Ẩu đả gia tăng: Hiện tượng đáng lo

Nhìn con trai 16 tuổi nằm bất động đang được cấp cứu tại khoa Chấn thương sọ não BV Chợ Rẫy, bà Võ Thị Thương (ngụ Cà Mau) nước mắt chảy dài.

Con đổ máu, mẹ trào nước mắt

Bà Thương kể chiều mùng 3 tết, L. (con bà Thương) cùng hai đứa bạn trong xóm đến chơi nhà người quen. Sau đó các cháu rủ nhau đến điểm dịch vụ Internet chơi game đến khuya, mấy người bạn nói ngủ lại nhưng cháu L. một mực đòi về. Vừa đi một đoạn thì cháu L. bị hai người lạ đánh mạnh vào đầu bất tỉnh.

Bạn cháu gọi điện thoại báo cho bà Thương biết cháu L. bị đánh vào lúc 2 giờ sáng 22-2 (tức mùng 4 tết). Bà lật đật đón xe tới chỗ L. bị đánh. Thấy L. bất tỉnh, chảy máu đầu, bà liền gọi xe chở thẳng tới BV Chợ Rẫy. “Thực tình tôi không biết giữa L. và bạn bè có xích mích gì không nhưng thấy con nằm bất động tôi đau cả người” - bà Thương thổn thức.

Bầm mặt vì không uống rượu mời

Tại khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy, vừa lau vết máu trên gương mặt đau đớn của chồng, chị NTM (ngụ TP.HCM) kể lại: “Chiều mùng 5 tết, vợ chồng tôi đến thăm người bạn ở Long An. Lát sau, một ông cạnh nhà người bạn qua chơi và tất cả vui vẻ dùng bữa cơm chiều”.

Tại BV Chợ Rẫy, bà Thương đau đớn chăm sóc đứa con 16 tuổi chấn thương sọ não do bị đánh. Ảnh: TRẦN NGỌC

Trong bữa cơm, các ông mời nhau ly bia, chung rượu. Sau khi uống cạn hai lon bia, chồng chị M. xin phép ngưng vì đường về nhà khá xa. “Tuy nhiên, ông cạnh nhà người bạn do uống quá nhiều nên ngà ngà say và khăng khăng ép chồng tôi chung rượu. Chồng tôi một mực từ chối, ông ta liền vung tay đấm thẳng vào mặt chảy cả máu mũi, máu miệng” - chị M. nói.

Anh em đánh nhau vì một câu nói

Như thường lệ, chiều tối mùng 5 tết là anh chị em tụ tập tại nhà ông TMH (ngụ TP.HCM) dự buổi tân niên. “Tết nhất thì đâu thể thiếu bia rượu. Mà rượu vào thì lời ra, không ai nhường ai cả” - ông H., đang điều trị tại khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115, cố gắng kể lại.

Trong lúc “chén tạc chén thù”, ông H. phàn nàn người em trai thiếu quan tâm mẹ già. Có lẽ bị bẽ mặt giữa chỗ đông người nên em trai ông H. cự cãi lại. “Thiệt tình tôi cũng nóng nảy nên to tiếng lại với người em. Còn thằng em, do uống nhiều, thiếu kiểm soát nên xô tôi ngã, đầu đập xuống đất, bị choáng. Thấy vậy vợ con đưa tôi vô bệnh viện lúc nửa đêm” - ông H. nói.

Cần rèn văn hóa ứng xử

Thượng tá Nguyễn Sỹ Quang, Chánh văn phòng Công an TP.HCM, cho biết đa số các vụ ẩu đả, gây thương tích thì những người liên quan đều có sử dụng bia, rượu. Từ đó họ thiếu kiềm chế khi xảy ra mâu thuẫn, cãi vã nhau đến mức phải thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Những người đánh nhau đa phần là người trẻ, cộng với bia rượu dễ trở nên bốc đồng, không làm chủ được hành vi.

Thượng tá Quang cho rằng tết là những ngày vui, sum họp gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, tình trạng nhậu bia, rượu nhiều dẫn đến thiếu kiềm chế bản thân, đánh nhau, gây thương tích trong dịp tết là vô cùng đáng tiếc.

Lý giải về việc những người uống rượu, bia đến thiếu kiềm chế, Thượng tá Quang cho rằng nguồn gốc là do nền tảng giáo dục của bản thân. Nền tảng đó là biết ứng xử có văn hóa, nhường nhịn nhau, tôn trọng mọi người, cư xử đúng mực… Văn hóa ứng xử đó phải được giáo dục từ gia đình, nhà trường cùng với tự rèn luyện bản thân.

Phản ánh một cách hưởng thụ vật chất lệch lạc

Thống kê của Bộ Y tế qua chín ngày nghỉ tết, cả nước xảy ra hơn 5.500 trường hợp phải cấp cứu do ẩu đả, đánh nhau. Đây đúng là một hiện tượng xã hội. Rõ ràng đã đến lúc xã hội và những cơ quan có trách nhiệm phải quan tâm đến con số trên và tìm cách giảm thiểu tối đa.

Nguyên nhân của ẩu đả phần lớn là do có rượu bia nhưng sâu xa về mặt xã hội phản ánh một cách hưởng thụ vật chất lệch lạc mà phần lớn rơi vào lứa tuổi thanh, thiếu niên. Do vậy có thể từ một xích mích rất nhỏ nhặt hoặc từ nguyên nhân rất vụn vặt trong sinh hoạt hằng ngày kết hợp với việc sẵn có rượu, bia trong người cũng có thể dẫn đến đánh nhau.

Vì sao lứa tuổi tham gia ẩu đả nhiều khi chỉ là những người khoảng 15, 16 tuổi và không chỉ là trẻ em thành thị mà có nhiều ở nông thôn? Theo tôi, nó có nhiều nguyên nhân, trong đó ảnh hưởng từ phim ảnh bạo lực là điều dễ nhận thấy nhất. Trong khi về tâm sinh lý lứa tuổi này chưa thể là người trưởng thành đầy đủ về thể chất và tinh thần khiến khả năng nhận thức của các em còn hạn chế. Tiếp đó là do trình độ văn hóa của các em cũng hạn chế nên các em dễ dàng hành xử theo cách của mình. Cuối cùng là cách giáo dục của người lớn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hành vi cụ thể của các em…

Tôi mong sao đây chỉ là một hiện tượng đột biến của năm này và sau đó sẽ không xuất hiện nữa.

TS PHAN ANH TUẤN, giảng viên khoa Luật hình sự,
Trường ĐH Luật TP.HCM

THANH TÙNG ghi

- Theo báo cáo chưa đầy đủ từ Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến ngày 23-2 (tức mùng 5 tết), các bệnh viện trong cả nước cấp cứu cho gần 5.500 bệnh nhân tai nạn do đánh nhau, trong đó 16 người đã tử vong. Ba tỉnh, thành có số nạn nhân cấp cứu do đánh nhau nhiều nhất là TP.HCM với 319 ca, An Giang 289 ca và Đồng Tháp 265 ca.

- Ghi nhận tại khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy, từ ngày 15 đến 23-2 (tức 27 tháng Chạp đến mùng 5 tết), khoa Cấp cứu tiếp nhận 81 trường hợp đả thương, giảm không đáng kể so với cùng kỳ năm 2014 (88 trường hợp).

- Tại BV Nhân dân 115 (TP.HCM), từ ngày 16 đến 23-2 (tức 28 tháng Chạp đến mùng 5 tết), bệnh viện cấp cứu hơn 60 ca tai nạn do ẩu đả. So với ngày thường thì con số này có tăng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm