70% công trình chỉnh trang lấn chiếm hè đường, gây ô nhiễm

- Thưa ông, người dân rất bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông khi Hà Nội chỉnh trang các tuyến phố. Thanh tra xây dựng đã xử phạt các lỗi vi phạm này như thế nào?

- Trên các tuyến đường, dễ nhận thấy tình trạng gạch block mới, gạch cũ được cậy lên thay thế không được xếp gọn gàng, thậm chí đặt bừa bãi trên lòng đường. Cát đổ xuống lòng đường không được thu dọn gây bụi.

Theo quy định, các đơn vị thi công thuê vỉa hè để làm nơi trung chuyển vật tư từ 22h đến 6h sáng hôm sau, sau đó phải thu dọn để trả lại hè phố cho người đi bộ. Song thực tế đa số đơn vị thi công rào chắn và chiếm dụng hè phố làm nhà tạm, tập kết vật liệu. Thậm chí có nơi còn đào vỉa hè để hạ ống ngầm làm nhà vệ sinh cho công nhân sử dụng, như tại số 19 Bà Triệu. Với lỗi này, chúng tôi đã xử phạt 5 triệu đồng và yêu cầu dỡ bỏ ngay.

Chúng tôi cũng kiến nghị không cấp phép thuê hè nếu các đơn vị tái phạm. Nhắc nhở nhiều lần mà các đơn vị còn tái phạm thì sẽ bị phạt mức tối đa.

70% công trình chỉnh trang lấn chiếm hè đường, gây ô nhiễm ảnh 1
Vỉa hè dược tập kết vật liệu gây khó khăn cho người đi lại.
Ảnh: Hoàng Hà.

- Thanh tra xây dựng đã thống kê tình trạng vi phạm tại các dự án chỉnh trang như thế nào?

- Thanh tra Sở Xây dựng đã phối hợp với cảnh sát môi trường và các ngành kiểm tra gần 20 công trình, dự án chỉnh trang tuyến phố thì có tới 70% công trình có lỗi vi phạm.

Chúng tôi đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công theo đúng quy định và phải chú trọng khâu vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, có nơi chuyển biển, có nơi không.

- Sau khi kiểm tra, tình trạng tái vi phạm vẫn diễn ra, ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Ai trong cương vị của tôi cũng đều bức xúc. Mình đi kiểm tra xử lý song họ không thực hiện, có nơi còn chây ỳ không nộp phạt, như Xí nghiệp 5 thuộc Công ty cổ phần Xây dựng phát triển công trình hạ tầng. Khi thi công tuyến Hoàng Quốc Việt, đơn vị này không có biển báo an toàn, để vật liệu bừa bãi dưới lòng đường, chúng tôi đã mời đến nhiều lần để nộp phạt song không chấp hành. Theo quy định, các lỗi này sẽ bị phạt từ 15 đến 20 triệu đồng.

Công trình số 2 Phan Chu Chinh, thi công tại khu trung tâm thành phố song đơn vị xây dựng thường để vật liệu bừa bãi, nhắc nhở rồi phạt rất nhiều lần song họ vẫn tái phạm.

Tôi muốn lên án những chủ đầu tư đã làm ảnh hưởng đến bộ mặt của thủ đô. Giá như họ thường xuyên nhắc nhở đơn vị thi công thực hiện đúng theo quy định, trừ tiền nếu đơn vị làm sai thì các nhà thầu sẽ nghiêm túc hơn. Ngoài ra, ý thức của người tổ chức thi công kém, họ không quan tâm đến môi trường xung quanh.

- ý kiến cho rằng do nhiều chủ đầu tư là các Sở Xây dựng, Sở Giao thông và các quận huyện nên Thanh tra xây dựng thường không mạnh tay xử phạt, quan điểm của ông thế nào?

- Các trường hợp vi phạm đều bị xử phạt bình đẳng, không nương nhẹ. Ban đầu chúng tôi sẽ đôn đốc nhắc nhở, sau đó là xử phạt theo đúng quy định. Lực lượng thanh tra xây dựng chưa đến 30 người nên không thể xử lý trên toàn thành phố.

Mặt khác, không chỉ một cơ quan là thanh tra xây dựng xử phạt mà cả chính quyền địa phương. Theo tôi, các địa phương được giao quyền xử phạt song họ không phạt nghiêm túc. Nói đúng là họ chưa quan tâm và chú trọng đến vi phạm của đơn vị thi công.

Theo quyết định của Thủ tướng, việc xử phạt được giao cho chủ tịch các quận huyện là chính. Họ nắm rõ địa bàn nên cần có trách nhiệm.

Theo Đoàn Loan ( VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm