1 năm chỉ được ốm 2 lần, mỗi lần không quá 5 ngày

Theo BS Vương Thị Hải Anh, Trưởng trạm Y tế Việt Hồng, huyện Chấn Yên, tỉnh Yên Bái, gói dịch vụ y tế cơ bản theo Thông tư 39 của Bộ Y tế là một trong những bước phát triển và ưu tiên rất nhiều tuyến cơ sở. Tuy nhiên, muốn người dân tập trung vào y tế tuyến dưới, tin tưởng bác sĩ ở trạm y tế thì cần phải thay đổi quy định chi BHYT mới có thể thành công.

Dẫn thực tế tại Trạm Y tế xã Việt Hồng, BS Hải Anh cho rằng theo quy định, trạm y tế xã khi có người đến điều trị chỉ được phép cho bệnh nhân điều trị năm ngày. Tuy nhiên có nhiều người bị nặng có thể ốm bảy, tám ngày thì làm sao. Không lẽ hết ngày thứ năm lại đuổi bệnh nhân về để dễ quyết toán BHXH hoặc nói ngày thứ sáu thì thẻ BHYT không chi trả nữa. Ngoài ra, vấn đề chi BHXH chỉ dành 20% cho tuyến xã thì còn quá ít.

“Khi kê đơn cho bệnh nhân chúng tôi phải co kéo, đề xuất lấy thuốc phải cân bằng giá cả cho phù hợp, chỉ kê rất nhẹ tay bởi vì một đơn chỉ có thể kê từ hai đến ba loại thuốc vì sợ vỡ quỹ dù đã tiết kiệm hết mức. Có thể nói là một người không dám kê quá 50.000 đồng tiền thuốc. Cạnh đó, một thẻ BHYT có 500.000 đồng thì tổng chi cho người dân tuyến xã có hơn 100.000 đồng, tức là một đơn chắt bóp chỉ 50.000 đồng một lần kê. Trong khi đó làm sao quy định một người chỉ được ốm một năm hai lần, một lần ốm không quá năm ngày trong khi người dân rất quan tâm đến sức khỏe của mình. Người khỏe mạnh lắm một năm cũng sẽ ốm vài ba lần” - bà Hải Anh thắc mắc.

Cùng quan điểm với BS Hải Anh, BS Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái, cho rằng việc phát huy Thông tư 39 là điều rất cần thiết vì khi người dân tin tưởng tuyến cơ sở thì tuyến huyện sẽ nhẹ hơn. Thế nhưng để nó thành công phải triệt tiêu việc suy nghĩ một ngày khám ở xã chỉ được điều trị 10.000 đồng, vì nếu điều trị ở xã năm ngày xong kêu người ta về thì tội người dân. Cuối cùng họ lại lên tuyến huyện...

“Nếu muốn Thông tư 39 về gói y tế cơ bản thành công, chúng ta cần phải điều chỉnh ngay mức BHYT, không còn khống chế ở mức 20%. Nếu như không thay đổi thì tôi cho rằng Thông tư 39 sẽ thất bại ngay từ ban đầu” - ông Tuyến khẳng định.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cũng nêu ý kiến, 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân là có thể giải quyết được từ tuyến y tế cơ sở. Tuy nhiên, thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy cả nước có khoảng 19% tổng số người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế xã, phường, thị trấn. Tổng kinh phí bảo hiểm chi cho dịch vụ khám chữa bệnh tại đây chiếm khoảng 3%.

Con số trên chứng tỏ tỉ lệ người dân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại y tế tuyến cơ sở chưa cao. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó phải kể đến tình trạng nghèo nàn về dịch vụ, thiếu nhân viên y tế trình độ chuyên môn cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm