Làng nhang Bình Chánh rực rỡ sắc màu khi vào vụ Tết

Một tháng trước Tết âm lịch, đường Mai Bá Hương (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) trở nên rực rỡ, nhộn nhịp hơn bao giờ hết khi nhiều hộ gia đình tất bật cho công việc làm nhang có từ bao đời nay. Ông Nguyễn Văn Bảy (54 tuổi, người có thâm niên làm nhang gần 20 năm) tranh thủ những ngày trời nắng to để phơi nhang, kịp cung cấp cho thị trường. 

Mỗi ngày, cả nhà ông Bảy đều tranh thủ thức dậy từ 4 giờ 30 phút sáng để nhuộm tăm, se nhang. Ông Bảy cho biết, nhà ông cũng như nhiều hộ dân xung quanh không có hàng trữ cho Tết và cho khách sỉ vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Do vậy, thời điểm này mọi người phải tập trung sản xuất, sản lượng tăng gấp đôi so với Tết năm ngoái.

Tranh thủ một buổi sáng nắng đẹp, ông Bảy phơi những bó tăm nhang để kịp làm cho thiên tiếp theo. Những bó tăm nhang được người thợ xòe tròn và phơi khoảng một ngày trước khi đưa vào sản xuất.

Vì phải nhuộm tăm nhang nhiều nên tay ông Bảy lúc nào cũng có màu đỏ rực. "Làm nghề này, một năm chỉ có mấy ngày này là cực nhất, nhưng ai cũng vui vì có nhiều sản phẩm, thêm thu nhập cho gia đình" - Ông Bảy chia sẻ.

Khoảng chục năm nay, các hộ dân đã sử dụng máy se nhang thay vì làm thủ công như trước. Người thợ chỉ cần cho bột nhang vào phễu, đặt chân nhang vào vị trí, máy chạy sẽ cho ra một cây nhang hoàn thiện.

Bột nhang chủ yếu được làm từ mùn cưa của thân cây dó bầu, cây lồng mức... Mùi hương của nhang thì tùy vào nhu cầu của khách hàng mà nhào trộn cho phù hợp, có hương trầm, hương quế, hương tùng... Khi trộn, người thợ sẽ cho keo vào để kết dính bột nhang. 

Nhờ máy móc, công đoạn se nhang được rút ngắn tối đa và thành phẩm là những nén nhang đồng đều, chất lượng hơn so với làm bằng thủ công.

Trung bình mỗi hộ sẽ sản xuất từ 3 đến 5 ngàn thiên nhang một ngày.

Tranh thủ ngày nắng, người thợ đem phơi những thiên nhang mới thành phẩm. Còn cơ sở sản xuất lớn sẽ dùng máy sấy nhang giúp tăng năng suất, không còn phụ thuộc vào thời tiết.

Dưới cái nắng trong veo óng ả, cả con đường Mai Bá Hương đượm mùi thơm của nhang.

Những bó nhang như thế này sẽ được các khách sỉ đến mua. Khách mang về sẽ chia ra đóng gói trong nhiều loại bao bì kích cỡ khác nhau. 

Năm 2022, người làm nhang ở xã Lê Minh Xuân phấn khởi vì làng nghề vẫn rộn ràng những ngày cuối năm, ai cũng chỉ mong được đón một cái Tết đủ đầy.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm