Người Sài Gòn múa lân, rồng cầu tài lộc đầu năm mới

Theo khẩu truyền xuất xứ từ phương Bắc, lân, rồng vốn là biểu trưng của sự thịnh vượng, hanh thông; múa lân, rồng trong dịp tết, lễ nhằm xua tan u ám, thổi một luồng khí lực vào chốn nhân gian cho mùa màng tươi tốt, làm ăn phát tài, cuộc sống tốt tươi, nhân gian an hưởng thái bình, hạnh phúc.

 Những đoàn lân, rồng biểu diễn tại các sở làm, công ty đầu năm mới theo sở nguyện của gia chủ cho một năm làm việc hanh thông, thịnh vượng, xua tan đi những khó khăn, bất trắc trong năm cũ. Các đội lân thường biểu diễn theo kiểu múa "tam tinh" với ba lân, sắc diện đỏ, vàng, đen biểu trưng cho Phúc, Lộc, Thọ vốn là mong ước truyền đời của người dân theo triết lý phương Đông.

 Người múa lân thường có đào luyện qua thể thao, võ thuật. Họ nhỏ con và cực kỳ linh hoạt, chuẩn xác trong hành động. Mỗi đoàn lân, rồng có sắc diện, trang phục khác nhau nhưng lấy màu chủ đạo là vàng và đỏ biểu trưng cho sự ấm áp, sinh sôi; họ cũng biểu diễn theo kiểu riêng nhưng thường thống nhất theo từng điệu được lưu truyền từ xa xưa như: Múa "tam tinh", múa "song hỉ", múa "tam anh"..., mỗi khi có đoàn lân biểu diễn phố phường rộn rã bởi tiếng trống, phèng la thu hút nam, phụ, lão, ấu đứng chiêm ngưỡng.

Theo khẩu truyền, ông Địa mặt mũi hồng hào, miệng cười phúc hậu, bụng to, cử chỉ tướng mạo hiền lành, vui vẻ nhưng không kém phần uyển chuyển. Ông Địa vốn là hóa thân của Phật Di Lặc. Phật lấy đức mà cảm hóa được quái vật tức lân để giáng phúc cho nhân gian. Trong múa lân, ông Địa có thể gọi là nhân vật trung tâm, vui đùa với mọi người, vui đùa với lân tạo không khí thuận hòa, vui vẻ, thoải mái.

Lân, rồng linh hoạt trong di chuyển, kèm theo đó là tiếng trống, tiếng phèng la được đánh theo điệu, nhịp lúc nhặt lúc khoan khiến lòng người rộn rã, tươi mới. 

Lân được trang trí công phu, màu sắc sặc sỡ, chi tiết tinh xảo, mắt miệng đều có thể cử động. Trong lân thường do hai người điều khiển, hoạt động nhịp nhàng theo nhạc, thi thoảng mỗi khi kết thúc điệu là tiếng hô của những người trong đoàn khiến khung cảnh lại thêm phần náo nhiệt.

 Trong đoàn, những người điều khiển lân được ưu tiên vì có kỹ thuật, sức khỏe và sự linh hoạt hiếm có ở người thường. Họ có thể thoải mái biểu diễn những kỹ thuật tung hứng khá phức tạp nhưng sự mệt mỏi ít khi hiển hiện.

Theo truyền thuyết xa xưa, Phật Di Lặc lấy cỏ trên núi cho lân ăn để hàng phục. Nhân gian vì thế thường lấy rau cải kèm phong bao lì xì đỏ rực buộc chung, treo lên cao để lân trèo lấy. Lúc này lân chỉ có một người điều khiển leo lên cọc tre cao hàng thước, khéo léo kết hợp kỹ thuật tự thân để đoạt lấy cỏ cùng phong bao đỏ.

 Riêng ông Địa thì đứng ở dưới, trêu đùa, phe phẩy quạt.

 Đa số các đoàn lân đều dùng cọc tre đực già được nắn thẳng qua nước và lửa, một số đoàn thiết kế chân trụ bằng khung thép, một số đoàn khác thì hè nhau, mỗi người một tay vào giữ cột để lân trèo lên biểu diễn lấy cỏ và phong bao.

 Giữa trời nắng chang chang, không khí đôi lúc có phần oi bức, một số người đánh trống trong đoàn lân hoạt động luôn tay, mồ hôi ròng ròng, tóc tai ướt đẫm. Nhưng họ không hề có một biểu hiện mệt mỏi.

 Lân sau khi "giật" được cỏ cùng phong bao đỏ thì cỏ được giao cho một người giữ, phong bao cũng giao cho một người quan trọng trong đoàn giữ.

 Ông Địa sau khi đi vào nhà chúc tết, vái chào, vui đùa cùng mọi người, đồng thời dẫn lân vào. Sau đó gia chủ sẽ "lì xì" cho ông Địa.

 Trước đây múa lân, rồng thường khá phức tạp, kéo dài lâu, với nhiều pha biểu diễn đậm chất võ thuật. Nhưng nay, nhiều phần đã được lược bỏ theo "gói" mà gia chủ thuê. Sau khi kết thúc phần múa lân sẽ đến phần múa rồng do khoảng bảy người điều khiển trong tiếng chiêng và trống.

Múa rồng thể hiện sự uy nghiêm, oai dũng trong động tác, rồng uốn lượn, uyển chuyển linh hoạt. Múa rồng cũng có rất nhiều điệu được thể hiện bài bản, càng phức tạp thì đòi hỏi thời gian thể hiện lâu, nhiều người tham gia. 

 Được biết một số đoàn lân là các lò võ; chủ các đoàn lân một số là người Hoa, một số là người Việt. Theo một chủ đoàn lân, "lương" mỗi người trong đoàn vào khoảng 3 triệu đồng/tháng tùy thời điểm và có "khách" hay không. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm