Ánh sáng cho đứa trẻ nghèo 6 tuổi bị dân phòng sát hại

Chi tiết đáng sợ nhất với tôi trong câu chuyện đứa bé trai sáu tuổi bị gã dân phòng tâm thần giết chết ở Tân Phú, TP.HCM là chuyện bà ngoại bé kể: Cậu bé nói mai mốt ngoại cho con hai trăm ngàn con mua cái kiếng đeo để nhìn thấy chữ trên bảng. Dù cô giáo đã cho bé ngồi trên mà vẫn nhìn chữ qua đứa bạn sát bên mình.
Nghĩa là bé bị cận nặng. Cận nặng mà không có kính đeo. Nghĩa là một thời gian dài, bé đã mượn đôi mắt của bạn làm mắt mình để soi vào bài học.
Nhà bé ở TP.HCM đó. TP.HCM vẫn còn có nhiều người nghèo.

Chiếc xe này đến nhưng không phải để đưa bé đi cấp cứu, mà là để đưa thi thể của bé về cho gia đình lo hậu sự... 

Những bi kịch lại hay rơi xuống người nghèo.

Người nghèo và trẻ con không hề có công cụ gì đó để tự bảo vệ mình.
Ba mẹ nghèo thì trẻ mới bị gửi vào Mầm Xanh hay bất cứ điểm giữ trẻ không tên tuổi nào đó.
Có lẽ những thực tại còn lộn xộn trong xã hội đang tạo nên cảm giác ẩn ức của sự bất lực. Nhiều sự bất lực dồn nén, dễ tạo thành những thứ bạo hành bệnh hoạn. Và, khi cần ra tay, người ta sẵn sàng ra tay với những kẻ yếu thế hơn mình.
Ít ai dám ra tay với kẻ mạnh và có đầy công cụ bảo vệ, trừ phi, người đó... ngáo đá.
Đã có một trường hợp ngáo đá như vậy ở Bình Thạnh: Hắn dùng dao dài chạy ngoài đường và chém chặt bất cứ cái kính chiếu hậu của bất cứ chiếc ô tô nào trên đường hắn đi qua. Khi tỉnh lại và thú tội: Hắn bảo thất nghiệp, có chơi ma túy và... căm ghét nhà giàu!!!
Ở đâu đó tôi thấy hình ảnh hắn cũng hiện diện bên trong câu chuyện của bé sơ sinh bị quăng tưng tưng bởi người giúp việc nhà tại Hà Nam.
Hành vi kẻ ác thì sẽ bị trừng trị nhưng đâu đó trong căn cội, để trị những căn bệnh phản chiếu hình ảnh xã hội thực tại này, người ta sẽ đụng bức tường vô hình.
Nó là những thứ cảm giác không rõ ràng, chỉ để lại đau nhức.
Và sự đau nhức lớn nhất, vẫn trở đi trở lại trong tôi là cậu bé sáu tuổi.
Bé ra đi mà không có cái kính.
Con đường và ánh sáng cho đứa trẻ nghèo mãi cứ mờ mịt vậy sao???

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm