cục trưởng Cục Quân y, tại buổi chia sẻ.

Từ đây, BS Bình cho biết đã tạo ra cơ hội cho một số BS tâm lý người nước ngoài hoạt động ở Việt Nam.

“Họ đang kiếm tiền như mưa ở Việt Nam. Một giờ vài triệu, một buổi 2 tiếng là 5-6 triệu...” - ông nêu dẫn chứng.

Nói riêng về cuốn sách, ông dành lời cảm ơn cho tác giả và cho rằng thông điệp quan trọng nhất của cuốn sách là tình thương và sự kiên trì đặc biệt là nhận thức.

Ở góc độ tác giả, PGS-TS Nguyễn Thị Phương Hoa nói: “Khi con ốm, chúng ta chăm sóc chúng với tất cả sự yêu thương và sự tội nghiệp dành cho chúng. Tuy nhiên, nếu con chúng ta mắc tâm bệnh, hãy chăm sóc chúng bằng hai lần yêu thương và không cần tội nghiệp.”

PGS-TS Nguyễn Thị Phương Hoa, tác giả cuốn sách.

Cũng tại đây, một số người tham dự đã đặt nhiều câu hỏi cho tác giả cuốn sách. Trong đó, một độc giả nêu câu hỏi về vai trò của thuốc đối với trầm cảm.

Trả lời người tham dự, PGS-TS Nguyễn Thị Phương Hoa cho hay: Khi có bệnh thì cần phải uống thuốc nhưng theo bà Hoa, y học hiện tại vẫn chưa tìm ra được trầm cảm ở mức độ nào thì nên uống loại thuốc nào, nói cách khác là chính BS cũng đang phải dò dẫm để kê đơn cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, cũng theo PGS-TS Nguyễn Thị Phương Hoa thì không nên bỏ uống thuốc, nếu không tin tưởng lắm ở BS đã kê đơn cho mình thì có quyền lựa chọn BS khác.

Ngoài ra, theo tác giả cuốn sách, có những lúc người bệnh sẽ bị rơi vào trạng thái bị bệnh lừa dối bản thân mình, từ đó sẽ có cảm giác chán nản và nghĩ rằng cha mẹ cũng như người xung quanh coi thường mình.

Khi được hỏi về việc gần đây có nhiều người trầm cảm tự tử, trong đó có cả những ngôi sao nổi tiếng như ở Hàn Quốc cũng từ bỏ mạng sống của mình, mối liên quan của bệnh đối với xã hội và lựa chọn đó như thế nào?

PGS-TS Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng ngày nay thông tin đến với con người nhiều hơn so với trước kia. Bởi thế mà những vụ việc người trầm cảm tự tử đến với mọi người cũng có tần suất nhiều hơn trước.

Tuy nhiên, theo bà Hòa, thông tin nhiều cũng đưa đến cho mọi người nhiều kiến thức để tránh căng thẳng, còn sự căng thẳng trong cuộc sống lúc nào cũng có thể diễn ra.

“Tôi nghĩ chúng ta cần đối mặt với khó khăn của thời đại chúng ta, chúng ta sống trong ngày hôm nay và giải quyết cho vấn đề của ngày hôm nay" - bà Hoa bày tỏ.

Bìa cuốn sách.

PGS-TS Nguyễn Thị Phương Hoa, tác giả cuốn sách là TS tâm lý học xã hội tại ĐH Tổng hợp Moscow. Bà có một khoảng thời gian khá dài là thực tập sinh tâm lý học lâm sàng tại Trường Tâm lý học thực hành Paris, thuộc ĐH Catholic, Paris, Pháp.

Bà hiện là cố vấn của diễn đàn Beautiful Mind ViệtNam, tổ chức phi lợi nhuận nhằm mục đích cung cấp kiến thức về: Tâm lý học lâm sàng (Clinical Psychology); sức khỏe tâm lý (Mental Health); các rối loạn về tâm thần (Mental Disorders) cũng như các phương pháp điều trị cho người Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm