5 năm, giá phòng công nhân vẫn chỉ hơn 1 triệu đồng

Ông Đặng Văn Hương, giãi bày với Pháp Luật TP.HCM tại tọa đàm “Đồng hành cùng thanh niên công nhân TP.HCM - một chặng đường mới”, do Trung tâm hỗ trợ Thanh niên công nhân TP.HCM tổ chức, ngày 11-11.

Đồng hành cùng với trung tâm trong các hoạt động chăm lo cho công nhân lao động gần 10 năm nay, ông Đặng Văn Hương (75 tuổi) chủ khu nhà trọ (khu khố 1, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM), chia sẻ: Hồi đầu khu trọ chỉ có 20 phòng, đến nay lên 70 phòng, với 160 công nhân lao động lưu trú. Khảo sát khu trọ nhà tôi nề nếp, anh em làm việc ở trung tâm tìm đến và đặt vấn đề xây dựng khu nhà trọ của gia đình tôi thành Khu lưu trú văn hóa số 3, thấy ý tưởng hay nên tôi đồng ý ngay.

Lễ cưới tập thể  cho hàng trăm cặp công nhân là một trong những hoạt động nổi bật của Trung tâm hỗ trợ Thanh niên công nhân. Ảnh: P.ĐIỀN

Theo ông Hương, sự khác biệt giữa khu lưu trú văn hóa với các khu trọ khác là các sinh hoạt văn hóa văn nghệ, tuyên truyền về pháp luật… được duy trì thường xuyên, có sự đồng hành từ chính quyền. Ngoài ra, các anh chị làm công tác đoàn thường quan tâm đến đời sống anh chị em công nhân, trao học bổng cho con em họ, khuyến khích động viên học tập. Những việc làm như vậy rất có ý nghĩa đối với công nhân, vì sau giờ làm họ có nơi sinh hoạt tập thể, giao lưu sôi nổi.

“Gần 10 năm nay, tôi giữ giá phòng bình ổn, năm năm đầu giá 900.000 đồng/phòng/tháng. Năm năm sau khi nâng cấp, giá phòng nhích lên hơn 1 triệu với bốn người ở, mức giá này giữ ổn định trong năm năm nay. Cùng đó giá điện, nước đều được đăng ký bình ổn. Các dịp tết, tôi đều tổ chức tiệc mặn để anh chị em công nhân chia tay về tết. Mỗi phòng tôi trao một phần quà, các chị em ở lại ăn tết tôi trao thêm một phần” - ông Tập chia sẻ.

Luật sư Nguyễn Thanh Thanh, đồng hành cùng trung tâm năm năm về tư vấn pháp lý cho công nhân lao động, hỗ trợ pháp luật cho các đội nhóm của trung tâm, lưu ý: Các hoạt động của trung tâm thời gian tới, không chỉ tập trung hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần cho thanh niên công nhân, mà cần tổ chức các phiên tòa giả định để vừa giáo dục, răn đe thanh niên công nhân tham gia đua xe, trộm cắp tài sản.

Ngoài ra, cần mở rộng thêm các phiên tòa giả định về đời sống hôn nhân gia đình, án lao động, tư vấn tình cảm hôn nhân, vì đời sống công nhân lao động của TP.HCM rất đa dạng. Đồng thời cần mở rộng thêm địa bàn mở các phiên tòa giả định để lan tỏa thông tin, thay vì chỉ tập trung ở các địa chỉ quen thuộc.

10 năm qua, Trung tâm hỗ trợ Thanh niên công nhân TP.HCM, đã tổ chức hàng loạt hoạt động chăm lo vật chất, tinh thần cho hàng chục ngàn lượt công nhân lao động đang làm việc tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Nổi bật nhất là chương trình “Chuyến xe thanh niên công nhân” đưa hàng ngàn công nhân lao động về quê ăn tết mỗi năm;  tổ chức “Lễ cưới tập thể” cho hàng trăm cặp công nhân; trao hàng chục “Căn phòng ước mơ” miễn tiền trọ một năm cho hàng chục đôi vợ chồng công nhân…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm