1/3 số công nhân ở TP.HCM sống tiện tặn

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa, quê Quảng Nam, làm công nhân may ở TP.HCM đã 23 năm. Chồng chị cũng là công nhân may. Hơn hai thập niên làm công nhân ở TP.HCM, tài sản lớn nhất hai anh chị có được là hai đứa con ngoan, chăm học, ngoài ra chẳng có gì, dù anh chị luôn làm việc tới 8, 9 giờ tối mỗi ngày. Chị bày tỏ: “Ngay cả lương hưu chúng tôi cũng sẽ không có bởi mỗi lần nghỉ việc hoặc cần mua những thứ thiết yếu như xe máy, tủ lạnh, chúng tôi đã phải rút khoản bảo hiểm xã hội một lần để sử dụng”. Anh chị dự định sẽ về quê vì cuộc sống lay lắt ở TP quá mệt mỏi nhưng tương lai cũng vẫn không có gì là chắc chắn.

Chị Kim Thoa và một số công nhân khác đã kể lại cuộc sống tằn tiện, kham khổ của mình trong cuộc khảo sát của ThS Tô Thị Thùy Trang, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, vào tháng 7 vừa qua.

Cuộc sống khó khăn, không tích lũy

Ngày 10-10, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học bàn về chất lượng cuộc sống hiện nay của công nhân trên địa bàn TP. 

Theo ThS Tô Thị Thùy Trang, cảnh sống bấp bênh như gia đình chị Kim Thoa là khá tiêu biểu cho những gia đình công nhân có con cái. Nhưng có nhiều gia đình còn khó khăn hơn do thiếu nợ. Vợ chồng chị Huyền, quê Trà Vinh, đang làm việc tại Khu công nghiệp Tân Bình, cùng con gái sống trong một phòng trọ 9 m2 có giá thuê gần 2 triệu đồng/tháng, trong khi lương anh chị cộng lại chỉ khoảng hơn 8 triệu đồng. Mỗi lần lãnh lương là chị đi trả nợ tiền học phí, tiền vay sinh hoạt…

Cũng theo ThS Thùy Trang, thời gian làm việc của công nhân quá dài, thường bắt đầu từ 7 giờ sáng và làm tăng ca đến tối. Họ không có thời gian lẫn tiền bạc cho các hoạt động văn hóa tinh thần. Ngủ là ưu tiên hàng đầu khi có chút thời gian rảnh. Thú vui của công nhân là nằm dài ở nhà trọ xem tivi. Với nam công nhân, nhậu nhẹt trở thành loại hình giải trí nhiều hệ lụy. Cuộc sống tinh thần thiếu thốn khiến công nhân dễ bị dẫn đến tệ nạn xã hội, dễ bị kích động, lôi kéo, tụ tập…

Nhiều khảo sát chỉ ra rằng thu nhập của công nhân ở TP.HCM phần lớn chi cho lương thực, thực phẩm. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Các mối quan hệ lỏng lẻo, đứt gãy

ThS Nguyễn Thị Minh Châu, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, chia sẻ câu chuyện của chị HTC, công nhân may tại Công ty FDI. Chị làm công nhân ở TP.HCM đã 10 năm, chồng chị làm công nhân xây dựng. Vợ chồng chị có tổng thu nhập mỗi tháng trên dưới 10 triệu đồng. Với thu nhập đó, chị không thể lo được cho hai con ở TP nên phải gửi con về cho ông bà nội chăm sóc. Chị C. buồn bã cho biết: “Khi em về thăm, con không nhận ra em. Bà nội đưa con lên TP thăm mẹ, con cũng không theo mẹ, mẹ cũng bận không có thời gian cho con”.

Các đại biểu dự hội thảo đã đưa ra nhiều đề xuất cho TP nhằm cải thiện chất lượng đời sống công nhân. TS Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết sẽ tổng hợp, đánh giá các ý kiến và báo cáo lãnh đạo TP. 

Nhiều gia đình công nhân đã bất hòa, đổ vỡ bởi người nữ công nhân không có thời gian chăm sóc gia đình. Thậm chí nhiều công nhân khi được phỏng vấn cho biết họ không dám kết hôn vì cuộc sống luôn thiếu hụt, tù túng, bế tắc.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đại Ngọc, Phó Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, Ban quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, cho biết nhiều công ty chưa đảm bảo chất lượng bữa ăn trong ca làm việc cho công nhân. 90% suất ăn có giá từ 15.000 đến 20.000 đồng. Những nơi cung cấp bữa ăn có giá dưới 15.000 đồng chiếm khoảng 6%. Ông Ngọc nói: “Không có quy định nào của pháp luật bắt buộc bữa ăn cho công nhân phải đảm bảo về hàm lượng dinh dưỡng. Chúng tôi chỉ có thể vận động các doanh nghiệp quan tâm đến chất lượng bữa ăn”.

Chỉ một số ít công nhân có tích lũy

- 17,4% công nhân có dư và tích lũy.

- 43,7% vừa đủ trang trải cuộc sống

- 26,5% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ.

- 12,5% thu nhập không đủ sống

(Theo khảo sát của Viện Công nhân và công đoàn năm 2018) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm