Ấm lòng từ những bữa cơm đùi gà

Trường tình thương Thiên Ân (quận Bình Tân) hiện có hơn 200 học sinh thuộc diện khó khăn và đặc biệt khó khăn. Phần lớn các em thuộc gia đình nhập cư, không đủ điều kiện đi học.

Sau đúng hai tuần các trẻ ở trường tình thương được tài trợ bữa trưa miễn phí, chúng tôi đến thăm trường, chứng kiến việc ăn học của các em.

Các lớp học đều vui vẻ, đầy đủ học sinh. Sơ Út cho biết: “Kể từ khi được ăn trưa miễn phí, không em nào muốn nghỉ học. Các em đến lớp rất đều, rất ngoan. Chỉ có hai tuần thôi mà nhiều em đã trắng, mập ra, khiến nhìn các em mà nước mắt tôi cứ chảy tràn. Phục vụ ở trường đã hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy vui như vậy”.

Trường tình thương của các em bây giờ cũng “sang trọng” như một trường bán trú vì có cơm ngon. Lớp học của các em có nề nếp hẳn lên.

“Con ăn cho bữa chiều luôn”

Đúng 11 giờ, các lớp học được nghỉ để ăn trưa. Học sinh các lớp chắp tay sau lưng đi hàng một xuống cầu thang, lớp lớn đi trước, lớp bé theo sau. Một số em học sinh lớp 4, lớp 5 đã nhanh nhẹn tỏa ra khu vực sân trường để xếp bàn ghế, bưng các khay cơm lên bàn.

Một trong số đó là Tuấn Anh, cậu bé có gương mặt rất sáng và đôi má phúng phính đáng yêu. Tuấn Anh được các sơ khen ngoan, giỏi vì biết tự giác giúp đỡ các sơ chăm sóc bạn học và em nhỏ trong trường. Tuấn Anh cho biết trước đây hằng ngày em đi lượm ve chai kiếm tiền, hôm nào mệt thì nghỉ học. Từ khi được ăn cơm trưa, có những bữa có món đùi gà rất ngon, em chưa từng nghỉ buổi học nào. Em nói: “Ở nhà con không được ăn cơm ngon như thế”.

200 học sinh được tài trợ học chữ và ăn cơm trưa ngon lành mỗi ngày. Ảnh: H.MINH

Nam Du, học sinh lớp 4, dọn bàn bê ghế rất lẹ làng. Cô bé cho biết công việc của em là chăm em nhỏ bại não ở nhà, quán xuyến gia đình nên việc phụ nhà bếp dọn dẹp ở đây rất đơn giản với em.

PNT, cậu bé học lớp 4, bẽn lẽn cho biết em một buổi đi học, một buổi phụ mẹ ra lề đường buôn bán. T. nói: “Mẹ nhiều hôm bán vịt lộn ế, con hay được ăn vịt lộn. Nhưng chưa bữa nào được ăn ngon như ở trường”.

Những khay cơm xinh xắn có đùi gà, rau xào, canh và một quả chuối tráng miệng. Nhà bếp phục vụ cơm thêm và canh thêm miễn phí. Nhiều cánh tay giơ lên xin thêm cơm và canh tới hai lần. Một em nhỏ cho biết: “Cơm ở đây ngon, con ráng ăn cho bữa chiều luôn”.

Sẽ không để con đi bán vé số nữa

Một phụ huynh đến trường ngày hôm đó là chị NTN, do nhà tài trợ tặng một số phần quà cho phụ huynh khó khăn nhất. Chị xúc động nán lại nhìn những đứa trẻ, trong đó có con trai chị, ăn cơm ngon lành. Chị N. quê Nghệ An, bị bệnh thận nên không đi làm được. Ông xã chị lượm ve chai, con trai chị - em PVK phải đi bán vé số. Trên bé K. còn có hai người chị dù chưa đủ tuổi đi làm cũng đã đi làm thuê trong xưởng đan lát thủ công.

Chị nói: “Tôi sẽ quyết tâm cho thằng K. ăn học tới khi được đi học nghề, không kêu nó đi bán vé số nữa”.

Bà Hoàng Thu Hương, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế ILO Việt Nam (viết tắt là ILO), đơn vị tài trợ cho dự án “Gói dịch vụ phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em tại Trường tình thương Thiên Ân”, chia sẻ: “Phòng, chống lao động trẻ em là một câu chuyện dài. Ngoài việc thu hút các em đến trường, chăm sóc các em bằng bữa trưa đầy đủ chất, chúng tôi đã mở nhiều buổi truyền thông đến phụ huynh. Tôi luôn nói rằng tôi biết các vị còn vô vàn khó khăn nhưng hãy ưu tiên cho trẻ được đi học. Đó là quyền lợi của trẻ. Hãy cho con học ít nhất đến lớp 7, con có thể đi học nghề miễn phí, tương lai các con sẽ tươi sáng hơn”.

Sẽ duy trì chương trình lâu dài

Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tại Trường tình thương Thiên Ân là một chương trình có ý nghĩa đặc biệt đối với chúng tôi. Chúng tôi sẽ có biện pháp duy trì chương trình này ngay cả khi nhà tài trợ kết thúc dự án. Mong các con cũng hiểu biết về quyền của mình, cố gắng học tập tốt, trở thành lao động có kỹ năng.

Ông TRẦN NGỌC SƠN, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm