Ba cuốn sách và một sự kiện

Tôi trong lĩnh vực văn học chỉ chọn ba cuốn sách và một sự kiện gọi là để nhớ năm con rồng và có thể gợi cho người đọc cùng nhớ.

Ba cuốn sách:

Gọi tìm xác đồng đội, thơ của Trần Vàng Sao, NXB Hội Nhà văn, 7-2012. Một tiếng khóc nhân bản cho những mất mát, đau thương của con người trong chiến tranh: Chiến tranh bắt đầu/ trước hết là máu/ rồi là thịt người/ máu từ trên trời/ máu từ dưới đất/ và máu trên bàn thờ”. Thơ Trần Vàng Sao đã ám ảnh người đọc từ rất sớm và đọng lại rất lâu như Bài thơ của một người yêu nước mình, Người đàn ông 43 tuổi nói về đời mình. Tác phẩm kể đây là một bài thơ dài, sách in rộng khổ, song song từng trang vừa là bút tích viết tay của tác giả vừa là chữ in. Đọc xong thấy nhức nhối, đau đớn.

Quê hương tôi, tùy bút của Tràng Thiên (Nhã Nam & NXB Thời Đại, 7-2012), một cái nhìn tinh tế, yêu thương về những phong tục tập quán, cảnh sắc địa dư, lời ăn tiếng nói của miền quê Việt, người dân Việt. Hãy nghe tác giả luận về chiếc áo dài: “Áo dài Việt Nam vừa theo sát những nét tuyệt mỹ của thân người, lại vừa thêm cho tấm thân ấy sự linh động phơi phới mà nó vẫn ao ước. Những tà áo nhẹ ve vẫy phất phơ trong gió làm cho một thân hình nặng nề nhất, cục mịch nhất cũng hóa ra thanh thoát. Thân người là đẹp nhưng thứ y phục chỉ nhằm khai thác cái đẹp của thân người thì rõ ràng là tục. Trang phục là văn hóa, văn hóa là một cố gắng cải biến thiên nhiên. Trang phục mà như mini-jupe thì ấy là một cuộc phi nước đại trở về tự nhiên, gợi lên những ham muốn trực tiếp vào “tòa thiên nhiên”, là một chối bỏ văn hóa. Nhưng thân người đẹp, y phục không được phép xóa hẳn cái thân người đi. Trang phục mà như chiếc kimono Nhật thì là một sự quá trớn của văn hóa đấy nhé. Văn hóa cũng phần nào thôi chứ. Chiếc áo dài Việt Nam là một sự dung hòa giữa tự nhiên và văn hóa. Phần trên của nó đề cao thân người, bạo và tục; đã có phần dưới rất thanh, thoát hẳn thân người...”. Tác giả là một nhà văn nổi tiếng ở Sài Gòn trước 1975, hiện sống ở Mỹ. Như vậy cuốn sách còn là một sự kiện xuất bản.

Xách ba lô lên và đi, du ký của Huyền Chíp (Quảng Văn & NXB Văn Học, 9-2012), một cuộc đi hồn nhiên và táo bạo của một cô gái 19 tuổi qua hàng loạt nước được chính cô viết lại bằng một giọng kể tự nhiên và tự tin, đủ sức khiến đọc xong thì chân muốn lên đường. “Em là cô gái dũng cảm nhất mà anh từng gặp. Đi đến bất cứ nơi nào em muốn, nhưng hãy nhớ rằng, hành trình thực sự không phải là về những nơi em đến, mà là về những con người em gặp”, đó là lời khuyên của một người bạn trên đường ở Mumbai và tác giả lấy đó làm đề từ cho cuốn sách, cũng là một phương châm cho những hành trình đi. Đây là cuốn sách có thể làm cho dòng văn học du ký trở nên phát triển ở nước ta, nhất là do những người trẻ tuổi lên đường và viết.

Một sự kiện

Cuộc trình diễn văn và thơ mang tên “Bay cùng ViLi” nhân dịp ra mắt hai tập sách ViLi&ParisViLi tùy bút do chính tác giả thực hiện cùng nhiều nghệ sĩ sân khấu, âm nhạc nổi tiếng tại Nhà hát lớn Hà Nội tối 1-12. Đây quả là kỷ lục lần đầu tiên văn học được đưa lên sân khấu Nhà hát lớn đúng hình thức của nó là tác giả và tác phẩm. Không thể không ghi nhận công lao của Vi Thùy Linh cho văn học có sức sống, dư luận trước vũ bão truyền thông và sự cạnh tranh khốc liệt giữa các loại hình nghệ thuật, giải trí. Nhà thơ đã xông xáo tìm kiếm được tài trợ để tổ chức sự kiện, mời được những nghệ sĩ danh tiếng tham gia sự kiện, mời được những khán giả đáng trọng đến xem sự kiện, quảng bá xứng đáng cho tầm vóc sự kiện. Có thể nói chỉ Vi Thùy Linh mới làm nổi việc này, vì cô ôm ấp khát vọng quá lớn và quyết tâm thực hiện bằng được khát vọng lớn đó. Và đó chính là một sự kiện nổi bật của văn học nói riêng, văn hóa nói chung, đáng ghi nhận năm 2012.

Ba cuốn sách, một sự kiện tôi chọn có thể với ai đó là ít vì chỉ là những việc của cá nhân. Nhưng với tôi thế là đủ cho năm 2012 văn học.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm