PGS-TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI:

‘Xin đừng coi khán giả là bầy cừu!’

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái thừa nhận mặt tích cực của một số chương trình truyền hình thực tế (THTT). Tuy nhiên, bà cũng cho rằng bằng việc Việt hóa một cách sống sượng một số chương trình hoặc sử dụng quá nhiều chiêu trò, thiếu chọn lọc hoặc đặt cao lợi nhuận, cẩu thả và thiếu trách nhiệm như chương trình Điều ước thứ 7 mới đây, nhà đài và các chương trình THTT kiểu này đang làm hỏng thị hiếu khán giả.

Những “món” truyền hình không tiêu hóa nổi

. Phóng viên: Thưa tiến sĩ, gần đây có rất nhiều sự cố ở các chương trình THTT khiến người xem hoang mang và mất niềm tin, theo bà vì sao lại có thực trạng đó?

+ PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái: Trước tiên, tôi phải thừa nhận THTT là một xu hướng truyền hình của toàn cầu. Nhưng khi nó ồ ạt vào Việt Nam (VN) đã gây ra thảm họa nhiều hơn thành công. Chương trình THTT khi mua format từ nước ngoài và chế biến nó ở trong bếp Việt thì xảy ra một tình trạng ngoài ý muốn, đấy là nấu nướng bị sống, sượng. Kết quả là công chúng VN có những “món” truyền hình không thể tiêu hóa nổi.

. Bà có thể cho một ví dụ về trường hợp chương trình truyền hình bị “sống” và “sượng” như bà vừa nói?

+ Ngay cả trong chương trình Giai điệu tự hào, một chương trình mà tôi cho rằng sáng nhất trong mặt bằng chung của các chương trình THTT bây giờ vẫn không tránh khỏi những hạt sạn. Bởi cái hấp dẫn nhất của chương trình này là đối thoại và bình luận giữa hai hội đồng trẻ và già nhưng có những người trong hội đồng lại quan tâm đến việc đánh bóng tên tuổi cá nhân. Thay vì giải mã những bài hát ấy, đánh giá xem nó có chất lượng như thế nào khiến mình phải tự hào thì họ lại nói những chuyện đâu đâu, những chuyện ở “trên trời”. Hoặc màn ảo thuật của thí sinh trong chương trình Tìm kiếm tài năng, không ai ngờ pha uống phải acid đấy là chiêu trò. Tôi coi đấy là lỗi Việt hóa trầm trọng.

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng lỗi lớn của chương trình Điều ước thứ 7 về cặp vợ chồng hát rong là làm sai lạc vấn đề và bịa chuyện.

Điều ước thứ 7: Phép thử của những trò bịp bợm

. Với tư cách là khán giả, khi phát hiện sự thật về cặp vợ chồng hát rong trong chương trình Điều ước thứ 7 phát trên sóng VTV mới đây, bà có cảm xúc gì?

+ Với việc Đài Truyền hình VN đưa tin sai sự thật, tôi cho rằng truyền thông bỗng trở thành phép thử của những trò bịp bợm về mặt thông tin. Không nên xảy ra một câu chuyện là đài truyền hình thì thông tin sai và một cơ quan khác là báo Vietnamnet phải tự đi xác minh nguồn tư liệu và phát hiện ra sự không chính xác của thông tin. Tất cả người làm lĩnh vực thông tin và truyền thông cần phải chú ý tránh xa những lỗi văn hóa trong việc truyền thông đó là: tin tức giật gân rẻ tiền, lừa đảo công chúng bằng những tin tức không xác thực, bịa ra những câu chuyện không có thực bằng cách che giấu thông tin về sự thật. Lỗi lớn nhất của truyền thông trong sự việc này là đánh tráo khái niệm làm sai lạc vấn đề và bịa chuyện.

Làm hỏng thị hiếu khán giả hiện đại

. Nếu thảm họa vẫn tràn ngập trên sóng truyền hình như hiện nay, theo tiến sĩ điều gì sẽ xảy ra?

+ Điều gì đã xảy ra bạn có thể thấy, đó là THTT đã trở thành những thảm họa đối với người xem. Cho nên muốn cải thiện việc này phải có một màng lọc rất tốt về văn hóa. Phải lọc lại, nếu không muốn nói là phải thanh lọc những điều mà chỉ phù hợp với THTT ở nước ngoài chứ không phải ở VN. Chính vì vậy, nếu nói đến viễn cảnh của THTT thì thảm họa của nó đưa đến những viễn cảnh khá là đen tối. Trước tiên, nó đã góp phần làm hỏng thị hiếu của người xem Việt hiện đại. Nhưng may quá sự hỏng thị hiếu này không phải diễn ra ở toàn thể công chúng Việt mà chỉ ở một bộ phận. Tôi lo ngại rằng nếu bộ phận này đến một ngày trở thành số đông thì thật nguy hiểm. Tuy nhiên, tôi vẫn có niềm tin ở người xem, bởi tôi thấy có rất nhiều người xem thông minh và họ vẫn đang chiếm một ưu thế nhất định. Cho nên đã đến lúc THTT VN đừng coi khán giả VN là những con cừu nữa.

Cần một màng lọc trong trẻo và tử tế

. Bà có đề cập đến việc khán giả “nhai phải sạn” của THTT nhưng đây vẫn là những chương trình có nhiều người xem hơn cả. Bà giải thích việc này như thế nào?

+ Vì nó mới và hình thức của nó rất hấp dẫn. Nó đề cập đến những câu chuyện thực tế sát sườn với người xem nên người ta thích cũng không phải là chuyện lạ. Chưa kể nó còn có tính đại chúng rất cao. THTT đã chạm đến những vấn đề thực tế xảy ra trong đời sống, do vậy rất nhiều người xem đã soi được bóng của mình vào đấy. Thêm nữa, tính đối thoại giữa THTT với người xem về các vấn đề xã hội là rất lớn. Nó giúp người ta giải quyết được những vấn đề trong thực tế khiến người ta đang ngổn ngang trăm mối. Cho nên người ta muốn được xem những câu chuyện tương tự với những điều trong cuộc sống mà họ đương phải đối đầu và chưa thể tìm ra lời giải đáp. Mỗi quốc gia lại có một thực tế riêng và độc lập. Trong cuộc giao lưu văn hóa bằng THTT với toàn cầu, những nước mua format THTT của nước ngoài cần phải có một màng lọc rất trong trẻo và kỹ lưỡng về văn hóa thì mới có những chương trình THTT phục vụ tốt cho khán giả nước mình.

Đài truyền hình quốc gia phải tìm ra giải pháp

. Bà có nghĩ đã đến lúc điều chỉnh THTT?

+ Bây giờ tôi nghĩ điều chỉnh là đã muộn nhưng muộn còn hơn không. Muốn chấm dứt loạn chuẩn của THTT hôm nay thì Đài Truyền hình VN phải tăng cường vai trò làm chủ của chủ thể, của một đài truyền hình quốc gia. Chính đài truyền hình quốc gia phải là người đầu tiên nghĩ đến việc điều chỉnh và tìm ra những giải pháp để giải quyết các sự cố ngày càng nhiều hơn của THTT. Thậm chí, phải có những cơ chế thưởng, phạt công minh đối với những chương trình tích cực hoặc tiêu cực, chính thống hoặc lệch lạc, nhất là những chương trình đang bị Việt hóa một cách thảm họa như chúng ta đang chứng kiến.

. Dưới góc độ cá nhân, theo bà việc điều chỉnh đó nếu diễn ra thì nên bắt đầu từ đâu?

+ Từ gốc, từ căn cơ. Từ việc chọn mua chương trình nào, ai đứng ra mua, với tư cách nào và khi tổ chức chương trình này thì trách nhiệm chính sẽ thuộc về ai. Cần phải xem xét một cách căn bản chương trình có nặng vì tiền không. Vì điều đó ảnh hưởng đến thẩm mỹ của người xem, ảnh hưởng đến sự Việt hóa. Một đài truyền hình quốc gia thì phải bao quát được toàn bộ việc phát sóng chương trình THTT, từ sản xuất, chỉ đạo, tổ chức… sao cho nó góp phần nâng cao thẩm mỹ cũng như sự thực tế của chương trình đối với công chúng VN.

. Xin cám ơn tiến sĩ.

“Phương Mỹ Chi trở thành cỗ máy kiếm tiền quá sớm”

Trước thực tế đối tượng các chương trình THTT đang ngày càng rộng lớn, thậm chí trẻ em cũng đang là nhân vật xuất hiện thường xuyên trên truyền hình với vai trò là người chơi, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nói: “Cái làm tôi phiền muộn nhất của chương trình THTT là sự vụ lợi đang lấn át từ các nhà tổ chức. Và ham muốn nổi tiếng bằng bất cứ giá nào đang lấn át những người chơi. Nếu tôi là cha mẹ của cháu Phương Mỹ Chi, tôi chẳng bao giờ cho con bé nổi tiếng quá sớm như thế trên truyền hình và vô tình trở thành một cỗ máy kiếm tiền cực kỳ hữu dụng cho những người tổ chức. Cha mẹ các cháu đều biết trẻ em hát ơi ới trên truyền hình với những ca từ người lớn “anh anh em em” yêu đương não tình mà không có bài cho trẻ con hát thì có thể không gọi là thảm họa được không? Đến nỗi trẻ con cũng biết lên truyền hình để kiếm thật nhiều tiền mang về cho cha mẹ thì sự việc sẽ còn đi đến đâu! Tôi không hiểu tại sao mọi người có thể sung sướng với những chuyện trẻ con đóng vai người lớn và kiếm tiền như một cỗ máy như thế”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm