Đua nhau sắm đồ nghề ‘coi cọp’ World Cup

Đúng một tuần nữa, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh khai mạc tại nước Nga nhưng Việt Nam vẫn chưa sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2018.

Khi “thượng đế” chống đói chứ không chịu nhịn đói

Đại diện nhà đài VTV cho biết đã trả giá cuối cùng cho đối tác Infront Sports & Media (ISM) vào ngày 29-5 và vẫn chưa biết có hay không bản quyền truyền hình World Cup 2018. Điều này khẳng định các “thượng đế” cứ phải chờ cái gật đầu từ đối tác của VTV.

Sau bản tin phát trên chương trình thời sự VTV hồi đầu tuần cùng những hứa hẹn mà VTV nếu giờ chót không có bản quyền truyền hình trực tiếp 64 trận đấu tại World Cup 2018 thì cũng có cách phát sóng theo kiểu “khó thì làm khó” như: Hình ảnh những trận đấu World Cup 2018 vẫn lên sóng VTV bằng hình thức bản tin mà mỗi trận đấu có khoảng 60-90 giây hình ảnh do VTV mua lại để mang đến cho khán giả” - sự kiên nhẫn chờ một World Cup xem “tẹt ga” như mọi mùa giảm hẳn.

Trước nguy cơ giới hâm mộ Việt Nam nhịn đói xem World Cup 2018 trong khi 218/219 liên đoàn bóng đá thành viên của FIFA đều có bản quyền truyền hình World Cup 2018, “thị trường” mua sắm “đồ nghề” để tự mình cứu mình với 1.001 cách xem World Cup nhộn nhịp hẳn.

Chuyển sang chế độ chờ xem World Cup trên… Internet

18 giờ ngày 6-6, chúng tôi thử kiểm tra bằng từ khóa: “Xem World Cup không bản quyền” thì nhận được 33,2 triệu kết quả trong 0,22 giây. Điều này khẳng định nhu cầu của các “thượng đế” trong việc tự cứu mình một tuần trước bóng lăn rất lớn. Tương tự là từ khóa: “Tìm link xem World Cup” nhận được 18,3 triệu kết quả trong 0,77 giây.

Mới đây cũng có một tin vui được tiết lộ là có một đơn vị cũng đang thương thảo để mua bản quyền phát sóng World Cup trên nền tảng Internet. Lập tức giới chuyên môn dự đoán chỉ có hai đơn vị có độ phủ sóng rộng trên nền tảng Internet là FPT và MyTV đủ sức chạy đua mua bản quyền phát sóng trên Internet. Thông tin này lập tức khiến nhiều “thượng đế” chuyển hướng chờ từ cách xem TV truyền thống sang kiểu xem qua Internet được phát trên các màn hình TV và hồi hộp chờ đợi.

Trao đổi với chúng tôi về sự kiên nhẫn chờ xem World Cup bằng phương thức mới, chị Trịnh Thị Thanh Tâm ở quận 7 chia sẻ: “Nói thật là tôi không quan tâm World Cup nhiều lắm nhưng cứ thấy ông xã và bạn bè “bày mưu tính kế” xem trong trường hợp không có bản quyền thì cũng quan tâm. Gia đình tôi thuê bao truyền hình FPT, nay nghe phong thanh có khả năng được xem World Cup trên nền tảng Internet gì gì đó cũng thấy nôn nao cùng ông xã”.

Song song đó, việc “săn” các đầu thu dạng TV Box cũng đang là “mốt” trong giai đoạn “tự cứu mình”. Dạng đầu thu này cũng đang được các “thượng đế” kháo nhau và nhộn nhịp hẳn ở những khu chợ đầu mối chuyên những mặt hàng điện tử như chợ Nhật Tảo và ở những website bán hàng online bao luôn khâu lắp ráp. Tất nhiên, phần bao ở đây chỉ là hình ảnh từ nhiều kênh đã có chứ riêng các trận ở World Cup thì các “thượng đế” còn phải lệ thuộc… hên xui.

Anh A Sáng, một chủ cửa hàng ở Nhật Tảo, cho biết hai ngày qua số lượng đầu thu của anh “cháy hàng” dù khi lắp ráp thì anh chỉ bảo đảm số kênh thu được chứ không đảm bảo có các trận World Cup.

Nhộn nhịp thị trường đầu thu xem “lậu” và xem “ké”

Cũng từ “hoàn cảnh” mà dân ghiền kháo nhau và cũng đang háo hức sắm “đồ nghề” là trường hợp xấu nhất sẽ lệ thuộc vào bộ thu truyền hình vệ tinh giá rẻ xem “ké” sóng World Cup từ các quốc gia lân cận. Cách xem “lậu” trên không được ủng hộ và khuyến khích nhưng dân trong nghề lại đang truyền tai nhau là rất hiệu quả vì đã từng kiểm chứng qua Champions League, Ngoại hạng Anh khi bị độc quyền.

Hôm qua (6-6), trên các diễn đàn dày đặc lời rao những bộ thu truyền hình vệ tinh giá rẻ dao động khoảng 500-1 triệu đồng với lời nhấn: “Có thể thu được tín hiệu vệ tinh từ các nước lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar”. Lập tức các diễn đàn này nhao nhao lên chia sẻ nhau. Thậm chí còn có những “video hướng dẫn chi tiết” cách thu sóng World Cup từ vệ tinh Thaicom5 hay các quốc gia lân cận sẽ được chỉ vẽ tận tình (!?).

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia trong ngành viễn thông chia sẻ: “Nguy hiểm trong 1.001 cách xoay xở xem World Cup khi Việt Nam không có bản quyền, đó là người xem vì nhu cầu lớn mà bất chấp một số kiểu lắp ráp hay sử dụng những dụng cụ, những mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc và bị cấm. Ngay cả những cách “chữa cháy” xem “chùa”, xem “cọp” đấy cũng có nhiều loại hình bị cấm mà nhiều người không biết nhưng cứ lao vào để thỏa mãn…”.

Chuẩn bị đường truyền

Những ngày qua, dân mạng và các “thượng đế” bày nhau cách xem World Cup phổ biến nhất như đã từng xem các trận Super Sunday ở Premier League hay Champions League trong trường hợp nhà không có kênh của đài truyền hình độc quyền. Đó là kiểu “rà sóng” thời đại 4.0 qua việc tìm “link lậu”.

Kiểu “xem chùa” bóng đá này lệ thuộc lớn vào tốc độ đường truyền nên điều các “thượng đế” sợ nhất là không có Internet chứ không phải không có sóng hay không có bản quyền. Đấy cũng là lý do hai ngày qua số lượng “thượng đế” đi nâng cấp đường truyền Internet nhà mình tăng mạnh. Nói về việc nhiều nhà đi nâng cấp đường truyền, anh Nguyễn Văn Tiến, nhân viên phụ trách cáp quang của Viettel ở khu vực quận Phú Nhuận và Bình Thạnh, chia sẻ: “Không biết các nhà mạng khác thế nào nhưng mật độ nâng cấp và cả khách hàng mới hợp đồng thuê bao cáp quang của Viettel tăng hẳn trong những ngày qua. Một số hộ thuê bao nói thẳng họ chuẩn bị đường truyền để xem World Cup”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm