80% nước thải ra sông ngòi không qua xử lý triệt để

Theo ThS Lý, đây là tình trạng khủng hoảng ô nhiễm nước, xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu.

“Chưa bao giờ tôi thấy hệ thống sông ngòi bị ô nhiễm như bây giờ. Sông bị ô nhiễm do xả rác, nước xả thải công nghiệp…, mọi chất bẩn đều đổ ra sông. Dù có đầu tư bao nhiêu tiền, ra bao nhiêu luật mà chúng ta không có ý thức giữ gìn nguồn tài nguyên nước thì sẽ không thể khôi phục được tình trạng ban đầu.

Nếu để giải quyết tình trạng ô nhiễm thì phải bỏ chi phí rất lớn và mất rất nhiều thời gian. Ví dụ như Nhật Bản, họ phải mất 60 năm để xử lý vụ ô nhiễm thủy ngân. Để nước ô nhiễm là cái mất rất lớn” - bà Lý lo lắng nói.

Cũng theo bà Lý, vụ việc Formosa thời gian vừa qua là “điểm đen” về môi trường, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế của toàn xã hội.

Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các chuyên gia y tế cho biết ở nước ta, mỗi ngày thiệt hại về kinh tế 2 triệu đôla Mỹ do vệ sinh kém gây ra. Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 20 triệu người dân nông thôn chưa được tiếp cận với nhà tiêu hợp vệ sinh, trong đó gần 10% trường học và trạm y tế chưa có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh.

Đặc biệt, thường xuyên có khoảng sáu triệu người phóng uế bừa bãi, là nguyên nhân của việc 1.500 tấn phân tươi thải trực tiếp ra môi trường cũng như nguồn nước.

Vệ sinh môi trường kém dẫn đến những nguy cơ về dịch bệnh truyền nhiễm và cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị suy dinh dưỡng, thấp còi và tử vong.

 Theo các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia y tế, đầu tư cho bảo vệ môi trường sẽ cải thiện vệ sinh và xử lý nước thải để góp phần tạo nên môi trường sống bền vững. Từ đó, mỗi giờ sẽ cứu được một người, mỗi ngày cứu được hai trẻ dưới năm tuổi và nâng cao được tầm vóc, trí tuệ của thế hệ tương lai.

Cũng liên quan đến vấn đề môi trường, ông Vũ Sinh Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cho biết trước việc Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố danh sách 10 “làng ung thư” có nguồn nước bị ô nhiễm nặng, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng đánh giá tỉ lệ mắc ung thư và lấy các mẫu nước ăn uống, sinh hoạt để xét nghiệm.

Các mẫu nước ăn uống, sinh hoạt đều có hàm lượng chất hữu cơ, hóa chất bảo vệ thực vật và kim loại nặng nằm trong giới hạn cho phép.

Như vậy, chưa kết luận được mối liên quan giữa các trường hợp mắc ung thư và chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt của người dân tại các nơi mà Bộ Tài nguyên và Môi trường điều tra. Hiện Bộ Y tế đang tiến hành thành lập Hội đồng khoa học cấp Bộ để đánh giá. Dự kiến tháng 2-2017 sẽ đưa ra kết quả đánh giá khoa học cuối cùng và các khuyến nghị cần thiết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm