Bà 76 tuổi nuôi bầy cháu gần 20 đứa ở Sài Gòn

Căn nhà của bà Nguyễn Thị Hường (76 tuổi) nằm khuất phía sau chợ Phú Nhuận (TP.HCM) giờ là nơi nương náu của 20 nhân khẩu. Bất ngờ hơn, trong số đó có 11 đứa là anh em cùng một mẹ, là cháu nội của bà.

Con út nhỏ tuổi hơn cháu ngoại

Chúng tôi ghé thăm căn nhà nhỏ của bà vào một buổi trưa, bà chỉ vào đứa cháu đang nằm ngủ ngon lành dưới đất và nói: “Nó là Mai Cát Tường, mới hơn hai tuổi, là con út. Từ lúc sinh ra tới giờ nó không rõ mặt mẹ là ai”.

Người mẹ đó là chị Trần Thị Uyên Phương (43 tuổi, còn gọi là Mén), vợ của anh Mai Thanh Tú (48 tuổi), con trai của bà Hường.

Chị Mén bỏ đi khi đứa con thứ 11 của mình (bé Cát Tường) vừa tròn hai tháng tuổi.

Những đứa cháu nằm, chơi la liệt trên sàn nhà của bà Hường. Có đứa nóng quá nên ở trần, có đứa thì lăn ra ngủ mà không cần ai dỗ dành...

Bà Hường kể ngày trước khi anh Tú với chị Mén quen nhau và quyết định cưới, bà đã ngăn cản nhiều lần vì biết hai người không hợp. Nhưng con trai bà nhất quyết đòi sống cùng chị Mén cho bằng được rồi đưa chị về nhà sống chung chứ không cưới hỏi gì hết.

Mấy tháng sau, chị Mén sinh đứa con gái đầu lòng. Và cũng từ đây, bà Hường bắt đầu chuỗi ngày tảo tần, cực nhọc khi vừa lo cho mấy đứa con thất nghiệp, vừa phải nuôi nấng những đứa cháu do người con dâu mà bà chưa bao giờ thừa nhận sinh ra.

Sau khi sinh đứa đầu tiên thì đứa thứ hai, thứ ba, rồi thứ tư... lần lượt ra đời đều đặn theo từng năm. Mặc lời khuyên của người mẹ chồng đã lớn tuổi, mặc lời giải thích của hàng xóm xung quanh, chị Mén cứ tiếp tục sinh con. Nhưng giá mà chị chịu nuôi con thì cũng chẳng ai nói gì, đằng này cứ sinh con ra chị lại phó mặc hết cho bà Hường.

Đến đứa thứ sáu, bà Hường không chịu nổi nữa mới nhờ chính quyền địa phương đến nói chuyện, khuyên bảo để cô con dâu của mình hiểu chuyện. Nào ngờ chỉ được một thời gian, chị Mén lại sinh thêm một đứa nữa... “Vậy là tôi nuôi một lúc bảy đứa cháu” - bà Hường kể.

Không dừng lại ở đó, đàn cháu của bà cứ tăng dần lên, đến tròn chục rồi nhưng vẫn chưa dừng lại. Đến năm 2014, chị Mén sinh bé Cát Tường, đứa cháu thứ 11 của bà Hường, đó cũng là lúc các băng nhóm giang hồ bủa vây khắp nhà, hậu quả của khoảng thời gian chị Mén mượn nợ bài bạc, đề đóm. Chị Mén bỏ đi...

Bà Hường bảo có cháu bà cũng vui nhưng đông như vầy thì chỉ thấy thêm cái khổ, lo mấy cũng không đủ.

Đứa cháu nhỏ đang nằm ngủ ngon lành bỗng tỉnh giấc rồi bật khóc. Có một em nhỏ bước từ trên gác xuống ngồi cạnh, dỗ dành bé Cát Tường. Tôi hỏi bà đó có phải là đứa con thứ 10 của chị Mén không, bà xua tay và bảo: “Không phải. Đứa này là con của đứa con gái lớn của hai vợ chồng nó đó, nó ba tuổi rồi. Có ai lên chức bà ngoại rồi mà còn đẻ như con dâu tôi nữa không cơ chứ”.

Đứa con gái lớn của chị Mén nay đã 23 tuổi và có con, mà chị Mén vẫn biền biệt chưa về...

Đã lớn tuổi nên nhiều khi bà nhớ nhầm tên mấy đứa cháu. Có khi phải mất vài giây suy nghĩ mới nhớ ra tên tụi nhỏ.

Người lớn nặng đầu, trẻ nhỏ thì hồn nhiên

Từ khi chị Mén bỏ đi để lại khoản nợ mấy chục triệu đồng, anh Tú xin làm phụ sửa xe ở lề đường. Không đủ để nuôi con, anh xin làm bốc vác tại các bến cảng, ngày nào cũng đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về.

Vì quá đông nên những đứa cháu của bà Hường cũng không được học hành tử tế. 11 đứa nhưng chỉ có một đứa học xong lớp 12.

“Tụi nhỏ đều đến tuổi đi học hết rồi mà nuôi một lúc mấy đứa như vậy tiền đâu chịu nổi. Ba nó lo ăn đã cực cái thân chứ nói gì đến chuyện học hành” - bà nói.

Nhiều người sống gần đó, có người hiểu bà, có người thì không. Có lần một thanh niên đã hỏi đố bà rằng một đội banh có bao nhiêu người, bà ngạc nhiên và sau đó dần hiểu ra hàm ý của cậu thanh niên đó nên chỉ ngậm ngùi bước đi.

“Dù sao thì tụi nhỏ vẫn là cháu tôi, vẫn là con của con trai tôi mà. Vì giận mẹ nó mà bỏ tụi nó thì sao mà đành lòng cho được. Giờ tôi chỉ mong mình có sức để lo cho tụi nhỏ thôi” - bà nói.

Bà Hường mắc chứng đau cột sống nhiều năm nay, bệnh tim của bà cũng ngày một nặng vì suy nghĩ quá nhiều. Dù vậy, bà vẫn lê tấm thân của mình làm những việc vặt để có thêm tiền phụ nuôi những đứa trẻ vẫn còn hồn nhiên, cứ chạy đến ôm bà hôn lấy hôn để. Bọn trẻ quấn lấy nhau chơi đùa rồi lại đánh nhau, khóc la om sòm...

Ngoài hai người con đầu đã có gia đình, ba người khác đã lớn thì những đứa nhỏ còn lại vẫn hồn nhiên vui đùa với nhau mỗi ngày. Đứa lớn phụ bà nội trông em, đút cơm cho em ăn rồi chơi cùng em. Tiếng đọc bài ê a của đám trẻ trong nhà cũng vơi dần đi cảm giác cực nhọc trong bà Hường sau nhiều nỗi lo toan.

Nhìn đám cháu, bà vẫn hy vọng một ngày tụi nhỏ có thể học hành đàng hoàng dù biết đường học của tụi nhỏ còn rất khó khăn.

Anh Tú dù đi làm xa vẫn gọi về hỏi thăm sức khỏe mẹ. Bà Hường lại an ủi mình, biết đâu khi lớn lên trong sự thiếu thốn, lũ cháu của mình lại có ý thức sống tốt hơn, làm người tử tế.

Mấy đứa nhỏ lại bày đồ chơi ra khắp nhà, chơi đùa với nhau rồi la hét om sòm. Nhìn đám cháu, bà Hường nhoẻn miệng cười, coi như thêm một lần nữa bà chấp nhận số phận của mình. “Cứ nghĩ con cháu là của trời cho đi, chắc sẽ ổn hơn thôi” - bà Hường nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm