Bà mẹ 80 tuổi nuôi 6 người con điên

Bà Nguyễn Thị Lực (xã Phụ Khánh, Hạ Hòa, Phú Thọ) nói bà số khổ, khổ từ cái tên, cha mẹ đặt cho cái tên đàn ông, từ 10 tuổi bà làm quần quật tới tận giờ. Nhỏ thì làm thuê, mót thóc lúa, lớn đi cấy thuê. Lấy chồng đẻ được mấy mặt con cũng chỉ một tay bà lo vì chồng bà công tác biền biệt xa nhà.

1. Gần 50 năm trước, từ Hà Nam bà theo chồng đi kinh tế mới lên xứ rừng Hạ Hòa này, đẻ thêm một bầy con. Được cái tụi nhỏ lớn phổng như cây sắn, cây ngô xứ vùng đồi…

Cứ tưởng cuộc sống êm trôi trong vất vả với bầy con. Ai ngờ tai họa cứ thay nhau ập xuống. Chín đứa con thì sáu đứa phát bệnh điên, cứ lên bảy lên 10 tuổi là nó ngu ngơ rồi mất trí dần. Chúng cứ suốt ngày ăn rồi chờ mẹ tắm rửa, ngồi ngạch cửa cười ngu ngơ. Bà làm mướn làm thuê, ông ở nhà chăm mấy khoảnh chè và trông tụi nhỏ. Giờ đứa lớn đã 60 tuổi vẫn ngu ngơ như thế. Một bầy con điên khùng tóc bạc và bà mẹ già 80 tuổi bên căn nhà rách nát, buồn không còn chỗ mà buồn, khổ không còn chỗ nào mà khổ. Còn đau thì cũng thế, đã là đau đến tận cùng.

Chồng bà trước khi chết có ba di nguyện. Ông nói với bà nếu tôi chết bà đừng vay mượn ai làm đám ma, bà không trả nổi đâu. Thứ nhất, bán mấy cây xoan vườn nhà đi mà lo mua hòm mai táng. Hai là chôn ông ở vườn nhà cho đỡ tốn kém, mà ông còn quanh quẩn được bên vợ con, ông trông chừng mấy đứa con cho bà làm lụng kiếm cháo kiếm rau, chứ không ai trông con, nhỡ nó ra đường xe tông, ra suối ra ao chết đuối. Còn nữa, điều thứ ba ông dặn vợ là lâu nay thuốc ngủ với thuốc giảm đau ông không dùng, hãy còn cất đấy. Ngày nào sức tàn lực kiệt nuôi không nổi con thì đành cho chúng ăn một bữa no nê rồi dồn hết chỗ thuốc ngủ cho chúng đi cùng một lần.

Từ nay bà Lực đã nhẹ gánh lo khi bầy con điên dại của bà đã được bao người chia sẻ.  Ảnh: ĐÀO THANH TUY

Tác giả đại diện một số nhà hảo tâm trao tiền giúp đỡ cụ Lực. Ảnh: SƠN LÂM

2. Nói rồi ông chết…

Bán xoan lo cho chồng và chôn ông ở vườn nhà thì bà làm được nhưng cho con ăn một bữa no, rồi… thì bà không thể. Mấy năm gần đây, bà yếu nhiều, bà nói có khi rồi cũng phải làm như ông dặn. Cũng đã có người khuyên bà cho con vào trung tâm bảo trợ xã hội nhưng bà nói quen rồi, giờ không có chúng bà không sống nổi. Cho chúng vào trại thì thân già nhớ con làm sao mà đi thăm chúng.

Căn nhà của bà Lực không thể gọi là nhà, người ta có thể đi vào từ bất cứ chỗ nào bởi bốn phía vách đất đều sập đổ, che tạm bằng nylon hoặc tôn xi măng. Chỉ có một điều nguyên vẹn từ nửa thế kỷ nay là sáu đứa con ngu ngơ chờ mẹ nấu cơm ăn rồi hò nhau đi trốn để bà tất tả gọi về. Bà Lực không còn cách nào khác ngoài sắm sáu sợi dây thừng, buộc chúng vào gốc cây, ngạch cửa, cho chúng di chuyển trong bán kính khoảng 3 m. Chân của đứa con, tóc đã bạc, hằn in vết thừng. Nhìn nó lòng bà như muối xát nhưng biết làm sao…

Ba đứa con bình thường của bà Lực nghèo rớt mồng tơi và còn phải lo nuôi bầy con của họ thì việc giúp mẹ nuôi những người anh em của mình là điều không thể. Người làng thương bà, hai bữa không thấy bà ra chợ là người ta đã vào xem bà có chuyện gì. Tháng đôi lần, người xóm trên làng dưới ghé thăm lôi các con bà ra giếng, nấu nước ấm tắm táp cho chúng. Người cho bó rau, người cho lạng thịt giúp mẹ con bà còn biết đến mùi thịt cá. Mà thời bao cấp cũng thế, con bà không lao động được nhưng hợp tác xã vẫn chia công điểm, nhờ vậy nhà không đứt bữa. Xã cho người lập hồ sơ trợ cấp, mỗi đứa cũng được hơn 400.000 đồng/tháng.

Ông Kỷ, Bí thư xã, nói đời này không ai khổ như bà Lực. Còn bà thì nói với khách: “Chắc chú làm nhà báo, chưa thấy ai khổ như tôi đâu chú nhẩy?”. Nhà báo Đào Thanh Tuy (báo Gia Đình Việt Nam) kể khi phát hiện ra trường hợp của bà, anh đến thăm và viết bài, câu chuyện khổ đau hình như đã khiến bà chai sạn thản nhiên, kể cả khi nói về cái khổ tận cùng, kể cả khi nói về dự định ngày nào đó nuôi không nổi, trước khi nhắm mắt xuôi tay sẽ dồn tiền cho các con ăn một bữa no nê thỏa thích rồi cho chúng uống thuốc độc.

Rồi bà lại nói về mơ ước. Ước gì còn sức khỏe để lo cho con tới già tới chết. Ước gì cái nhà đỡ dột, ước gì không còn phải lo ăn từng bữa. Nhưng mơ ước của bà chẳng có cơ sở nào, nó đập ngay vào bức tường đen tối bế tắc. Thế là bà lại quay về cái mơ ước nghiệt ngã: Có tiền sẽ cho chúng ăn một bữa no nê thỏa thích rồi cho chúng thác.

3. Tất cả câu chuyện trên được nhà báo Đào Thanh Tuy kể lại vào một ngày cuối tháng 4 đã khiến bao nhiêu người xúc động.

Khi tôi dẫn lại câu chuyện ấy về Facebook của mình, chỉ trong hai ngày, 100 người đã gửi tiền nhờ chuyển đến bà Lực với số tiền 95 triệu đồng, gần 100 triệu đồng khác cũng đã được chuyển đến bà thông qua báo Gia Đình Việt Nam và nhà báo Phạm Ngọc Dương. Có người từ Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội và cả Huế, Cần Thơ cũng tìm ra thăm bà. Đến nay đã có khoảng 300 triệu đồng gửi về giúp đỡ.

Tranh thủ ngày nghỉ lễ, tôi về thăm và trao tiền của bạn đọc gửi bà. Bà Lực những ngày này vui lắm, không phải chỉ nhẹ gánh lo sinh kế, bà vui vì cái buồn, cái khổ đời bà được bao người chia sẻ. Bà sẽ không phải tìm cái kết nghiệt ngã cho bầy con như đã từng nhiều lần nghĩ đến. Bà nói may mà xã cử người thống kê số tiền và hiện vật giúp đỡ, chứ đời bà có bao giờ thấy tiền đâu nên giờ cũng không biết quản lý thế nào.

Chỉ có bầy con điên dại tóc bạc của bà vẫn ngu ngơ, vỗ tay và ú ớ những điều vô nghĩa…

UBND xã Phụ Khánh, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ cho biết những ngày này xã cử người tiếp các nhà hảo tâm về thăm bà Lực. Hơn năm tấn gạo, nhiều quần áo, chăn màn, quạt máy và cả tủ lạnh, máy giặt được các nhóm thiện nguyện gửi về. Theo ông Nguyễn Tiến Kỷ (Bí thư Đảng ủy xã Phụ Khánh), xã sẽ tìm cách quản lý giúp bà Lực, xã cũng sẽ mở tài khoản để hằng tháng bà có thể rút dần ra để nuôi các con mà không phải thân già bươn chải nữa. Căn nhà của bà sẽ được xây mới để có chỗ ở kiên cố, khang trang những năm cuối đời.

Hạ Hòa, Phú Thọ 30-4-2017

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm