Xứ Ka Đơn, nơi lưu giữ linh hồn người Chu Ru

Ở đó không chỉ có một kiến trúc tôn giáo hiện đại, đặc sắc nằm giữa rừng thông mà cả những nét văn hóa bản địa đã và đang được phục dựng, giữ gìn…

Hiện nay cung đường đến Đà Lạt, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) là một điểm đến mới của du khách, nhất là các bạn trẻ. Ở đó, ngoài nông trại bò sữa “organic”, những cung đường với thông vi vu, cỏ dại, những nông trại rau củ còn có một nhà thờ thấm đẫm văn hóa, tinh thần người Chu Ru, K’Ho nằm ẩn mình giữa rừng thông.

Những dòng Thánh kinh bằng tiếng Chu Ru

Từ những năm 1950, những linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris đã bắt đầu tiếp xúc với người bản địa Chu Ru. Từ dấu mốc tháng 11-1960, khi Giáo phận Đà Lạt được thiết lập cùng với việc thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, các thừa sai mới thuộc Tu hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn đã tiếp tục đến với vùng Đơn Dương.

Nhà nguyện tại làng Ka Đơn. Ảnh: Giáo xứ Ka Đơn cung cấp

Gần 70 năm qua với nhiều biến động từ lịch sử, di dân…, huyện Đơn Dương không chỉ có người Chu Ru mà còn có K’Ho, Kinh… Và cũng theo những biến động đó, từ nơi Hội Thừa sai Paris “cắm lều cư ngụ” đã dần có nhà nguyện đầu tiên (1967) tại làng Ka Đơn. Cho đến năm 1991, với sự giúp đỡ của Tòa Giám mục Đà Lạt, Tu hội Truyền giáo Vinh Sơn, linh mục và thầy ở nhà nguyện Ka Đơn đã dựng lên nhà thờ Ka Đơn trên mảnh đất mua lại.

Nhà nguyện Ka Đơn là nơi sinh hoạt chung của các làng Rơlơm, Madanh, Kađơn, Karái, Kađê, Karăngchớ, Karăngọ, Proh. Các linh mục cùng các giáo lý viên người Chu Ru đã cùng chuyển ngữ Tin Mừng, giáo lý, thánh ca, kinh đọc… sang tiếng Chu Ru. Và mỗi thánh lễ bài đọc được đọc bằng tiếng Chu Ru, những bản nhạc Chu Ru vang lên giữa tiếng cồng, chiêng…

Nghề gốm ở làng Karăngọ đang được đưa trở lại. (Ảnh do Giáo xứ Ka Đơn cung cấp).  Ảnh nhỏ: Dàn nhạc của người bản địa được sử dụng trong những thánh lễ ở Giáo xứ Ka Đơn.  Ảnh: QUỲNH TRANG

Kiến trúc thánh nổi tiếng thế giới

Chính linh mục các thời kỳ ở đây, nhất là linh mục Giuse Nguyễn Đức Ngọc - người gắn bó gần 50 năm ở Ka Đơn (từ năm 1972) đã tiếp tục giữ gìn văn hóa Chu Ru bằng việc nghiên cứu và biên tập phong tục, ca dao, tục ngữ của người Chu Ru, biên soạn từ điển Chu Ru. Từ nhà thờ cổ, một phòng nhỏ truyền thống Chu Ru được xây dựng để giới thiệu những hình ảnh truyền giáo đến vùng Ka Đơn, cũng như bảo tồn văn hóa vật thể của người Chu Ru và K’Ho.

Vào năm 2008, một bản thiết kế ngôi nhà thờ Ka Đơn của hai sinh viên Vũ Thị Thu Hương và Nguyễn Tuấn Dũng (ĐH Kỹ thuật Berlin, Đức) làm luận văn thạc sĩ đã được hình thành. Trên bản vẽ là một ngôi nhà thờ mang nét văn hóa Chu Ru - K’Ho, cùng với việc giữ gìn văn hóa Chu Ru, nâng đỡ người nghèo tại vùng đất… Luận văn này đã nhận được giải thưởng châu Âu kiến trúc thánh vào năm 2011 tại Ý và đánh động đến nhiều cộng đoàn, giáo dân. Từ đó, bản vẽ luận văn đã được hiện thực hóa thành nhà thờ Ka Đơn hiện nay với phần hỗ trợ tài chính từ quỹ truyền giáo quốc tế Missio Aachen (Đức), Tổng giáo phận Berlin (Đức) và các ân nhân trong, ngoài giáo xứ.

Công trình kiến trúc Thánh nổi tiếng thế giới - Nhà thờ Ka Đơn. Ảnh: Quỳnh Trang

Khi nhà thờ hoàn thiện vào năm 2014, công trình tiếp tục nhận được giải nhì cuộc thi Kiến trúc thánh quốc tế (2016). Nhà thờ Ka Đơn là biểu tượng của việc giữ gìn văn hóa bản địa người Chu Ru bởi kiến trúc nhà thờ như một nhà rông ẩn giữa rừng thông, không có tường bao, không có tháp chuông cao lớn… để bất cứ ai cũng có thể bước vào nhà Chúa. Ở nhà thờ Ka Đơn, bất cứ ai tham dự thánh lễ dù đứng bên trong hay bên ngoài nhà thờ cũng đều cảm nhận được bầu không khí cầu nguyện chung. Vật liệu chính của nhà thờ là gỗ thông tại địa phương; tất cả phù điêu, bình đựng nước thánh… bên trong nhà thờ cũng đều bằng gốm địa phương kết hợp những mảnh gỗ của nhà nguyện thuở đầu với mục tiêu giữ gìn lịch sử truyền giáo ở Ka Đơn.

Tìm đầu ra cho gốm của người Chu Ru

Không chỉ làm mà cộng đoàn Giáo xứ Ka Đơn đã cùng chung tay tìm đầu ra cho các sản phẩm gốm lẫn trang sức bạc của người Chu Ru. Ngay chính tại nhà thờ Ka Đơn là nơi phân phối đầu tiên sản phẩm gốm. Hầu như ai đến thăm xứ cũng mang về bên mình cái nồi, tô, bình, bộ trà, siêu nấu thuốc…, thậm chí là tượng, ảnh bằng gốm Chu Ru. 

Xứ Ka Đơn, nơi lưu giữ linh hồn người Chu Ru ảnh 4

Phục hồi nghề gốm Chu Ru

Nếu nhà thờ Ka Đơn là trung tâm chính của công trình Giáo xứ Ka Đơn thì dãy nhà xứ bên tay trái lối vào nhà thờ là một không gian đặc sắc của văn hóa Chu Ru. Một phần dãy nhà xứ được linh mục quản xứ Ka Đơn biến thành bảo tàng của người Chu Ru. Du khách đến đây có thể tìm thấy những cồng, chiêng, khèn, trống, đồng la… được người Chu Ru dùng trong đám tang, đám cưới hay trong những ngày hội… Những dòng giới thiệu về adăt đih apui (tập tục sinh nở), cúng Yàng buai (thần đỡ sinh), tập tục bắt chồng, cách làm men rượu cần từ các vỏ cây đặc trưng: dòng wờng, dòng hơrẽ, dòng lơkuah… cũng hiện diện ở đây.

Gốm thủ công của người Churu không nhiều hoạ tiết nhưng mềm mại nhờ bàn tay của khéo léo của người dân nơi đây. Ảnh: Quỳnh Trang

Và đặc sắc nhất chính là không gian trưng bày gốm mộc của người Chu Ru. Gốm thủ công với nguyên liệu đất sét, nung với lửa của củi rừng vùng núi tại địa phương đã được người Chu Ru sử dụng từ xa xưa. Đó là sản phẩm của làng Karăngọ, một trong những làng thuộc xứ Ka Đơn. Tên Karăngọ (làng làm nồi) cũng thể hiện ý nghĩa nghề truyền thống của làng. Tuy nhiên, theo thay đổi thói quen sinh hoạt, môi trường xã hội… mà dần dà rất ít người Chu Ru còn làm và sử dụng gốm. Chính linh mục quản xứ, ban hành giáo ở xứ Ka Đơn đã tìm những người thợ còn lại để phục hồi nghề làm gốm ở làng.

Việc giữ gìn văn hoá bản địa Churu đã và vẫn được các thế hệ linh mục quản xứ Ka Đơn, Giáo phận Đà Lạt gìn giữ. Có thể nói, giáo xứ Ka Đơn là một biểu trưng cho tinh thần cởi mở trong hành trình truyền giáo, bởi bất cứ người nào cũng đều được Thiên Chúa yêu thương. 

Phát triển nông sản hữu cơ cho giáo dân Ka Đơn

Dấu ấn của linh mục quản xứ tiền nhiệm Giuse Nguyễn Đức Ngọc thể hiện rõ trong việc lưu giữ văn hóa, kiến trúc nhà thờ Ka Đơn vẫn tiếp tục được linh mục Phêrô Trần Quốc Hưng Long (Chánh xứ Giáo xứ Ka Đơn hiện nay) thực hiện.

Toàn bộ Giáo xứ Ka Đơn hiện có hơn 5.500 giáo dân, bên cạnh cùng giáo dân giữ gìn, phát triển những làng nghề đang có, linh mục Phêrô Trần Quốc Hưng Long còn tìm hiểu về cách thức trồng trọt của người dân tại đây. Và linh mục nhận ra người Chu Ru, K’Ho sống rất gần gũi với thiên nhiên. Linh mục Phêrô Trần Quốc Hưng Long đã thực hiện mô hình trồng rau hữu cơ cho người đồng bào ở đây, giúp họ trở lại đúng đời sống gần gũi, thân thiện với môi trường. Linh mục Phêrô cũng tìm tòi những giống rau, củ mới phù hợp với thổ nhưỡng, tập tục của người địa phương để có thể phát triển.

Vườn rau hữu cơ thử nghiệm trước nhà thờ Ka Đơn hiện cung cấp hằng tuần về TP.HCM cho những cá nhân từng đến Ka Đơn và đang được mở rộng cho người dân địa phương. 

Các em thiếu nhi Thánh thể tập cho lễ dâng hoa. Ảnh: Quỳnh Trang

Nhà thờ Ka Đơn chính là không gian sinh hoạt cộng đồng của giáo dân lẫn người dân địa phương. Ảnh: Quỳnh Trang

Nhà thờ sử dụng vách ngăn bằng kính và dễ dàng di chuyển để mở rộng toàn bộ không gian nhà thờ cũng như giữ ấm cho mùa gió lạnh. Ảnh: Quỳnh Trang

Toàn bộ kiến trúc, nội thất của nhà thờ Ka Đơn không sử dụng đinh, vít mà đều bằng các mối nối cùng chất liệu gỗ. Ảnh: Quỳnh Trang

Mỗi tuần giáo xứ Ka Đơn có hai thánh lễ bằng tiếng Churu, K'Ho. Mỗi thánh lễ với sự tham gia của 1.500-2000 giáo dân. Ảnh: Quỳnh Trang

Nhà thờ nằm giữa rừng thông xanh. Ảnh: Quỳnh Trang

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm